Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/01/2020-15:49:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng mười hai và cả năm 2019 tỉnh Hưng Yên

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, tình hình căng thẳng thương mại giữa các nước lớn trên thế giới ngày càng phức tạp. Trong nước, nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lây lan trên diện rộng; nhiều mặt hàng nông sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, trong năm 2019, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ước tính đạt được những kết quả chủ yếu sau:

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,72% so với năm 2018;

2. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,44%; Công nghiệp và xây dựng 62,15%; Thương mại, dịch vụ (gồm cả thuế sản phẩm) 29,41%;

3. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 74,57 triệu đồng;

4. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 34.726 tỷ đồng, tăng 10,11%;

5. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.946 tỷ đồng, tăng 19,64%, trong đó thu nội địa 12.124 tỷ đồng, tăng 21,39%;

6. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,61%;

7. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 38.098 tỷ đồng, tăng 11,12%;

8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92%;

9. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,90% (năm 2018 là 2,55%).

1. Tăng trưởng kinh tế

Năm 2019, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,72% so với năm 2018, đây là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, trong đó quan trọng nhất là sự tiếp tục giữ được sự ổn định và phát triển trên cả ba khu vực.

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản: tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp và lây lan diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Song do sự chuyển dịch nhanh trong trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả khá, năm 2019, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 1,81% so với năm trước và đóng góp 0,18 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tiếp tục có tốc tăng trưởng khá ở mức 9,97% và đóng góp 0,13 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng thâm canh, tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích đất lúa hiệu quả thấp sang đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao.

Về công nghiệp, xây dựng: Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tăng trưởng khá cao, giá trị tăng thêm tăng 12,16% và đóng góp 6,23 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là ngành giữ vai trò đầu tầu, có đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung, với mức tăng trưởng 12,37%, đóng góp 5,81 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,91%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm.

Hoạt động xây dựng tiếp tục phát triển mạnh, bên cạnh xây dựng nhà ở dân cư, trong năm 2019, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được tỉnh tiếp tục quan tâm và kêu gọi đầu tư. Nhiều dự án đầu tư bất động sản, công trình giao thông trọng điểm, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị mới được xây dựng. Do đó, năm 2019, ngành xây dựng duy trì mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm tăng 17,31% và đóng góp 0,94 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Về dịch vụ: Năm 2019, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,51%, không đạt kế hoạch đề ra. Trong khu vực dịch vụ, có đóng góp của một số ngành lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế của tỉnh như: hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đóng góp 0,37 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi đóng góp 0,19 điểm phần trăm; thông tin và truyền thông đóng góp 0,17 điểm phần trăm; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đóng góp 0,21 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: Hưng Yên là 1 trong 7 tỉnh, thành phố trong cả nước tự chủ về thu, chi ngân sách và có đóng góp trở lại ngân sách Trung ương. Vì vậy, tình hình thu ngân sách trên địa bàn vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Năm 2019 thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,46%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.

2. Quy mô và cơ cấu kinh tế

Quy mô nền kinh tế năm 2019 của tỉnh ước tính đạt 96.633 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 74,57 triệu đồng, tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2018.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm xuống; công nghiệp, xây dựng, có xu hướng tăng lên. Năm 2019, cơ cấu kinh tế của tỉnh như sau: nông, lâm nghiệp thủy sản còn 8,44%; công nghiệp - xây dựng 62,15%; thương mại, dịch vụ 22,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,67% (cộng chung thương mại, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 29,41%).

Có được kết quả trên là do tỉnh đã phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra được bước chuyển dịch phát triển kinh tế đúng hướng, có những đột phá trong thu hút đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, từ đó phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Nông nghiệp và thủy sản

3.1. Nông nghiệp

Trồng trọt

Năm 2019, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, sâu bệnh; giá thức ăn chăn nuôi, giá cả vật tư, phân bón ở mức cao; dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng đã gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi. Tình hình sản xuất cụ thể như sau:

Sản xuất cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 85.365 ha, giảm 7,10% (giảm 6.524 ha) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Diện tích gieo trồng lúa 62.983 ha, giảm 5,14% (giảm 3.416 ha); ngô 5.274 ha, giảm 1.651 ha (giảm 23,84%); cây lấy củ có chất bột 913 ha, giảm 13,63% (giảm 144 ha); cây công nghiệp hàng năm 1.568 ha, giảm 19,29% (giảm 375 ha); cây rau, đậu và hoa 13.072 ha, giảm 7,35%.

Năng suất các loại cây trồng đều tăng, trong đó: Lúa 64,06 tạ/ha, tăng 1,49 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2018; ngô 59,80 tạ/ha, tăng 0,06 tạ/ha; khoai lang 156,25 tạ/ha, tăng 2,47 tạ/ha; lạc 35,18 tạ/ha, tăng 0,25 tạ/ha; đậu tương 21,91 tạ/ha, tăng 0,50 tạ/ha; rau các loại 242,13 tạ/ha, tăng 5,73 tạ/ha; đậu các loại 19,78 tạ/ha, tăng 0,99 tạ/ha.

Sản lượng một số cây trồng như sau: Lúa 403.453 tấn, giảm 2,89% (giảm 11.991 tấn) so với cùng kỳ năm 2018; ngô 31.539 tấn, giảm 23,77% (giảm 9.833 tấn); khoai lang 6.625 tấn, giảm 3,41% (giảm 234 tấn); lạc 2.605 tấn, giảm 11,45% (giảm 337 tấn); đậu tương 1.779 tấn, giảm 23,58% (giảm 549 tấn); rau các loại 279.669 tấn, giảm 13.644 tấn (giảm 4,65%); đậu các loại 1.072 tấn, giảm 27,75 % (giảm 412 tấn).

Sản xuất cây lâu năm: Cây lâu năm của tỉnh phần lớn là cây ăn quả. Theo tổng hợp sơ bộ, năm 2019, tổng diện tích hiện có các loại cây lâu năm đạt 14.046 ha; tăng 1.286 ha (tăng 10,08%) so với năm 2018. Trong đó: cây ăn quả 13.155 ha (chiếm 93,66% tổng diện tích cây lâu năm), tăng 9,07%; cây gia vị và cây dược liệu lâu năm 141 ha, tăng 106,48%; cây lâu năm khác 747 ha, tăng 18,42%; cây lấy quả chứa dầu (gấc) 2,85 ha. Trong những loại cây ăn quả thì cây nhãn vẫn chiếm diện tích lớn nhất 4.510 ha, tăng 0,91% so với năm trước; tiếp đến là cây chuối 2.506 ha, tăng 7,08%; cây cam 1.830 ha, tăng 10,09%. Đây là ba loại cây thế mạnh của tỉnh được trồng tập trung ở huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, thành phố Hưng Yên và đang được phát triển trồng ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Một số loại cây có diện tích khá, năm nay được mở rộng trồng nhiều như: cây bưởi 1.629 ha, tăng 29,45%; cây vải 924 ha, tăng 30,79% so với cùng kỳ năm trước. Cây bưởi trồng mới tập trung chủ yếu ở thành phố Hưng Yên, huyện Kim Động, huyện Khoái Châu..., cây vải được trồng nhiều ở huyện Phù Cừ.

Hiện nay, các nhà vườn trồng cây ăn quả ngày càng chú trọng đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng từ khâu cây giống cho đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, áp dụng khoa học kỹ thuật như: chiết, ghép, lai tạo giống, kích thích cây ra hoa trái vụ, phun thuốc tăng khả năng đậu quả và phòng trừ sâu bệnh kịp thời làm tăng năng suất cây trồng. Do đó, năng suất và sản lượng các loại cây ăn quả đều cao hơn so với cùng kỳ. Theo tổng hợp sơ bộ, một số cây trồng có sản lượng thu hoạch cao như sau: Chuối 65.250 tấn, tăng 34,54%; ổi 13.280 tấn, tăng 53,53%; đu đủ 3.680 tấn, tăng 26,90%; cam 32.150 tấn, tăng 11,25%; bưởi 22.800 tấn, tăng 57,24% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với cây nhãn và vải, do năm nay thời tiết không thuận lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả, vì vậy, năng suất, sản lượng nhãn, vải của tỉnh thấp hơn năm trước: sản lượng nhãn đạt 31.500 tấn, giảm 25,53%; sản lượng vải đạt 7.600 tấn, giảm 25,12%.

Trong năm 2019, toàn tỉnh chuyển đổi được 2.899,5 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang diện tích cây trồng khác và nuôi thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại trên cây trồng được triển khai kịp thời. Công tác thuỷ lợi được triển khai đồng bộ, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Đây là các yếu tố chính thúc đẩy kết quả sản xuất của ngành trồng trọt tăng cao, không những đảm bảo về vấn đề an ninh lương thực, mà còn góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2019 mà tỉnh đã đề ra.

Sản xuất cây vụ đông năm 2020: Theo báo cáo tiến độ sản xuất đến ngày 25/12/2019, diện tích cày ải, cày lật đất phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt 22.070 ha, đạt 93% diện tích cày ải theo kế hoạch. Toàn tỉnh gieo trồng được 10.215 ha các loại cây vụ đông, bằng 96,60% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92,44% kế hoạch đề ra. Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ trồng rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú nên dự báo nguồn cung cho thị trường dồi dào, năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn năm trước. Tuy nhiên, giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công cao, công làm đất... tăng nhanh, trong khi giá sản phẩm nhiều loại không tăng, gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh, giảm hiệu quả sản xuất. Mặt khác, nguồn lao động trẻ bị thu hút vào làm trong các doanh nghiệp và dịch vụ thương mại, xây dựng nên nhiều nơi thiếu lao động, nhất là các huyện phía Bắc tỉnh. Tại nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.

Theo báo cáo tiến độ sản xuất, tính đến ngày 25/12/2019, diện tích thu hoạch rau màu vụ đông như sau: ngô 1.210 ha; bí các loại 760 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 227 ha; rau, màu các loại 3.610 ha. Đến thời điểm này, các loại cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Do nền nhiệt các tỉnh phía Bắc giảm xuống, đây là điều kiện thuận lợi cho cây vụ đông phát triển nhanh và cho năng suất cao.

Chăn nuôi

Năm 2019, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với các hộ chăn nuôi. Từ ngày 01/2/2019 phát hiện dịch đến ngày 27/9/2019, các địa phương đã tổ chức tiêu hủy 197.157 con lợn (11.160.476 kg) tại 11.091 hộ, 774 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố. Đã có 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố dịch gồm: TP. Hưng Yên (13/17 xã, phường); Yên Mỹ (17/17 xã, TT); Ân Thi (21/21 xã); Kim Động (16/17 xã, TT); Mỹ Hào (13/13 xã); Văn Giang (10/11 xã); Tiên Lữ (15/15 xã); Phù Cừ (14/14 xã); Văn Lâm (11/11 xã); Khoái Châu (21/25 xã).

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt trên toàn địa bàn tỉnh. Đến ngày 27/9/2019, toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc, vôi bột và hỗ trợ tiền công phun hóa chất khử trùng tiêu độc được: 99.702 lít hóa chất, 7.402 tấn vôi bột và 1.549,8 triệu đồng tiền công phun. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 51.636 lít; cấp huyện 10.539 lít, 345 tấn vôi bột và 1.012,8 triệu đồng tiền công phun; cấp xã 5.762 lít, 2.004 tấn vôi bột và 537 triệu đồng tiền công phun; người chăn nuôi 31.765 lít, 5.053 tấn. Kết quả, đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột được 99.702 lít hóa chất khử trùng, 7.402 tấn vôi bột tương ứng với trên 58,0 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (Trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 25,4 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 32,6 triệu lượt m2).

Tính đến hết ngày 27/9/2019, có 131 xã, phường của 10 huyện, thành phố, thị xã đã công bố hết dịch gồm: TP. Hưng Yên (13/13 xã, phường); Ân Thi (20/21 xã, thị trấn); Yên Mỹ (15/17 xã, thị trấn); TX Mỹ Hào (13/13 xã, phường); Kim Động (12/16 xã, thị trấn); Khoái Châu (17/21 xã, thị trấn); Văn Lâm (09/11 xã, thị trấn); Phù Cừ (13/14 xã, thị trấn); Tiên Lữ (11/15 xã); Văn Giang (9/10 xã).

Giá thịt lợn trong khoảng thời gian dịch diễn ra bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng cao từ sự tác động của việc sụt giảm đầu con thời kì sau dịch bệnh. Trước tình trạng dịch tả lợn Châu Phi diễn ra ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng, mở rộng chăn nuôi gia cầm nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường, một số hộ chăn nuôi lợn tiếp tục tái đàn, cũng có hộ chuyển hướng nuôi gia cầm và tiếp tục theo dõi tình hình dịch tả lợn. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2019, số lượng và sản phẩm chăn nuôi như sau:

Tổng đàn trâu 2.690 con, giảm 1,14% so cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 270 tấn, tăng 2,66%, số lượng đàn trâu giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Đàn bò 35.794 con, tăng 1,16%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 3.375 tấn, tăng 7,14% do thị trường tiêu thụ ổn định đã khuyến khích người sản xuất mở rộng quy mô sản xuất. Tổng đàn lợn 493.972 con, giảm 23,95% do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; số con xuất chuồng 997.758 con, giảm 18,76%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 94.635 tấn, giảm 16,13%. Thời điểm này, mặc dù giá thịt lợn tăng cao, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Chỉ có các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tái đàn với số lượng rất hạn chế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tái đàn hoặc nếu có thì số lượng rất ít. Tổng đàn gia cầm đạt 9.470 nghìn con, tăng 9,33%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 33.567 tấn, tăng 19,48%; sản lượng trứng 392.356 nghìn quả, tăng 27,06%. Đối với đàn gia cầm chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ ở các hộ đang có xu hướng giảm, chăn nuôi quy mô lớn đang có chiều hướng phát triển.

Hiện nay, chăn nuôi gia cầm đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi các loại con khác do thời gian thu sản phẩm nhanh, giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chủ động phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Đối với Hưng Yên, hiện nay giống gà Đông Tảo đang phát triển và mở rộng quy mô nuôi do đem lại giá trị kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng tăng. Liên kết trong chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi từng bước được hình thành, xuất hiện một số hợp tác xã chăn nuôi có hiệu quả như: HTX chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát; HTX dịch vụ chăn nuôi, nông nghiệp Đức Thắng; HTX dịch vụ chăn nuôi, an toàn Siêu Việt; HTX chăn nuôi lợn huyện Ân Thi; HTX chăn nuôi bò thịt xã Xuân Đào, huyện Văn Lâm; HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo…

Công tác tiêm phòng đối với bệnh cúm gia cầm, long móng lở mồm ở gia súc, tai xanh ở lợn, tụ huyết trùng trâu, bò, dại chó mèo đạt 100% kế hoạch; tiêm phòng hai bệnh đỏ ở lợn đạt 34,4% kế hoạch (do xảy ra dịch tả lợn Châu Phi nên số lượng lợn trong diện tiêm phòng giảm mạnh); đã phun 51.636 lít hóa chất tiêu độc khử trùng do tỉnh hỗ trợ được trên 30 triệu m2 chuồng trại và môi trường chăn nuôi; kiểm dịch vận chuyển được 77.501 con lợn, 811.000 con gia cầm và nhiều sản phẩm gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ được 10.232 con lợn, 19.924 con gia cầm... Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp và tích cực triển khai của các ngành chức năng, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của nông dân các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên đến nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đã đảm bảo an toàn, phát triển ổn định.

3.2. Nuôi trồng thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là nuôi thâm canh và bán thâm canh, tổng diện tích đạt 5.695 ha. Thực trạng tại một số địa phương, có nơi cải tạo thêm được diện tích mặt nước để nuôi cá, trong khi địa phương khác lại lấp bớt ao, đầm để lập vườn trồng cây ăn quả lâu năm, do vậy diện tích nuôi thuỷ sản tăng không đáng kể.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 ước tính 45.958 tấn, tăng 10,78 % so với năm 2018. Trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 45.279 tấn, tăng 10,99%; sản lượng thuỷ sản khai thác 680 tấn, giảm 1,52%. Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản đã liên kết với nhau tạo thành những tổ hợp tác và hợp tác xã thủy sản để hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và tạo thương hiệu đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ vốn và có quy hoạch những vùng chuyên canh nuôi thủy sản ở một số huyện như: Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là những giống cá trắm, chày, chép hoặc rô phi và một số giống cá khác như: cá mè, cá trôi...

Về nuôi cá lồng, bè, toàn tỉnh có gần 30 cơ sở với trên 360 lồng nuôi, tập trung ở thành phố Hưng Yên, huyện Văn Giang, Khoái Châu. Các bè nuôi cá đều nằm trên sông Hồng, tận dụng đặc điểm dòng nước sông sạch và luôn chảy nên mật độ cá nuôi rất dày và cho năng suất trên 1 đơn vị thể tích (m2) khá cao.

Nghề khai thác thuỷ sản trong tỉnh vẫn được duy trì ở qui mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Những thuyền đánh cá trên sông phần nhiều là thuyền nhỏ không động cơ, một số người khai thác thuỷ sản không chuyên nghiệp bằng những dụng cụ đơn giản như lưới, vó tranh thủ theo mùa vụ nên sản lượng khai thác được không nhiều. Do đặc điểm của địa phương không có bờ biển, tuy có những sông lớn là sông Hồng, sông Luộc nhưng lượng thuỷ sản không nhiều nên dự báo trong dài hạn, việc khai thác thuỷ sản vẫn được duy trì nhưng với sản lượng không cao.

4. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Hai tăng 11,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 17,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,69%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,82%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,48%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,33%; thức ăn cho gia cầm tăng 20,33%; nước khoáng không có ga tăng 44,47%; quần áo các loại tăng 13,45%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 20,41%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 18,85%; sản phẩm bằng plastic tăng 7,87%; sắt, thép các loại tăng 14,49%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 11,27%; mạch điện tử tích hợp 11,79%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 16,48%; điện thương phẩm tăng 11,82%;...

Tính chung cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 11,61% so với năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 8,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,66%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,09%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,43%. Một số sản phẩm công nghiệp năm 2019 tăng so với năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 53,08%; nước khoáng không có ga tăng 13,87%; quần áo các loại tăng 13,01%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 17,36%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 13,20%; sản phẩm bằng plastic tăng 10,80%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 13,55%; mạch điện tử tích hợp tăng 11,15%; sắt thép các loại tăng 4,84%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000V chưa được phân vào đâu tăng 19,65%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 18,84%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 19,12%; điện thương phẩm tăng 9,09%...

5. Hoạt động đầu tư

Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: Năm 2019, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 34.726.375 triệu đồng, tăng 10,11% so với năm 2018. Vốn đầu tư phát triển phân theo nguồn vốn như sau: Vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước 5.208.665 triệu đồng, tăng 4,90% (trong đó: vốn ngân sách Nhà nước 2.696.946 triệu đồng, tăng 13,46%; vốn trái phiếu Chính phủ 1.047.209 triệu đồng, giảm 5,34%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước 762.850 triệu đồng, giảm 1,0%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 180.770 triệu đồng, tăng 0,97%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước 44.070 triệu đồng, giảm 11,47% ; vốn khác 476.820 triệu đồng, giảm 1,17%); vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước 18.043.100 triệu đồng, tăng 8,31% (bao gồm vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước 7.963.220 triệu đồng, tăng 8,74%; vốn đầu tư của dân cư 10.079.880 triệu đồng, tăng 7,98%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 11.474.610 triệu đồng, tăng 15,73%.

Xét theo ngành kinh tế, vốn đầu tư phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 1.325.340 triệu đồng, tăng 3,49%; công nghiệp và xây dựng 14.536.090 triệu đồng, tăng 12,15%; thương mại, dịch vụ 18.864.945 triệu đồng, tăng 9,07% so với năm trước.

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Mười Hai năm 2019 ước đạt 298.050 triệu đồng, tăng 18,56% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 145.970 triệu đồng, tăng 35,91%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 96.630 triệu đồng, tăng 25,81%; vốn ngân sách cấp xã đạt 55.450 triệu đồng, giảm 17,46%.

Năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 2.485.996 triệu đồng, tăng 14,98% so với năm 2018, đạt 98,24% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh 1.159.745 triệu đồng, tăng 21,09%; vốn ngân sách cấp huyện 763.466 triệu đồng, tăng 25,52%; vốn ngân sách cấp xã 562.785 triệu đồng, giảm 5,87%.

Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 19/12/2019, toàn tỉnh có 462 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.583.772 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 44 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 336.223 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 162 dự án, vốn đăng ký là 2.838.678 nghìn USD, chiếm 61,93% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 137 dự án, vốn đăng ký 670.694 nghìn USD, chiếm 14,63% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 100 dự án, vốn đăng ký 515.255 nghìn USD, chiếm 14,24% tổng số vốn đăng ký.

6. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Mười Hai ước đạt 3.324.481 triệu đồng, tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 8,39% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 2.405.856 triệu đồng, tăng 7,85% so với tháng cùng kỳ năm 2018; lưu trú, ăn uống 167.184 triệu đồng, tăng 11,64%; dịch vụ du lịch lữ hành 678 triệu đồng, tăng 21,94%; dịch vụ khác 750.764 triệu đồng, tăng 9,45%. Tháng Mười Hai là tháng cuối năm dương lịch, một số nhà kinh doanh có các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng nhân dịp ngày lễ Noel và Tết dương lịch nên cũng làm cho doanh thu tháng này tăng.

Ước tính năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 38.097.572 triệu đồng, tăng 11,12% so với năm 2018. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước đạt 27.746.538 triệu đồng, chiếm 72,83% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,07% so với năm trước. Một số nhóm hàng tăng chủ yếu như: lương thực, thực phẩm tăng 6,38%; hàng may mặc tăng 10,67%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,23%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,63%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 216,30%; xăng dầu các loại tăng 46,04%; hàng hóa khác tăng 28,32%;...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2019 ước đạt 1.901.882 triệu đồng, chiếm 4,99% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 14,01% so với năm 2018. Trong đó: dịch vụ lưu trú 69.083 triệu đồng, tăng 2,74%; dịch vụ ăn uống 1.832.799 triệu đồng, tăng 14,49%.

Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành năm 2019 ước đạt 7.831 triệu đồng, chiếm 0,02% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2018.

Doanh thu dịch vụ khác năm 2019 ước đạt 8.441.321 triệu đồng, chiếm 22,16% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,65% so với năm 2018. Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm trước như: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 10,90%; giáo dục và đào tạo tăng 18,60%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12,82%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,47%;...

7. Hoạt động vận tải

a. Hoạt động vận tải hành khách

Vận tải hành khách tháng Mười Hai ước đạt 1.644 nghìn lượt người vận chuyển và 88.171 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 12,15% về lượt người vận chuyển và tăng 9,58% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 69.830 triệu đồng, tăng 11,88%. Tính cả năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 16.797 nghìn lượt người vận chuyển và 966.731 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 13,25% về lượt người vận chuyển và tăng 12,07% về lượt người luân chuyển so với năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 754.867 triệu đồng, tăng 14,49%.

b. Hoạt động vận tải hàng hóa

Vận tải hàng hoá tháng Mười Hai ước đạt 3.460 nghìn tấn vận chuyển và 128.607 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,83% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 14,46% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 287.779 triệu đồng, tăng 12,39%. Tính cả năm 2019, vận tải hàng hóa ước đạt 34.707 nghìn tấn vận chuyển và 1.253.689 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,32% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,69% về tấn hàng hóa luân chuyển so với năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.818.018 triệu đồng, tăng 12,60%.

8. Hoạt động tài chính, ngân hàng

a. Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách tháng Mười Hai ước đạt 2.953.842 triệu đồng, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 2.523.423 triệu đồng, tăng 32,05%; thuế xuất nhập khẩu 430.419 triệu đồng, giảm 20,14%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 31.130 triệu đồng, giảm 23,82%; thu từ DNNN địa phương 1.660 triệu đồng, giảm 41,55%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 327.653 triệu đồng, tăng 15,08%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 656.200 triệu đồng, tăng 2,51%; thu lệ phí trước bạ 38.038 triệu đồng, giảm 0,03%; thu thuế thu nhập cá nhân 54.058 triệu đồng, tăng 18,73%; các khoản thu về nhà đất 1.311.799 triệu đồng, tăng 68,91%.

Năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.946.361 triệu đồng, tăng 19,64% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 123,95 kế hoạch. Trong đó: Thu nội địa 12.124.316 triệu đồng, tăng 21,39%; thuế xuất nhập khẩu 3.822.045 triệu đồng, tăng 14,39%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 218.031 triệu đồng, giảm 0,84%; thu từ DNNN địa phương 32.893 triệu đồng, tăng 20,82%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2.033.892 triệu đồng, tăng 6,38%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 3.518.048 triệu đồng, tăng 18,37%; thu lệ phí trước bạ 372.911 triệu đồng, tăng 19,79%; thuế thu nhập cá nhân 844.471 triệu đồng, tăng 17,73%; các khoản thu về nhà đất 4.357.056 triệu đồng, tăng 43,22%; các khoản thu khác 250.824 triệu đồng, giảm 38,42%.

b. Chi ngân sách nhà nước

Tính đến ngày 29/12/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 10.603.255 triệu đồng, đạt 120,34% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 4.405.426 triệu đồng, đạt 175,42% kế hoạch; chi thường xuyên 6.197.829 triệu đồng, đạt 98,39% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 735.240 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 2.193.310 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 560.718 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 111.071 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 561.435 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.484.510 triệu đồng; chi khác 515.212 triệu đồng.

c. Hoạt động ngân hàng

Ước tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 82.079.205 triệu đồng, tăng 12,55% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 74.359.442 triệu đồng, tăng 16,01% và chiếm 90,59% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 61.044.055 triệu đồng, tăng 9,24% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 42.854.199 triệu đồng, tăng 8,41%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.189.856 triệu đồng, tăng 11,25%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 58.629.906 triệu đồng, tăng 9,55%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.414.149 triệu đồng, tăng 2,11%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.071.773 triệu đồng (chiếm 1,76% tổng dư nợ), giảm 10,07% so với thời điểm 31/12/2018.

9. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2019 tăng 1,09% so với tháng trước. Trong tháng có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,91%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,40%; giao thông tăng 0,60%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,38%. Có 3/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,27%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,55%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.

So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Hai năm nay tăng 5,48%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 12,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,83%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,45%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,75%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,80%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,52%; dịch vụ giao thông tăng 2,84%; bưu chính, viễn thông giảm 0,79%; dịch vụ giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,88%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,38%.

Bình quân chung cả năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,92% so với năm 2018. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,63%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,28%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,38%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,79%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,23%; dịch vụ giao thông giảm 1,15%; bưu chính, viễn thông giảm 0,60%; dịch vụ giáo dục tăng 2,41%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,45%.

b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng Mười Hai giảm 0,55% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 4.139.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,09% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.223 đồng/USD.

10. Một số hoạt động văn hóa, xã hội

a. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Trong năm 2019, tỉnh Hưng Yên xảy ra 1 vụ thiên tai do ảnh hưởng của Bão số 3 (tên viết tắt là WIPHA), từ ngày 02-04/8/2019, các khu vực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có mưa vừa đến mưa to. Một số địa phương trong tỉnh có lượng mưa đo được rất lớn như: thành phố Hưng Yên (237 mm), huyện Kim Động (268 mm). Toàn tỉnh chỉ có một số ít diện tích hoa màu, rau màu và cây trồng hàng năm trên địa bàn huyện Kim Động bị ngập, giá trị thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, mưa lớn đã gây ảnh hưởng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình bãi rác Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tổng giá trị thiệt hại đối với dự án khoảng 132 triệu đồng, trong đó trạm biến áp, một số thiệt bị điện, điện tử bị sét đánh cháy, hỏng.

Từ ngày 01/7/2019, thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng 7,19%). Cũng từ 01/7/2019, thực hiện Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ về điều chỉnh tăng 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này. Các chính sách về tiền lương được thực hiện tốt là tiền đề trong việc ổn định đời sống của cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Công tác giảm nghèo được triển khai tích cực và đem lại hiệu quả tốt. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Hưng Yên năm 2019 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,90%; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,31% (Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo 2,55%; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,76%).

Thăm và trao tặng 70.031 suất quà của Chủ tịch nước và 70.349 suất quà của Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh tới các gia đình chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019).

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công theo quy định, trong đó: xét duyệt 50 hồ sơ đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trình lên cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với 30 trường hợp; giải quyết chế độ đối với 1970 hồ sơ mai táng phí; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho trên 1.100 thân nhân/người thờ cúng liệt sĩ ; xét duyệt 180 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc con của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; tiếp nhận 45 hồ sơ thương binh do đơn vị quân đội chuyển về để thực hiện chính sách theo quy định; giới thiệu 04 trường hợp thương binh đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định vết thương còn sót; giải quyết chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 24 đối với 350 trường hợp; triển khai điều dưỡng cho 9.986 người có công.

Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn thương giảm còn 0,79% trên tổng số trẻ em (Kế hoạch là 1%); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt tỷ lệ 95% (hoàn thành kế hoạch). Đến ngày 10/11/2019, các thông tin cơ bản của trẻ em được cập nhật, theo dõi trên hệ thống phần mềm tại cơ sở, toàn tỉnh đạt 88%. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, 50% số người có nhu cầu được tiếp cận ít nhất một dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới (hoàn thành kế hoạch).

b. Lao động việc làm

Năm 2019, tỉnh đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm; tư vấn việc học nghề, việc làm cho 21.110 lượt người. Trong năm, toàn tỉnh tạo việc làm trong nước cho 21.012 lao động, đạt 107,7% kế hoạch, tăng 4,2%; xuất khẩu 3.792 lao động, đạt 108,3% kế hoạch, tăng 1,3%. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho 55.205 người, đạt 118,7% kế hoạch, tăng 3,1%. Tỉnh đã tiếp nhận thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ của 54 doanh nghiệp; tiếp nhận và xác nhận phiếu khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của 81 doanh nghiệp; phối hợp tư vấn, hướng dẫn tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 300 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

c. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch

Hoạt động văn hoá

Năm 2019, toàn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui chơi mừng năm mới, các lễ kỷ niệm ngày lễ lớn: Kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019); 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên CSHCM; Quốc tế phụ nữ 8/3; Kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 133 năm ngày Quốc tế lao động. Tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Hưng Yên Đinh ninh lời Bác” kỷ niệm 10 năm Bác Hồ về thăm Hưng Yên, 129 năm ngày sinh và 50 năm thực hiện di chúc của Người; Tuyên truyền các hoạt động nhân dịp chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2019) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019).

Hoạt động Bảo tàng: Hoạt động trưng bày, tuyên truyền, nghiên cứu, sưu tầm và kiểm kê bảo quản tiếp tục được quan tâm, phát triển. Thường xuyên mở cửa đón khách thăm quan Bảo tàng tỉnh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ nhân dân đến tham quan học tập và nghiên cứu. Tổ chức trưng bày chuyên đề “Lịch sử văn hóa Việt Nam” và “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa, du lịch Hưng Yên”; trưng bày tại lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khánh thành tu bổ, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám; tổ chức triển lãm ảnh “Hưng Yên - sắc màu cuộc sống” tại Bảo tàng tỉnh.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Nhà hát chèo đã duy trì tốt hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tổ chức luyện tập các vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Tổ chức “Liên hoan các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật” tỉnh Hưng Yên năm 2019. Trong năm 2019, đã tổ chức 80 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động di tích: Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 1.802 di tích các loại, trong đó: 02 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 01 Bảo vật Quốc gia; 165 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 238 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong năm 2019, tham dự liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, như: Tổ chức hoạt động triển lãm Thư pháp, hát Ca trù, cho chữ đầu xuân.

Hoạt động Thư viện: Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở được duy trì và phát triển phục vụ bạn đọc. Tổ chức Ngày hội sách năm 2019 với chủ đề “Sách - tri thức kiến tạo tương lai” chào mừng, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4. Tổ chức 2 cuộc nói chuyện chuyên đề với chủ đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Đọc sách-Sự chuẩn bị tốt cho tương lai”.

Hoạt động Điện ảnh: Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã duy trì tổ chức các đợt phim tuyên truyền. Đặc biệt là kỷ niệm 66 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2019); Tổ chức đợt phim tuyên truyền trên địa bàn huyện Văn Giang, Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên; với các bộ phim “Sống cùng lịch sử”, “Nhà tiên tri”; “Ngày ấy bên sông Lam” và các phim tư liệu “Phan Châu Trinh”, “Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu”. Trong năm 2019, đã tổ chức 500 buổi chiếu phim tại Rạp và lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hoạt động Thể dục thể thao

Thể thao quần chúng: Toàn tỉnh đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; các hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở diễn ra sôi nổi, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham, hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, phấn nhân, góp phần nâng cao sức khỏe để lao động, học tập, công tác. Tổ chức các giải thể thao quần chúng cấp tỉnh như: Bóng chuyền nam tỉnh, Bóng chuyền nam Hội Nông dân; Cầu lông các nhóm tuổi, Cầu lông Liên đoàn lao động, Hội thao kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam, Bóng bàn Vô địch các nhóm tuổi, giải Bóng đá 7 người, Bóng đá nhi đồng U10, giải Bóng chuyền, giải Quần vợt vô địch các nhóm tuổi, giải Cờ vua cờ tướng, giải Điền kinh vô địch các nhóm tuổi, Hội thao Nông dân, Hội Thao người cao tuổi, Hội thao Phụ Nữ, giải Bóng đá học sinh tiểu học. Tham dự các giải thể thao quần chúng toàn quốc giành được 2 HCB, 1 HCĐ ở các môn Bóng chuyền Hơi người cao tuổi, Cầu lông trung cao tuổi toàn quốc... Đến nay, trên địa bàn tỉnh, số người tập luyện thường xuyên ước đạt 34%, số gia đình thể thao ước đạt 32%, 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất, 83,5% số trường thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khóa, 98,1% Số cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể, có 2000 câu lạc bộ, điểm nhóm tập luyện TDTT.

Thể thao thành tích cao: Trong năm 2019, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện, tập huấn, tham dự thi đấu các giải thể thao quốc gia năm 2019. Rà soát, đánh giá lực lượng vận động viên, tiến hành thải loại những vận động viên không còn khả năng phát triển, tuyển mới bổ sung để đào tạo, huấn luyện. Trong năm qua, đoàn vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh đã tham gia 39 giải thể thao quốc gia, đạt 149 huy chương các loại, trong đó: 22 HCV, 42 HCB, 85 HCĐ. Có 36 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia (09 VĐV đạt Kiện tướng, 01 VĐV đạt dự bị kiện tướng, 26 VĐV đạt Cấp I). Có 1 HLV và 2 VĐV được triệu tập tham gia thi đấu môn Võ gậy tại Seagame’s 30 tổ chức tại Philippines, giành 2 huy chương (1 HCB, 1 HCĐ).

d. Giáo dục, đào tạo

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chương trình, kế hoạch của tỉnh về phát triển giáo dục, trọng tâm là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục.

Quy mô, mạng lưới trường lớp: Đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 186 trường mầm non, giảm 2 trường so với đầu năm học 2018-2019; 153 trường tiểu học, giảm 13 trường; 157 trường THCS, giảm 12 trường; 35 trường THPT (24 trường công lập và 11 trường ngoài công lập).

Từ năm học 2018-2019 đến nay, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện sáp nhập các trường phổ thông. Đến thời điểm đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh có: 11 trường phổ thông cơ sở (cấp 1, 2); 1 trường trung học (cấp 2, 3); 3 trường phổ thông (cấp 1, 2, 3). Lớp học: Khối mầm non có 3.323 nhóm, lớp; tiểu học 3.393 lớp, THCS 2.002 lớp và THPT 872 lớp. Học sinh: Đầu năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có tổng số có 302.043 học sinh, tăng cao so với cùng kỳ năm học trước. Trong đó: Mầm non có 77.315 cháu, tiểu học có 117.257 học sinh, THCS có 74.004 học sinh và THPT là 33.467 học sinh. So với cùng kỳ năm học 2018 - 2019: mầm non tăng 3.058 cháu, tiểu học tăng 4.792 học sinh, THCS tăng 4.636 học sinh và THPT tăng 321 học sinh. Đội ngũ giáo viên: Năm học 2019 - 2020, tổng số các trường có 14.723 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Trong tổng số giáo viên: Mầm non có hơn 4.854 giáo viên, tiểu học có 4.343 giáo viên, THCS có 3.592 giáo viên, THPT có 1.805 giáo viên. Tỷ lệ giáo e. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/12/2019), toàn tỉnh đã phát hiện 113 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 93 vụ, xử phạt 3.614 triệu đồng. Riêng tháng Mười Hai, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 5 vụ với số tiền 204 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm đa số là vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.

Năm 2019 (tính từ 16/12/2018 đến 15/12/2019), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy, không có vụ nổ, không có người bị chết, bị thương do cháy, thiệt hại tài sản 5.130 triệu đồng. Riêng trong tháng 12 năm 2019, tỉnh Hưng Yên xảy ra 1 vụ cháy, thiệt hại tài sản 40 triệu đồng.

f. An toàn giao thông

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/11/2019 đến 14/12/2019, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông (đều là tai nạn đường bộ), làm chết 5 người, làm bị thương 8 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 8,33%; số người chết giảm 5 người, giảm 50,0%; số người bị thương tăng 1 người, tăng 14,29%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/12/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 112 người, làm bị thương 109 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 6 vụ, giảm 3,80%; số người chết bằng với cùng kỳ năm 2018; số người bị thương giảm 3 người, giảm 2,68%./.



Cục Thống kê Hưng Yên

    Tổng số lượt xem: 1310
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)