(MPI) – Phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới diễn ra ngày 29/10/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong gần hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhằm bàn các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh giúp hàng Việt Nam giữ vững được vị thế tại thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh hơn nữa trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sức cạnh tranh trên thị trường rất gay gắt và khó khăn.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều sáng kiến nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất của chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về quy mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Doanh nghiệp luôn giữ vai trò trung tâm trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự năng động, nhạy bén, linh hoạt vốn có của mình đã luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực tạo ra cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định này sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, qua đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Năm 2019, Việt Nam thu hút được khoảng 38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khoảng gần 23,5 tỷ USD trong 10 tháng năm 2020 (bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019). Có thể thấy rằng, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã có tác động không nhỏ tới dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và lớn chiếm tỉ trọng quá ít (khoảng 3%) tạo thành khuyết thiếu nghiêm trọng trong cơ cấu doanh nghiệp. Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý ... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tính cạnh tranh chưa cao, trong đó có ba nguyên nhân chính. Một là, doanh nghiệp quy mô nhỏ bé nên chưa đầu tư vào công nghệ, chưa có chiến lược lâu dài để đầu tư cho sự phát triển dài hạn dẫn tới doanh nghiệp khó tạo được sự tin tưởng từ các đối tác. Hai là, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để hợp tác phát triển cùng nhau, khó trở thành các đối tác dài hạn cùng phát triển, không hỗ trợ và nâng đỡ nhau để cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung. Ba là, ý chí và nhận thức của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn. Hầu hết các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản, nhận thức về việc phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đề cao.
Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu và sự tham gia các FTA thế hệ mới. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động cụ thể như triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 với các hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu; Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngành công nghiệp, trong đó, trọng tâm ưu tiên nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, hình thành mạng lưới kết nối kinh doanh giữa các DNNVV Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. ; Đẩy mạnh hoạt động tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi cả nước, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuỗi giá trị; vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning, cho phép doanh nghiệp có thể truy cập, học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, đầu tư nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững … ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư