Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/10/2020-15:18:00 PM
Kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng năm 2020 nhìn chung vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc
(MPI) - Ngày 30/10/2020 đã diễn ra Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.

Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trở lại sau dịch Covid-19

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2020, khắc phục hậu quả của bão lũ ở miền Trung; kết quả thực hiện Nghị quyết số 01, 02; tình hình thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng xem xét, thảo luận về đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Thống kê, chính sách thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng khi tài trợ máy trợ thở trong phòng, chống dịch Covid-19; báo cáo thực hiện Nghị quyết số 17 về Chính phủ điện tử, báo cáo kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 và cho biết, cùng với đại dịch Covid-19, mưa lũ lịch sử trong tháng 10/2020 đã có những ảnh hưởng và thiệt hại đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối các địa phương miền Trung. Mặc dù vậy, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng nhìn chung vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Theo Báo cáo, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trở lại sau dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9/2020 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn các tháng gần đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tăng 0,09% so với tháng 9/2020, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng phục hồi đà tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 10,1%. Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2020: điểm sáng của nền kinh tế

Theo Báo cáo, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, số vốn giải ngân 10 tháng đạt trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%). Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công từ NSNN 10 tháng năm 2020 tăng cả về số vốn và tỷ lệ so cùng kỳ năm 2019, tuy tỷ lệ giải ngân cao hơn 13,61% nhưng số vốn giải ngân bằng 150,3% so cùng kỳ năm 2019 (cao hơn 107,6 nghìn tỷ đồng). Đây là số liệu rất tích cực, là thành quả của sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 cũng có một số điểm cần lưu ý như nền kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy sự ảnh hưởng trực diện và lâu dài của dịch Covid-19. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài 10 tháng vẫn ở mức thấp, giảm 19,4% so cùng kỳ…

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức như năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta rất hạn chế, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước thì hàng hóa sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng hóa từ EU, không tận dụng được lợi thế có được từ Hiệp định EVFTA để xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước.

Dự báo trong thời gian tới, nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh trong nước và quốc tế, như tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất định và rủi ro khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến có thể kéo dài trong một vài năm tới; ảnh hưởng đến niềm tin và sự phục hồi của kinh tế thế giới và hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch quốc tế phục hồi rất chậm, do vậy cần quan tâm thúc đẩy thị trường trong nước, nhất là các tháng cuối năm 2020, đồng thời tính toán đến khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, trong tháng lại chịu thêm ảnh hưởng nặng nề của bão lũ ở khu vực miền Trung nhưng kinh tế Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Trước tình hình bão lụt nghiêm trọng tại các địa phương, nhất là miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ, cung cấp lương thực, phương tiện... kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho người dân; xử lý môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm và khả năng dịch bệnh sau lũ. Người dân cả nước kịp thời chung tay cùng các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng lũ giảm bớt khó khăn.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân

Để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, phòng chống hiệu quả tác động dịch bệnh Covid-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong những tháng cuối năm 2020 cần tiếp tục quan tâm thực hiện ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh. Nhiệm vụ cấp bách hiện tại là phải tập trung nguồn lực, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân.

Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo nêu rõ, cần duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để giữ vững đà tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, tập trung vào các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… để đồng thời hỗ trợ các ngành còn đang gặp khó khăn, tạo động lực tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm giao thương hàng hóa.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, bảo đảm người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách tại Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, vốn của các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện triển khai thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư xã hội, nguồn lực tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên quốc gia và động lực tăng trưởng mới trong tương lai, do đó cần phải thực hiện nhanh, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Theo đó cần hoàn thiện sớm nhất khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số; đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số gắn với trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số đối với một số lĩnh vực đã có bước phát triển tốt trong thời gian qua như hoạt động giáo dục, đào tạo trực tuyến, hoạt động khám, chữa bệnh trực tuyến từ xa, thương mại điện tử…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1480
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)