(MPI) - Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021. Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2020 với kết quả 90,08% đại biểu tán thành. Nghị quyết xác định 12 chỉ tiêu và 11 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo iếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, do đây là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, để bảo đảm tính ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề của năm 2021 nên không bổ sung nội dung đánh giá về năm 2020 vào Nghị quyết. Hơn nữa, trong thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội tại Tổ và Hội trường, đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao, biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2020.
Các chỉ tiêu khác của năm 2021 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất cho giữ các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Nghị quyết xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91% và tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
|
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bước vào năm 2021 dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế còn nhiều rủi ro và bất định, cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch Covid-19, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy có không ít những cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với EU, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động.
Do vậy, nếu tận dụng triệt để các cơ hội trên và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở. Hơn nữa, do mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, dự kiến đạt khoảng 2%-3% cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 cao hơn ở mức bình thường. Điều này vừa phù hợp với dự báo tăng trưởng của Việt Nam và của các tổ chức quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% cũng là nhằm động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6%, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất cho đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư