(MPI) - Trình bày báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến 2020, hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả
Cụ thể, đến năm 2020, dự kiến có thể hoàn thành 15/22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020.
Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, hai mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đã được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020. Mục tiêu về nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công mới đạt mức tiệm cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) và sẽ tiếp tục tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Hai mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm người đứng đầu đến các nguyên nhân khách quan như nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ… trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược… Mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn qua nhưng khó có khả năng hoàn thành.
Về ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có những bước cải thiện thực chất. Các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Kỷ luật, kỷ cương được nâng cao, dần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Nguồn vốn đầu tư công tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn có tính kết nối, lan tỏa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.
Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội xuống mức phù hợp , tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước,hiệu quả đầu tư được cải thiện.
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh so với giai đoạn trước và được thực hiện một cách công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước Tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo đảm và phát triển doanh nghiệp nhà nước có lãi tăng, một số doanh nghiệp nhà nước yếu kém đã trở lại hoạt động.
Các mục tiêu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã cơ bản hoàn thành. Các ngân hàng cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước, tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng cơ bản được kiểm soát. Hệ thống các tổ chức tín dụng đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị; xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã được đẩy nhanh thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn; lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã đạt được những thay đổi tích cực về quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách. Cơ cấu thu bền vững hơn, tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư. Bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP giảm dần qua các năm, bảo đảm an toàn nợ công và an toàn tài chính quốc gia. Khu vực công đã được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn,thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức, bộ máy được sắp xếp lại gọn hơn, phù hợp hơn. Dịch vụ công đã được cải thiện đáng kể, phát huy tốt hơn tính chủ động sáng tạo, phát triển bền vững và đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, rà soát, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được chú trọng xây dựng. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký. Xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi động. Đã xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các công ty đa quốc gia lớn, lan tỏa hiệu quả tới khu vực kinh tế trong nước và bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016-2020, chủ trương này đã dần được hiện thực hóa. Một số tập đoàn lớn, mạnh về công nghệ đã lựa chọn đầu tư ở Việt Nam. Cơ cấu thu hút FDI được điều chỉnh hợp lý hơn với tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI hiện nay.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch và cơ cấu lại các vùng kinh tế, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện đã làm thay đổi tư duy trong quá trình tiếp cận và triển khai lập quy hoạch, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thúc đẩy liên kết, ngành, địa phương, phát huy vai trò của các vùng kinh tế động lực. Triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và xây dựng đô thị thông minh, giúp quản lý đô thị hiệu quả hơn qua đó nâng cao vai trò của các đô thị lớn, các đầu tàu kinh tế của cả nước trong cơ cấu lại nền kinh tế.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng tỷ trọngcác ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bước đầu có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng công nghệ. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn đã có tốc độ phát triển đột phá.
Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng hơn. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp gia tăng, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị.
Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ nhìn chung cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung. Chất lượng dịch vụ được nâng cao, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm. Một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Một số ngành có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao đã được tập trung phát triển. Ứng dụng rộng rãi các hình thức dịch vụ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng các loại hình dịch vụ và tập trung đầu tư cơ sở vật chất.
Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường đã đạt được một số kết quả, quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.
Thể chế phát triển thị trường quyền sử dụng đất đã từng bước được cải thiện, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động bền vững hơn. Thể chế và cơ cấu thị trường lao động đã có một số tiến bộ.
Sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động trong xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 24 đã được triển khai quyết liệt, mang lại những kết quả thực chất hơn, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, truyền cảm hứng, tạo lòng tin cho thị trường. Cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực. Tập trung nhiều chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hành động quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cân đối kinh tế vĩ mô và kết cấu nền kinh tế được củng cố vững chắc hơn, qua đó tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, giúp cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế, đồng thời, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, năng suất lao động xã hội, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.
Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chưa thực sự rõ nét
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế như mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chưa thực sự rõ nét. Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, nhất là năng suất lao động nội ngành, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng trưởng năng suất lao động còn thấp. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu chuyển biến chậm.
Khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm. Chuyển biến cơ cấu nội ngành chưa rõ nét và bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu. Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện đáng kể. Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, những tồn tại, hạn chế kể trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đặc biệt lưu ý các nguyên nhân về tổ chức thực hiện và thể chế, cụ thể là định hướng ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở các bộ, ngành và địa phương. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, dẫn đến một số nhiệm vụ có tính chất liên ngành, đa lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn khi cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan.
Bên cạnh đó, những tồn tại, bất cập trong nhiều quy định hiện hành đang kìm hãm việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt thể chế thị trường các yếu tố sản xuất chậm phát triển, chưa là cơ chế chính trong phân bổ nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất. Cải cách thể chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.
Xây dựng định hướng tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới phù hợp với quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030
Về định hướng tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Kế hoạch cần được xây dựng đảm bảo các nguyên tắc và quan điểm phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích lũy năng lực công nghệ; đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số. Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn.
Đồng thời, khắc phục cơ cấu nền kinh tế chia cắt, cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế cơ bản đã bám sát yêu cầu của Nghị quyết 24 và quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Nghị quyết 24 của Quốc hội đã tạo chuyển biến rõ nét trong hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế, nhiều quy định, chính sách đột phá đã được ban hành.
Tuy nhiên, một số quy định vẫn chậm được bổ sung, sửa đổi như quy định về tiêu chí sắp xếp, lựa chọn và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ chế, tổ chức bộ máy điều phối phát triển vùng; quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Công tác phối hợp, tính chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn hạn chế.
Ủy ban Kinh tế thấy rằng, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh phải đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và tạo tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng sau năm 2020, tình hình khu vực, thế giới và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số ngành, lĩnh vực cơ cấu lại theo các nhiệm vụ trọng tâm có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả tổng thể chưa thật đồng bộ, có mặt còn chậm, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét về hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư