(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 02/11/2020, Quốc hội thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội; đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia;…
|
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, ngày 02/11/2020. Đây là ngày làm việc đầu tiên của Đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn |
Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái của con người Việt Nam
Thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2021 cũng như giai đoạn 5 năm tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhìn nhận kết quả đạt được trong bối cảnh nào để thấy được điểm tích cực, chưa đạt yêu cầu, hay chưa tương xứng với kỳ vọng.
Trong bối cảnh kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, Covid-19 đã khiến nhiều nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm. Theo đó, cả phần cung và cầu đều giảm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào nước ngoài rất nhiều. Vấn đề cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, tranh chấp cũng đang rất phức tạp.
Đối với tình hình trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, cùng với đó là tình hình thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn… không chỉ đối với miền Trung, Tây Nam Bộ mà ảnh hưởng đến các vùng khác. Chưa năm nào thời tiết phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế như vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi đó, nội tại nền kinh tế còn nhiều hạn chế bất cập, chưa có điều kiện để giải quyết ngay được. Ví dụ, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược không thể trong ngày một ngày hai; vấn đề hạ tầng đã có rất nhiều cố gắng nhưng do nguồn lực, tổ chức thực hiện vẫn chưa đạt kỳ vọng; thể chế cũng đã đạt được nhiều kết quả, nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng vẫn còn một vài điểm “vênh nhau”, dẫn đến trong quá trình thực hiện còn khó khăn; nguồn nhân lực rất dồi dào nhưng đào tạo chưa đáp ứng được, chất lượng còn kém…
Tuy nhiên, kết quả đạt được cho thấy, chúng ta là một trong số rất ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương và dự báo khả năng năm 2020 đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Dự báo, nếu không xuất hiện thêm các yếu tố khó lường, tăng trưởng GDP năm nay vẫn có thể đạt 2,5-3%, Bộ trưởng cho biết.
Năm 2020, với kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được đánh giá thành công trong việc cơ bản kiểm soát được dịch với các chính sách phù hợp kịp thời, thực hiện quyết liệt, chi phí thấp, hiệu quả. Đây là thành công lớn với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị để bảo vệ an toàn tính mạng người dân, tạo cơ hội phục hồi kinh tế nhanh, phát huy được tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, tinh thần nhân ái của con người Việt Nam. Đồng thời, tạo được lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường uy tín của Việt Nam với quốc tế... Trong đợt lũ lụt vừa qua, với sự nỗ lực lớn từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là từ các lực lượng tại chỗ đã góp phần làm giảm thiệt hại thấp nhất đến tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ tình hình dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, từ các quyết định nhanh chóng, kịp thời và chính xác cho đến tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa các cấp, các ngành,… trong đó bài học kinh nghiệm lớn nhất là phải tăng cường hơn nữa khả năng chống chịu, tự chủ của nền kinh tế, khả năng thích ứng phải đạt cao hơn trong thời gian tới.
Hành động nhanh, kịp thời và đúng đắn để nắm bắt các cơ hội
Đối với dự báo năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sẽ có cả những cơ hội và khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… nhưng giữa thời cơ và thách thức phải làm sao tận dụng thời cơ tốt nhất, nếu không thời cơ sẽ lại biến thành thách thức.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi đầu tư, thương mại là cơ hội nhưng nếu không hành động nhanh, kịp thời và đúng đắn thì các cơ hội này sẽ trôi qua. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là những cơ hội để đất nước trỗi dậy trong thời gian tới.
“Không hành động nhanh, đúng, quyết liệt để nâng cao sức cạnh tranh thì rất khó. Thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau như vậy. Nếu không làm gì thì cơ hội lại trôi qua”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề nguồn nhân lực. Chúng ta có nguồn nhân lực tốt nhưng chưa phát huy. Nếu chúng ta không tập trung đào tạo, không sử dụng nhanh thì đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn già hóa. Như vậy chúng ta còn 10 năm, phải tận dụng tốt nhất cơ hội này để phát triển.
Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, bao gồm: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư