(MPI) - Đây là chủ đề của Tọa đàm do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/11/2020. Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp để trao đổi về thực trạng các kênh đầu tư trong trạng thái bình thường mới, cơ hội và rủi ro trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, vàng và các hình thức đầu tư mới xuất hiện.
|
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, chừng nào thế giới chưa tìm ra một loại vắc xin thực sự hữu hiệu thì chừng đó cơn bão Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục hoành hành, tàn phá các nền kinh tế, buộc các nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân đều phải tính toán lại kế hoạch. Các dòng vốn đầu tư trở nên khó đoán định và sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới đã làm chao đảo các thị trường hàng hóa, bất động sản, tài chính, lao động,… Các cơ hội đầu tư, kinh doanh bị thu hẹp. Nhiều hoạt động đầu tư đối mặt với rủi ro thua lỗ cao hơn so với khi được tiến hành trong môi trường kinh doanh bình thường trước dịch bệnh.
Vì vậy, đầu tư vào đâu và như thế nào cho hiệu quả - đầu tư truyền thống như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, kim loại quý hay những kênh đầu tư còn hết sức mới mẻ, xa lạ là câu hỏi hết sức tự nhiên của bất cứ ai có nhu cầu gia tăng lợi nhuận từ đồng vốn của mình. Do vậy, Ban tổ chức kỳ vọng tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà đầu tư bằng những kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của mình sẽ cùng nhau kiến giải để phần nào giúp nhà đầu tư giải tỏa những băn khoăn này, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã đánh giá mức độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, phân tích và nhận diện các kênh đầu tư tốt giai đoạn hiện nay, đưa ra các khuyến nghị hữu ích với cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư về cơ hội và rủi ro. Theo các chuyên gia, cơ hội và rủi ro ở bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có và luôn song hành, vấn đề là các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, dễ gặp thua lỗ.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán và cho rằng, xét tổng thể, đầu tư vàng và chứng khoán được dự báo ẩn chứa nhiều rủi ro hơn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.
Về triển vọng đầu tư trong thời gian tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng, có thể nhận diện một số nhóm có cơ hội đầu tư, kinh doanh quan trọng gồm: cơ hội đầu tư, kinh doanh số; cơ hội từ tăng xu thế đầu tư công; sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; chứng khoán, bất động sản;…
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và thị trường bất động sản trong nước không có nhiều khởi sắc, song đây vẫn là kênh đầu tư trụ cột trong nền kinh tế. Thị trường bất động sản là kênh có thể hồi phục nhanh nhất khi dịch Covid-19 được khống chế.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, việc mở cửa lại nền kinh tế vào cuối quý II/2020 đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào quý III/2020 với sự phục hồi đáng ghi nhận ở cả phía cung và cầu. Đồng thời nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc nhưng cũng bắt đầu xuất hiện các nguy cơ mới đối với nền kinh tế đòi hỏi cần tiếp tục phải có những giải pháp để ứng phó nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đó, cần tập trung ưu tiên phát triển thị trường trong nước; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu, xây dựng và triển khai gói kích thích kinh tế mới, bao gồm các giải pháp như miễn, giảm thuế, phí đối với một số ngành, lĩnh vực và đối tượng. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư công, khuyến khích mở rộng đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; hỗ trợ vốn, tài chính của nhà nước cho các doanh nghiệp, đối tượng thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu và có sức lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng, tạo việc làm; khai thác tối đa các FTA; kích thích tiêu dùng trong nước và phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, thị trường vốn, thương mại, du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai mạnh mẽ các mô hình kinh tế số. Xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng thông minh trên nền tảng số. Rà soát, đánh giá các chuỗi cung ứng từng ngành hàng, mặt hàng để xác định lợi thế, khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu…
Tọa đàm dành một thời lượng lớn để thảo luận các vấn đề liên quan đến thị trường tiền gửi; cơ hội đầu tư với trái phiếu, cổ phiếu và các sản phẩm chứng chỉ quỹ; triển vọng đầu tư với thị trường địa ốc... Cùng với đó, là những góc nhìn khác về sản phẩm tài chính mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thị trường vàng, chứng khoán và tiền tệ, các yếu tố ảnh hưởng và nhận định thị trường cuối năm; cơ hội và thách thức thị trường tài chính Việt Nam khi tham gia vào các FTA thế hệ mới…/.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư