Trong tháng qua, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới; trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca lây nhiễm, song có một số trường hợp phải thực hiện cách ly (F1, F2); việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân, một số hoạt động kinh doanh dịch vụ tạm thời bị hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng Tám và tám tháng năm 2020 cụ thể như sau:
1. Nông nghiệp và thủy sản
a) Trồng trọt
Cây hàng năm: Trong tháng qua, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây lúa mùa và cây rau màu vụ hè thu. Theo báo cáo tổng hợp từ các huyện, thị xã, thành phố, diện tích gieo trồng lúa mùa năm nay khoảng 28.900 ha, bằng 93,31 % so với vụ mùa năm 2019, trong đó gieo thẳng, gieo vãi đạt 5.400 ha, bảo đảm kế hoạch và khung thời vụ. Thời điểm này, trên đồng ruộng đang xuất hiện một số loại sâu bệnh hại lúa như: bệnh khô vằn (diện tích nhiễm 1.834 ha, diện tích phòng trừ 1.562 ha), sâu cuốn lá nhỏ (diện tích nhiễm 2.951 ha, diện tích phòng trừ 2.659 ha). Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, nắm bắt tình hình các đối tượng dịch hại cây trồng để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả ở những nơi có mật độ, tỷ lệ sâu bệnh cao.
Bênh cạnh việc gieo cấy lúa mùa, nông dân các địa phương trong tỉnh cũng tích cực gieo trồng cây rau màu hè thu. Đến ngày 20/8/2020, diện tích trồng rau màu vụ hè thu đạt 4.895 ha, trong đó: ngô 674 ha; lạc, đậu tương 87 ha, dược liệu 77 ha, hoa cây cảnh 881 ha, cây rau màu khác 3.177 ha.
Cây lâu năm: bên cạnh việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, nông dân các địa phương cũng đã chú trọng đến chăm sóc các loại cây ăn quả. Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 14.046 ha, trong đó chủ yếu là cây ăn quả, chiếm 93,66% diện tích. Năm nay thời tiết thuận lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả đối với các loại cây ăn quả. Dự tính hầu hết các loại cây ăn quả đều có sản lượng tăng so với năm 2019 như: vải đạt 12 nghìn tấn, tăng 57,89%; nhãn đạt 46,5 nghìn tấn, tăng 47,62%.
b) Chăn nuôi
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, không có dịch bệnh xảy ra đối với đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao, giá bình quân từ 84.000-87.000 đồng/kg đã tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất tái đàn, vì vậy tổng đàn lợn đang dần tăng trở lại. Tuy nhiên, giá lợn giống tăng cao và khan hiếm đã ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tái đàn lợn toàn tỉnh. Qua tổng hợp điều tra chăn nuôi 01/7/2020 và so với cùng kỳ năm 2019: Đàn trâu, bò giữ được mức độ phát triển ổn định; đàn lợn đạt 430,5 nghìn con, tăng 10,48%; đàn gia cầm trên 9,4 triệu con, tăng 4,21%.
2. Sản xuất công nghiệp
a) Chỉ số sản xuất công nghiệp
Trong tháng qua, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau đợt bùng phát dịch tại thành phố Đà Nẵng (từ ngày 25/7/2020) đã lây lan ra một số tỉnh, thành phố gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, mặc dù không có ca lây nhiễm dịch Covid-19 xảy ra, song các khó khăn của doanh nghiệp về thị trường, vốn, lao động vẫn còn.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tám giảm 3,44%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 7,50%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,63%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,74%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,32%. Nhiều sản phẩm giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 2,37%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 17,38%; sản phẩm bằng plastic giảm 0,29%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 0,75%; sắt thép các loại giảm 1,71%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5W giảm 10%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu giảm 22,21%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 3,25%. Tuy nhiên cũng có một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 5,38%; thức ăn cho gia cầm tăng 13,23%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 12,60% ...
So với cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám tăng 8,17%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 12,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,02%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 10,53%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,98%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: thức ăn cho gia cầm tăng 7,87%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 9,04%; sản phẩm bằng plastic tăng 7,32%; sắt, thép các loại tăng 3,21%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 20,65%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 16,73%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 12,61% ... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 2,24%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 38,48%; quần áo các loại giảm 6,17%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 18,14%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W giảm 7,98%; ...
Tính chung tám tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 7,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,76%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,53%.
Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 4,20%; thức ăn cho gia cầm tăng 17,48%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 8,18%; sản phẩm bằng plastic tăng 5,91%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 14,36%; dây cách điện đơn dạng cuộn tăng 8,54%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 10,52%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu tám tháng giảm như: thức ăn cho gia súc giảm 18,28%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 37,27%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 9,52%; dây điện đơn dạng cuộn giảm 0,51%; ... Những sản phẩm này giảm do ảnh hưởng của thị trường, như: do chăn nuôi lợn chưa phục hồi nên ảnh hưởng đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tác động đến ngành sản xuất rượu, bia dẫn đến các doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất; dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp.
3. Hoạt động đầu tư
a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương
Bên cạnh khó khăn do dịch Covid-19, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng có những thuận lợi. Hưng Yên là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến hết ngày 5/8/2020, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được 2.760,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt tỷ lệ 54,7% kế hoạch địa phương giao. Tuy nhiên, giải ngân vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ kéo dài từ năm 2018 sang năm 2020 đạt thấp so với kế hoạch, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho tỉnh.
Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Tám đạt 298.080 triệu đồng, tăng 7,51% so với tháng trước và tăng 41,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 105.500 triệu đồng, tăng 16,94%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 96.100 triệu đồng, tăng 49,43%; vốn ngân sách cấp xã đạt 96.480 triệu đồng, tăng 69,72% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung tám tháng, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.674.321 triệu đồng, tăng 13,95% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 47,01% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 709.516 triệu đồng, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 52,58% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 601.885 triệu đồng, tăng 33,53% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 52,74% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 362.920 triệu đồng, tăng 11,93% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 33,98% kế hoạch năm.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến 20/8/2020, toàn tỉnh có 478 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.800.761 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 15 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 54.532 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 166 dự án, vốn đăng ký là 2.961.154 nghìn USD, chiếm 61,68% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 145 dự án, vốn đăng ký 723.794 nghìn USD, chiếm 15,08% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 102 dự án, vốn đăng ký 536.284 nghìn USD, chiếm 11,17% tổng số vốn đăng ký.
4. Thương mại, dịch vụ
Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều địa phương trong nước, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca lây nhiễm nào, song việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh một số hoạt động kinh doanh dịch vụ đã bị tạm dừng, bị hạn chế nhằm hạn chế lây lan khi dịch bệnh xảy ra. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 3.518.058 triệu đồng, giảm 4,31% so với tháng trước và tăng 7,79% so cùng kỳ năm 2019. Cụ thể như sau:
a) Bán lẻ hàng hóa
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Tám ước đạt 2.500.864 triệu đồng, giảm 1,97% so với tháng trước và tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể ở một số nhóm hàng chính sau: nhóm hàng lương thực, thực phẩm giảm 1,78% so với tháng trước và tăng 13,82% so với cùng kỳ năm 2019; nhóm hàng may mặc giảm 1,95% so với tháng trước và tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 2,83% so với tháng trước và tăng 11,71% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 2,56% so với tháng trước và tăng 19,86% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng phương tiện đi lại giảm 1,25% so với tháng trước và tăng 8,24% so với cùng kỳ năm trước; nhóm nhiên liệu, xăng dầu giảm 1,35% so với tháng trước và giảm 1,39% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác giảm 2,72% so với tháng trước và tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2019.
b) Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tám ước đạt 146.154 triệu đồng, giảm 9,53% so với tháng trước và giảm 3,53% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 5.012 triệu đồng, giảm 2,11% so với tháng trước và giảm 14,41% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống 141.142 triệu đồng, giảm 9,77% so với tháng trước và giảm 3,09% so với cùng kỳ năm trước.
c) Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành
Ước tính doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành của tỉnh tháng Tám đạt 852 triệu đồng, giảm 54,55% so với tháng trước và giảm 58,80% so với cùng kỳ năm 2019.
d) Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Tám ước đạt 870.187 triệu đồng, giảm 9,53% so với tháng trước và tăng 2,64% so cùng kỳ năm trước. Chi tiết cụ thể từng ngành như sau:
Doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản 606.691 triệu đồng giảm 9,88% so với tháng trước và tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 121.181 triệu đồng giảm 7,13% so với tháng trước và tăng 8,20% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ giáo dục và đào tạo 19.975 triệu đồng, giảm 9,82% so với tháng trước và tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ y tế 13.025 triệu đồng, tăng 2,68% so với tháng trước và tăng 11,15% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí 6.845 triệu đồng giảm 20,55% so với tháng trước và giảm 22,45% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ sửa chữa 17.957 triệu đồng giảm 2,84% so với tháng trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ phục vụ khác 102.470 triệu đồng, giảm 10,93% so với tháng 7/2020 và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung tám tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 27.650.007 triệu đồng, tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thương nghiệp 19.661.596 triệu đồng, tăng 8,92%; lưu trú, ăn uống 1.046.042 triệu đồng, giảm 2,01%; doanh thu du lịch 7.693 triệu đồng, giảm 45,13%; doanh thu dịch vụ khác 6.934.676 triệu đồng, tăng 2,31%,
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng Bẩy ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh không có ca lây nhiễm nào. Đến nay, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám giảm nhẹ, giảm 0,04%. Trong đó: có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giảm, bao gồm: đồ uống và thuốc lá giảm 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,60%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,37%; giao thông giảm 0,23%; bưu chính viễn thông giảm 0,18%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%. Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số tăng, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,11%; giáo dục tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế trong tháng không có sự biến động.
So với tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm 0,21%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,29%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,21%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép giảm 1,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,99%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,26%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; dịch vụ giao thông giảm 13,67%; bưu chính, viễn thông giảm 0,56%; giáo dục tăng 0,07%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 1,60%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,37%.
So với tháng cùng kỳ năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng 4,0%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,49% (lương thực tăng 7,21%; thực phẩm tăng 15,62%; ăn uống ngoài gia đình tăng 10,13%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,0%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép giảm 0,39%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,85%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,71%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; dịch vụ giao thông giảm 13,96%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 1,07%; giáo dục tăng 3,24%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,27%.
Bình quân chung tám tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 15,10%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,91%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 0,87%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,56%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,38%; dịch vụ giao thông giảm 10,02%; bưu chính, viễn thông giảm 0,93%; dịch vụ giáo dục tăng 3,50%; dịch vụ văn hóa,thể thao, giải trí tăng 1,30%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,73%.
b) Chỉ số giá vàng, đô la Mỹ
Trong tháng qua, giá vàng có nhiều biến động mạnh với chiều hướng tăng, chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 8,18% so với tháng trước, tăng 34,36% so với cùng kỳ năm trước và giá bình quân 5.440.820 đồng/chỉ.
Đối với đồng đô la Mỹ, chỉ số giá đồng đô la Mỹ tháng Tám giảm 0,04% so với tháng trước, giảm 0,10% so với cùng kỳ năm 2019 và giữ mức giá bình quân là 23.270 đồng/USD.
6. Hoạt động vận tải
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ tiêu doanh thu, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách, hàng hóa trong tháng Tám đều giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể như sau:
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Tám ước đạt 1.694 nghìn lượt người vận chuyển và 86.332 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 2,78% về lượt người vận chuyển và tăng 3,39% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 79.166 triệu đồng, tăng 3,69%. Tính chung tám tháng, vận tải hành khách ước đạt 10.836 nghìn lượt người vận chuyển và 571.586 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 10,70% về lượt người vận chuyển và giảm 11,86% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 528.453 triệu đồng, giảm 11,17%.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Tám ước đạt 3.853 nghìn tấn vận chuyển và 160.617 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 9,64% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,23% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 421.934 triệu đồng, tăng 12,81%. Tính chung tám tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 25.812 nghìn tấn vận chuyển và 1.092.810 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 1,45% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 0,91% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.898.323 triệu đồng, tăng 1,81%.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Tám ước đạt 1.141.144 triệu đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu nội địa 857.499 triệu đồng, tăng 24,04%; thu hải quan 283.645 triệu đồng, giảm 17,79%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 12.576 triệu đồng, giảm 36,30%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 80.508 triệu đồng, tăng 14,11%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 200.856 triệu đồng, giảm 14,01%; thu phí, lệ phí 31.398 triệu đồng, tăng 42,81%; thu thuế thu nhập cá nhân 65.623 triệu đồng, tăng 24,30%; các khoản thu về nhà đất 424.658 triệu đồng, tăng 79,65%...
Tính chung tám tháng đầu năm 2020, thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.398.521 triệu đồng, giảm 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 63,23% kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 7.070 triệu đồng, tăng 3,62%, đạt 66,92% kế hoạch năm; thuế xuất nhập khẩu 2.328.521 triệu đồng, giảm 10,98%, đạt 54,15% kế hoạch năm. Một số khoản thu nội địa như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 135.000 triệu đồng, giảm 13,64%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.050.000 triệu đồng, giảm 10,05%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.612.000 triệu đồng, giảm 24,88%; thu phí, lệ phí 286.00 triệu đồng, tăng 3,44%; thuế thu nhập cá nhân 690.000 triệu đồng, tăng 15,84%; các khoản thu về nhà đất 2.837.000 triệu đồng, tăng 35,57%; các khoản thu khác 140.000 triệu đồng, tăng 40,40% so với cùng kỳ năm trước.
b) Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 20/8/2020, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 7.856.968 triệu đồng, đạt 76,40% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.610.156 triệu đồng, đạt 107,89% kế hoạch; chi thường xuyên 4.246.813 triệu đồng, đạt 61,21% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 361.338 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.455.719 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 412.871 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 72.977 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 462.929 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.064.192 triệu đồng; chi khác 392.280 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước thực hiện đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 91.848.488 triệu đồng, tăng 9,77% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 84.875.269 triệu đồng, tăng 11,97% và chiếm 92,41% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 63.322.784 triệu đồng, tăng 3,38% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 44.586.302 triệu đồng, tăng 4,90%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.736.482 triệu đồng, giảm 0,07%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 61.028.837 triệu đồng, tăng 4,01%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.293.947 triệu đồng, giảm 11,06%. Về chất lượng tín dụng: nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 824.651 triệu đồng (chiếm 1,30% tổng dư nợ), giảm 23,90% so với thời điểm 31/12/2019.
8. Một số hoạt động xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao
Toàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020). Chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày lưu động chuyên đề “Đảng bộ tỉnh Hưng Yên qua các kỳ Đại hội” tại huyện Ân Thi và Khoái Châu. Trưng bày giới thiệu về quá trình thành lập, phát triển của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên từ khi được thành lập năm 1941 cho tới nay, gồm 3 chủ đề: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên qua các kỳ Đại hội; Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo nhân dân cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên.
Các hoạt động thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng được tổ chức như: Giải Bóng chuyền nam vô địch các câu lạc bộ tỉnh năm 2020 diễn ra trong hai ngày 24 - 25/7/2020; từ ngày 22 - 30/7/2020, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, thành phố Hồ Chí Minh, các vận động viên của tỉnh đã tham gia Giải vô địch Taekwondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc năm 2020, đoàn Hưng Yên có 13 VĐV tham gia thi đấu. Kết quả giành 01 huy chương vàng, 06 huy chương đồng.
b) Hoạt động y tế
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến 16h ngày 13/8/2020, toàn tỉnh đang cách ly 1.718 người, trong đó tại cơ sở y tế 35 người, tại cơ sở cách ly tập trung của tỉnh 220 người, tại cơ sở cách ly tập trung của huyện 33 người, tại khách sạn 217 người và cách ly tại nhà 1.213 người. Tỉnh tập trung rà soát các trường hợp F1, F2 có liên quan đến các ca bệnh từ ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương. Công tác phân luồng, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thực hiện nghiêm. Công tác hậu cần phục vụ chống dịch được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm.
c) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/7/2020 đến ngày 15/8/2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 6 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ với 7 cá nhân và 1 tổ chức vi phạm, số tiền xử phạt là 99 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt về vi phạm thu gom quản lý chất thải không đúng quy định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục, …
Từ ngày 16/7/2020 đến ngày 15/8/2020, trên địa bàn tỉnh không vụ cháy, nổ nào. Tính từ ngày 16/12/2019 đến 15/8/2020, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, không có vụ nổ, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản 800 triệu đồng.
d) An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/7/2020 đến 14/8/2020, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 9 người, làm bị thương 4 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 4 vụ, giảm 33,33%; số người chết tăng 1 người, tăng 12,50%; số người bị thương giảm 11 người, giảm 73,33%.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/8/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người, làm bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giảm 7 vụ, giảm 7,0%; số người chết giảm 4 người, giảm 4,94%; số người bị thương giảm 5 người, giảm 8,93%./.
Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên