Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/09/2020-09:56:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2020 của tỉnh Phú Yên

1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Nông nghiệp

Lúa vụ hè thu xuống giống gieo sạ 24.645 ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trà sớm đã thu hoạch được 1.350 ha[1]. Cùng với việc chăm sóc lúa vụ hè thu, sau một thời gian nắng hạn kéo dài, đến nay đã bắt đầu có mưa nên người dân đang tập trung xuống giống một số loại cây trồng hàng năm, tính đến 15/8 dự tính diện tích gieo trồng như sau:

- Lúa rẫy đã chuẩn bị xong khâu làm đất và gieo sạ được 760 ha (Sông Hinh 170 ha, Sơn Hòa 220 ha, Tuy An 200 ha, Sông Cầu 120 ha, Đồng Xuân 50 ha).

- Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Ngô 4.310 ha, tăng 1,2%; mía 21.081 ha, giảm 17,3%; rau các loại 5.356 ha, tăng 0,3%; đậu các loại 2.758 ha, tăng 0,1%; lạc 798 ha, tăng 3,8%. Do thời tiết khô hạn kéo dài, nguồn nước bơm tưới bổ sung gặp khó khăn, nên nhìn chung các cây trồng cạn sinh trưởng kém hơn năm trước.

Tình hình sâu bệnh hại cây trồng như: Cây lúa bệnh khô vằn 202 ha, bệnh lem lép hạt 22 ha, chuột gây hại 5 ha, bệnh đốm nâu 1,2 ha, bọ xít đen 0,5 ha, bệnh thối thân 0,3 ha, rầy nâu 6,7 ha và một số bệnh gây hại rải rác như: Bệnh bạc lá, đen lép hạt, bệnh đốm nâu, sâu đục thân...; cây ngô sâu keo mùa thu hại 4,9 ha.

Về công tác thú y: Dại chó lũy kế tiêm được 16.527 con. Vaccine cúm gia cầm (người dân tự mua) lũy kế tiêm được 141.850 con. Vaccine cúm gia cầm (ngân sách hỗ trợ) lũy kết tiêm được 374.850 con.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng, các BQL rừng phòng hộ và hộ dân khai thác được 443 ha diện tích rừng trồng tập trung với sản lượng gỗ dự tính khai thác được 29,6 ngàn m3 bằng 40,8%; củi khai thác 12,7 ngàn ster bằng 51,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác giảm so cùng kỳ năm trước là do năm trước thời tiết khô hanh kéo dài tình trạng cháy rừng liên tiếp xảy ra nên một số hộ trồng rừng đã khai thác sớm diện tích rừng trồng sắp đến thời gian cho sản phẩm và diện tích rừng đã cho sản phẩm.

Tính chung 8 tháng, Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 134,8 ngàn m3 giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ rừng trồng gồm các đơn vị khai thác như: BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân, BQL rừng phòng hộ Sông Cầu, BQL rừng phòng hộ Tây Hòa, các hộ gia đình tập trung vào khai thác khoảng 2.094 ha diện tích rừng trồng tập trung và khai thác gỗ từ vườn rừng cây trồng phân tán. Sản lượng củi chủ yếu tận dụng các cây cành không đủ tiêu chuẩn gỗ 52,8 ngàn ster, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý kịp thời 163 vụ vi phạm giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 01 vụ phá rừng trái pháp luật làm diện tích rừng bị giảm 7,35 ha. Xử lý 181 vụ vi phạm, phạt tiền 1.332 triệu đồng; khối lượng gỗ tịch thu 264,9 m3

1.3. Thuỷ sản

- Trong tháng dự tính thả nuôi 230 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 180 ha, tăng 0,6%; cá các loại 50 ha bằng 100%. Tính chung 8 tháng diện tích nuôi trồng thủy sản dự tính 2.577 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá 264 ha, bằng 100%; diện tích nuôi tôm 2.063 ha, tăng 0,5% (tôm sú 228 ha, tăng 0,4%; thẻ chân trắng 1.835 ha tăng 0,5%); thủy sản khác 250 ha, tăng 1,6%.

- Tình hình dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản: Có 109,35 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, tôm nuôi khoảng 20 đến 42 ngày tuổi (thị xã Sông Cầu 1 ha, huyện Tuy An 33,35 ha, thị xã Đông Hòa 75 ha); đã xử lý hồ nuôi, tiếp tục theo dõi không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng. 0,2 ha ốc hương nuôi ao tại xã Xuân Cảnh xảy ra bệnh sưng vòi.

- Hiện nay, bão và áp thấp trên biển đông kết hợp với gió mùa tây nam thổi mạnh gây biển động làm hạn chế số chuyến ra khơi của một số ghe nghề khai thác thủy sản, sản lượng khai thác giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp tàu thuyền cùng với các chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi bám biển. Nhờ đó mà số chuyến ra khơi của các hộ khai thác thủy sản tiếp tục duy trì. Sản lượng thủy sản tháng 8/2020 dự tính 7.122 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước (Cá 5.053 tấn, giảm 2%; tôm các loại 1.755 tấn, tăng 2,5%; thủy sản khác 314 tấn, tăng 6,1%). Chia ra: Sản lượng thuỷ sản khai thác 5.117 tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước (Cá các loại 4.903 tấn, giảm 0,7%; tôm 70 tấn, giảm 4,1%; thủy sản khác 144 tấn, bằng 66,7%); sản lượng thủy sản nuôi trồng 2.005 tấn, tăng 3,3% (Cá 150 tấn, bằng 67,9%; tôm 1.685 tấn, tăng 2,7%; thủy sản khác 170 tấn, gấp 2,1 lần).

- Tính chung 8 tháng, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản là 60.725 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 48.691 tấn, tăng 1,1%; tôm 8.477 tấn, tăng 11,3%; thủy sản các loại 3.557 tấn, tăng 1,8%; trong tổng sản lượng cá các loại khai thác biển, cá ngừ đại dương 2.687 tấn chiếm 5,6% và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

1.4. Về thuỷ lợi và công tác phòng chống hạn

Hiện nay Công ty TNHH 1TV TN Đồng Cam và các đơn vị quản lý thủy nông địa phương đang điều tiết nước tưới để phục vụ sản xuất vụ lúa hè thu 2020. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên mực nước tại các hồ chứa trong tỉnh đều ở mức thấp so với mực nước thiết kế.

Tình hình thiếu nước tưới sản xuất và sinh hoạt: Hiện còn khoảng 801 ha lúa đang bị thiếu nước tưới và 55 ha lúa có nguy cơ thiếu nước (Sông Hinh 40 ha, Tây Hòa 15 ha); có 429 hộ[2] dân cư đang thiếu nước sinh hoạt, do nguồn nước giếng bị khô kiệt. Chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước sinh hoạt cho người dân (trong đó: Đã tổ chức khoan mới 56 giếng, đào mới 21 giếng, đào sâu thêm 100 giếng; huyện Đồng Xuân đã chi hỗ trợ kinh phí chống hạn 120 triệu đồng; huyện Sơn Hòa sử dụng nguồn kinh phí chống hạn năm 2019 chuyển sang 2,3 tỷ đồng).

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp dự tính tháng 8/2020 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3%[3]; sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 9,6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 7,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự tính 1.611,4 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước, chia theo các ngành: Công nghiệp khai khoáng 24,1 tỷ đồng, giảm 3,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.322,3 tỷ đồng, tăng 8,2%; sản xuất và phân phối điện, hơi nước 248,7 tỷ đồng, tăng 10,4%; cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải 16,4 tỷ đồng, tăng 4,6%. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chip điện tử tăng 39,5%; điện sản xuất tăng 12,9%; thuốc viên các loại tăng 12,7%; dăm gỗ các loại tăng 11,5%; phân bón các loại tăng 9,8%; nhân hạt điều các loại tăng 6,1%[4]; hải sản các loại tăng 5,4%; nước uống được tăng 6,6%; điện thương phẩm tăng 5,5%; trang in các loại tăng 1,1%; nước đá các loại tăng 2,2%; xi măng các loại tăng 0,6%. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm giảm do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và các sản phẩm có thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất giảm như: Bia các loại giảm 8%; két nhựa các loại giảm 5%; quần áo các loại giảm 8,9%.

Lũy kế 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 9,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,1%; sản xuất, phân phối điện và hơi nước tăng 26,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự tính 12.928,2 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Trong tháng 8/2020 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý dự tính 450,9 tỷ đồng[5], tăng 3,6% so tháng trước và tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng là 3.309,6 tỷ đồng, đạt 47,1% so kế hoạch năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 323,4 tỷ đồng, tăng 30,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 126,6 tỷ đồng, tăng 1,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 960 triệu đồng, giảm 40,1% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện ở một số ngành có giá trị khối lượng lớn như: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 156,2 tỷ đồng, tăng 23,9%; xây dựng 30,1 tỷ đồng, giảm 24,2%; vận tải và kho bãi 156,6 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; giáo dục đào tạo 23,9 tỷ đồng, giảm 34,4% so cùng kỳ năm trước.

4. Tài chính, ngân hàng

4.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu NSNN trên địa bàn tính đến ngày 17/8/2020 đạt 2.629 tỷ đồng, đạt 49,4% DTTW; đạt 29,2% dự toán tỉnh giao.

Tổng chi NSĐP 7.235 tỷ đồng, đạt 69,3% DTTW; đạt 51,1% dự toán tỉnh giao; trong đó chi đầu tư phát triển là 3.855 tỷ đồng, chi thường xuyên là 3.379 tỷ đồng.

4.2. Hoạt động ngân hàng

Nhìn chung, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất.

- Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng; 3,5-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng; 4,2-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 5,5-7,3%/năm. Lãi suất huy động USD là 0%/năm.

- Lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,8- 5,0%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 7,0-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức 7,0-11%/năm đối với ngắn hạn; 8,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,3-6,5%/năm, trong đó lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 3,3-4,3%/năm, trong đó lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 3,3-4,3%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,5%/năm.

- Về doanh số giao dịch ngoại hối của các NHTM trên địa bàn: Giá trị giao dịch ngoại tệ quy VND trong tháng 7 năm 2020 đạt 421,17 tỷ đồng, trong đó doanh số mua vào là 236,02 tỷ đồng, doanh số bán ra là 185,15 tỷ đồng. Doanh số kiều hối chuyển về thông qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tháng 7 năm 2020 đạt 2,59 triệu USD tương đương 59,7 tỷ đồng góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế trên địa bàn.

- Đến cuối tháng 7/2020, tổng huy động vốn trên toàn địa bàn đạt 27.086 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 8,2%. Dự tính đến cuối tháng 8/2020, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh đạt 27.236 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 8,8%, so với cuối tháng trước tăng 0,6%.

- Đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 32.891 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 4,6%, Dự tính đến cuối tháng 8/2020 tổng dư nợ cho vay đạt 32.523 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 3,4%, so với cuối tháng trước giảm 1,1%.

Cơ cấu dư nợ theo khối ngân hàng: Dư nợ của khối NHTMNN ước đạt 22.814 tỷ đồng, chiếm 70,15%; khối NHTMCP đạt 6.646 tỷ đồng, chiếm 20,43%; Ngân hàng chính sách xã hội ước đạt 3.011ỷ đồng, chiếm 9,26% và Quỹ TDND đạt 53 tỷ đồng, chiếm 0,16%.

- Ước đến cuối tháng 8/2020, nợ xấu là 637,87 tỷ đồng, chiếm 1,96% trên tổng dư nợ. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn trong giới hạn cho phép (dưới 2%), tuy nhiên nhiều ngân hàng nợ xấu có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao so với dư nợ. Nợ xấu phát sinh chủ yếu tập trung các khoản nợ như cho vay cá nhân trả góp, các vụ việc đã khởi kiện ra tòa, qua thi hành án nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, cho vay theo Nghị định số 67/2014/ND-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản (chiếm 19,1% nợ xấu toàn địa bàn).

Ngành ngân hàng tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến ngày 30/6/2020, các TCTD trên địa bàn đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 90 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 591,7 tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 25 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 495,3 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 3.231 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 5.337,1 tỷ đồng.

5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 7/2020 tuy tỉnh Phú Yên đến thời điểm hiện nay chưa có ca nhiễm bệnh nhưng phát triển kinh tế cũng bị ảnh hưởng; hoạt động dịch vụ thêm một lần nữa bị tác động mạnh khi đang kích cầu du lịch nội địa để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Dự tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2020 đạt 2.729 tỷ đồng, đạt 100% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa 2.387,1 tỷ đồng, tăng 8,8%, doanh thu lưu trú 5,4 tỷ đồng, giảm 73,1%, doanh thu ăn uống 256,8 tỷ đồng, giảm 31,1% và doanh thu dịch vụ khác 79,7 tỷ đồng, giảm 43,9%.

- Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, một số nhóm ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung so với cùng kỳ năm trước như: Lương thực, thực phẩm 1.291 tỷ đồng, tăng 14,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 254,1 tỷ đồng, tăng 10,4%; gỗ và vật liệu xây dựng 180,6 tỷ đồng, tăng 13,8%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) 11,4 tỷ đồng, tăng 13,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 77,3 tỷ đồng, tăng 38,4% (do ảnh hưởng giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng cao); dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 40,2 tỷ, tăng 9,6%. Một số nhóm ngành có mức giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 6,4 tỷ đồng, giảm 9,4%; xăng, dầu các loại 170,6 tỷ đồng, giảm 16,4% (do giá dầu thế giới giảm và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động đi lại hạn chế kéo theo nhu cầu xăng dầu giảm, làm cho doanh thu đạt mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước).

- Doanh thu lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành dự tính tháng 8/2020 là 262,2 tỷ đồng, giảm 40,7% so với tháng trước và giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, dịch vụ lưu trú 5,4 tỷ đồng, giảm 73,1%, lượt khách phục vụ ước đạt 21,6 ngàn lượt khách, giảm 75,7%; dịch vụ ăn uống 256,8 tỷ đồng, giảm 31,1%.

- Dịch vụ khác dự tính 79,7 tỷ đồng, giảm 24,5% so với tháng trước và giảm 43,9% so với cùng kỳ năm trước. Do hiện nay tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường...) và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng dự tính 22.404,8 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Kinh doanh thương nghiệp 18.964,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,6% và tăng 6,8%; lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 2.543,1 tỷ đồng, chiếm 11,4% và giảm 16,2%; dịch vụ 897,5 tỷ đồng, chiếm 4,0% và giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vụ kiểm tra, quản lý thị trường từ đầu năm đến ngày 10/8/2020 là 471 vụ, số vụ vi phạm là 414 vụ, số vụ xử lý 473vụ với 529 hành vi vi phạm. Tổng số tiền thu nộp NSNN là 2.416 triệu đồng, trong đó: Phạt hành chính là 1.950 triệu đồng, bán hàng hóa là 466 triệu đồng.

5.2. Chỉ số giá

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 so tháng trước tăng 0,01% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng vào mùa hè tăng, các sản phẩm nông lâm, thủy sản không phải là mùa vụ, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng, giá nhóm xăng, dầu tăng như: Mặt hàng gạo tăng 5,27% do giá lúa tăng; khoai lang tăng 6,51%; ngô tăng 3,22% do đang cuối mùa vụ nên nguồn cung khan hiếm; rượu mạnh tăng 1,98%; bia lon tăng 1,95%; mặc dù giá xăng, dầu diezen điều chỉnh giảm vào ngày 12/08/2020 nhưng bình quân chung chỉ số giá nhóm xăng, dầu tăng 0,39%)... Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, tính cạnh tranh của hàng hóa giảm, yếu tố mùa vụ và thời tiết thuận lợi: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,09%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; giáo dục giảm 0,14%; Nhóm có giá không đổi so với tháng trước là: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD; thuốc và dụng cụ y tế.

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 so cùng kỳ năm trước tăng 5,1%, tăng chủ yếu ở nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 14,41% (lương thực tăng 8,74%, thực phẩm tăng 15,27%, ăn uống ngoài gia đình tăng 15,8%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,04%; giáo dục tăng 5,09%... Riêng 2 nhóm có chỉ số giá giảm là: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,1% do nhà nước hỗ trợ tiền điện, nước cho người dân; nhóm giao thông giảm 13,73% do giá xăng dầu năm nay giảm sâu.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 so tháng 12 năm trước tăng 0,55%: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,85% (lương thực tăng 7,15%, thực phẩm tăng 1,24%, ăn uống ngoài gia đình tăng 15,93%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,62%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,49%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,44%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42%; giáo dục tăng 0,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,88%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43%. Có 2 nhóm là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,48% và nhóm giao thông giảm 13,25%.

- Giá vàng 99,99 bình quân trong tháng 8/2020 là 5.367.000 đồng/chỉ; so tháng trước tăng 7,73%; so cùng tháng năm trước tăng 33,98%; so kỳ gốc 2019 tăng 37,86%; so kỳ tháng 12 năm trước tăng 28,22%. Giá Đô la Mỹ bình quân trong tháng là 2.327.300 VND/100USD; so tháng trước giảm 0,17%; so cùng tháng năm trước giảm 0,01%; so kỳ gốc 2019 giảm 0,04%; so kỳ tháng 12 năm trước tăng 0,02%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 so bình quân cùng kỳ năm trước tăng 5,85%, tăng chủ yếu như: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,77% (trong đó, lương thực tăng 3,45%, thực phẩm tăng 17,07%, ăn uống ngoài gia đình tăng 10,57%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,34%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,2%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,6%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,87%; bưu chính viễn thông tăng 0,04%; giáo dục tăng 5,22%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,13%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,07%; riêng nhóm giao thông giảm 10,4%.

5.3. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải nói chung bị hạn chế bởi dịch bệnh; nhất là vận tải hành khách tuyến đường dài đi các tỉnh miền Nam, ra Bắc và lên Tây Nguyên. Các đơn vị kinh doanh vận tải khách, bến xe khách trên địa bàn tỉnh, tổ chức tốt các dịch vụ vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu của Nhân dân; thực hiện việc kê khai, niêm yết giá vé và bán đúng giá vé theo quy định; đồng thời chỉ đạo các đơn vị vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho người điều khiển, nhân viên phục vụ, hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa đường bộ không ảnh hưởng nhiều, có giảm so tháng trước nhưng vẫn duy trì tăng trưởng so cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 8/2020 dự tính 298,8 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách 41,7 tỷ đồng, giảm 9,5%; doanh thu vận tải hàng hóa 251,7 tỷ đồng, tăng 6,4%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 5,2 tỷ đồng, giảm 9,7%; doanh thu vận tải đường bộ 293,5 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hành khách chủ yếu là đường bộ tháng 8 dự tính 1.142 ngàn lượt khách, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 72.238,9 ngàn lượt khách.km, giảm 11,6%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu là đường bộ tháng 8 dự tính 812,4 ngàn tấn, tăng 6,4% và luân chuyển đạt 78.108,9 ngàn tấn.km, tăng 4,1%.

- Lũy kế 8 tháng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải dự tính 2.241,1 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 372,3 tỷ đồng, giảm 19,8%; vận tải hàng hóa là 1.829,6 tỷ đồng giảm 3,1%. Trong tổng doanh thu hoạt động vận tải, vận tải đường bộ là 2.201,9 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 98,2%, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng vận tải hành khách 8.804 nghìn lượt khách, giảm 21,9% và luân chuyển 539.533,9 nghìn lượt khách.km, giảm 20,9%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển 6.897,4 nghìn tấn, giảm 12,4%, luân chuyển 517.978,8 nghìn tấn.km, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng không, lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa trong tháng đạt 43.371 lượt khách, lũy kế 8 tháng đạt 241.804 lượt khách[6], giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay do dịch bệnh Covid-19 lượng hành khách đi lại giảm nên các hãng thực hiện việc cắt giảm vì lý do thương mại.

Vận tải đường sắt, lượng hành khách lên tàu tại các Ga trên địa bàn tỉnh trong tháng đạt 9.743 lượt khách, lũy kế 8 tháng đạt 70.627 lượt khách, giảm 51,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải đường biển, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô trong tháng đạt 18 ngàn tấn, lũy kế 8 tháng đạt 130 ngàn tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.

6. Các vấn đề xã hội

6.1. Hoạt động văn hóa – Thể thao

Ngành văn hóa tổ chức thực hiện tốt các hoạt động trưng bày 90 bản sách nhân Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8); phục vụ 3.908 lượt bạn đọc với 9.660 lượt tài liệu và 1.410 lượt truy cập trang web, cấp 104 thẻ bạn đọc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động thể dục, thể thao tạm hoãn việc phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, các giải thi đấu thể thao khu vực và của tỉnh.

6.2. Y tế

Tháng 8/2020, bệnh sốt xuất huyết phát hiện 33 ổ dịch, 804 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước tăng 29 ổ dịch, số ca mắc gấp 2,7 lần; lũy kế đến 8/2020 toàn tỉnh có 180 ổ dịch, 3.840 ca mắc, 01 tử vong, so với cùng kỳ năm trước tăng 43 ổ dịch, số ca mắc tăng 10,9%, tử vong tăng 01 ca. Bệnh tay chân miệng 186 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước số mắc tăng 185 ca; lũy kế toàn tỉnh có 227 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước số mắc gấp 3,6 lần. Sốt rét có 6 trường hợp mắc, sốt rét ác tính 0, tử vong 0, so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 92%, SRAT, tử vong 0; lũy kế toàn tỉnh có 116 ca mắc, không SRAT, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 74%, SRAT giảm 2 ca, tử vong 0.

Đã phát hiện mới 01 trường hợp nhiễm HIV(+) (TP. Tuy Hòa). Luỹ tích toàn tỉnh có 783 ca nhiễm HIV (trong đó 295 bệnh nhân AIDS, 195 bệnh nhân tử vong). Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 71 bệnh nhân.

Chương trình tiêm chủng mở rộng, đến cuối tháng 8/2020 đạt 62,5% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt tỷ lệ 60,4%.

Trung tâm Da liễu đã khám cho 3.428 lượt và điều trị cho 3.425 lượt bệnh ngoài da. Trạm chuyên khoa Lao khám 428 lượt bệnh nhân, phát hiện mới 59 trường hợp mắc, trong đó có 34 trường hợp xét nghiệm có trực khuẩn lao (+). Trạm chuyên khoa Tâm thần đã khám 971 lượt (trong đó tham gia khám giám định y khoa 34 lượt, khám giám định pháp y là 8 lượt). Trung tâm Giám định y khoa đã khám cho 1.820 lượt người, trong đó khám giám định 85 lượt, khám dự tuyển, tuyển dụng, theo yêu cầu 709 lượt, khám định kỳ 1.026 lượt. Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc-Mỹ phẩm-Thực phẩm đã kiểm nghiệm được 84 mẫu, trong đó có 01 mẫu không đạt chất lượng.

Đã thẩm định và cấp 26 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức kiểm tra 02 cơ sở sản xuất đá thực phẩm và nước uống đóng chai, kết quả đều đạt yêu cầu về thủ tục hành chính. Tiến hành lấy 1 mẫu nước đá, 2 mẫu nước uống đóng chai gửi kiểm nghiệm (hiện đang chờ kết quả).

6.3. Giáo dục

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động chuyên môn được tổ chức thực hiện đảm bảo kế hoạch.

Công tác thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021: Từ ngày 20-21/7/2020, Sở GD&ĐT đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Có 5.694 thí sinh thi tại 12 điểm thi của các trường trong toàn tỉnh. Sở đã công bố điểm điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 đối với Trường chuyên Lương Văn Chánh và công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2020-2021 đối với các trường tổ chức thi tuyển nguyện vọng 1. Ngoài ra, toàn tỉnh có 21 trường THCS và THPT, THPT tổ chức xét tuyển. Trên cơ sở kết quả xét tuyển và chỉ tiêu được giao, các trường lập danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1, trình Sở phê duyệt.

Công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020: từ ngày 08-10/8 tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi; đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Sở tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chấm thi theo đúng kế hoạch, đảm bảo được tính khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh.

6.4. Trật tự an toàn xã hội

- Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông trong tháng 8/2020 (từ ngày 15/7/2020-14/8/2020) giảm số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Chỉ xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ, giảm 5 vụ; làm chết 8 người, giảm 4 người; bị thương 5 người, giảm 5 người; thiệt hại tài sản 86,9 triệu đồng.

Lũy kế từ 15/12/2019-14/8/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 114 vụ tai nạn giao thông, tăng 3 vụ; làm chết 70 người, tăng 14 người; bị thương 82 người, giảm 11 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 1.181,8 triệu đồng. Trong đó: Tai nạn giao thông đường bộ 112 vụ, tăng 04 vụ; làm chết 68 người, tăng 13 người; bị thương 82 người, giảm 10 người; thiệt hại tài sản 1.179,8 triệu đồng. Tai nạn giao thông đường sắt 02 vụ, làm chết 2 người, giảm 01 vụ, tăng 01 người chết và giảm 01 người bị thương; thiệt hại tài sản 02 triệu đồng.

- Tình hình cháy, nổ - vi phạm môi trường

Từ ngày 15/7/2020-14/8/2020 toàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 400 triệu đồng. Lũy kế đến 15/8/2020, xảy ra 15 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 1.040 triệu đồng.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện 8 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 5 vụ, phạt tiền 10 triệu đồng. Lũy kế đến 15/8/2020, toàn tỉnh phát hiện 114 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 64 vụ, phạt tiền 132,5 triệu đồng.

6.5. Các chính sách an sinh xã hội

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 19/8/2020, các nhóm đối tượng người lao động đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt hỗ trợ là 22.868 đối tượng, với tổng kinh phí hỗ trợ 22.868 triệu đồng, cụ thể: Lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 22 lao động, số tiền 22 triệu đồng; Lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm 22.022 lao động, số tiền 22.022 triệu đồng; Hộ kinh doanh có kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm 824 hộ, số tiền 824 triệu đồng. Đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt trợ cấp cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công, thẩm định và giải quyết chế độ 139 hồ sơ các loại, trong đó chủ yếu là hồ sơ mai táng phí (80 hồ sơ), hồ sơ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (53 hồ sơ)…

Thẩm định và thông báo hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ xây dựng 09 nhà và sửa chữa 03 nhà ở của người có công bị hư hỏng, xuống cấp tại các địa phương.

- Hướng dẫn các địa phương sớm thực hiện việc giải ngân nguồn vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đôn đốc các ngành liên quan thực hiện việc giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2020. Tổng hợp danh sách 211 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi đề nghị Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ. Hoàn tất 12 hồ sơ phẫu thuật tim bẩm sinh đã có chỉ định phẫu thuật trong đợt khám sàng lọc để gửi các nhà tài trợ, tổng số tiền 1,74 tỷ đồng. Trao tặng 10.000 tập vở do tổ chức Children action tài trợ cho 500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tuy An.

7. Công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19)

Tiếp tục giám sát tình hình dịch theo đúng qui định của Bộ Y tế, phun hóa chất khử khuẩn và phun nhắc lại tại các địa điểm thường tập trung đông người.

Đến 17 giờ ngày 23/8/2020, đã thực hiện giám sát y tế 22.645 trường hợp. Hiện tại, còn 1.846 người đang trong thời gian giám sát, cụ thể: Cách ly tại cơ sở y tế 08 người; cách ly tại cơ sở cách ly tập trung 111 người; cách ly tại nhà/nơi lưu trú 60 người; đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày 1.667 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm 867 trường hợp, kết quả 853 âm tính, đang chờ kết quả 14. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp bệnh xác định, 08 trường hợp bệnh nghi ngờ./.


Website Cục thống kê tỉnh Phú Yên

  • Tổng số lượt xem: 755
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)