Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/11/2020-14:36:00 PM
Tận dụng tốt các cơ hội, khơi dậy trong Nhân dân, niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng
(MPI) - Phát biểu tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng, an ninh là thành quả và quyết tâm chung của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nỗ lực của gần 100 triệu Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, Quyết nghị, chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên.

Trung bình giai đoạn 2016-2020: thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD của tổng GDP trong gần 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tạp chí The Week tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/1 năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Với việc chỉ đạo đồng bộ quyết liệt, mục tiêu kép, Việt Nam vẫn kiên cường, duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Có địa phương đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch.

Với những thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã hoàn thành tốt cam kết tại các diễn đàn, các tổ chức khu vực và quốc tế. Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó; năng suất lao động nền kinh tế thực sự được cải thiện rõ nét trong năm qua, với mức tăng 5,8% một năm, tổng số mức tăng 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân tương đương gần 9.000 USD.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm Bốn con Hổ châu Á cộng lại và đến năm 2045, chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số của Hàn Quốc. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020 và tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo, ở nơi đó có những người trong độ tuổi lao động chỉ kiếm được thu nhập dăm ba trăm nghìn đồng/tháng.

Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cấp, các ngành, ưu tiên nguồn lực, bố trí đất đai, có cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp, như ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.

Những con số thống kê dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước, trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là tận dụng tốt các cơ hội, khơi dậy trong Nhân dân, niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong muốn của Bác Hồ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra cam kết, vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, nhất là từ đại khủng hoảng 1929-1933 đến nay. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Cần tiếp tục đề cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội, nâng cao năng lực cách ly, xét nghiệm điều trị, sản xuất thuốc vắc-xin…

Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi bệnh dịch còn rình rập, tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ xảy ra liên tiếp tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng và sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men, khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị sự cố hư hỏng, ngập lụt, sớm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng. Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ để có các biện pháp chấn chỉnh, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng; nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân được tập trung thực hiện và đạt được kết quả tích cực bước đầu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nơi, có lúc chưa cao. Tình trạng bố trí cán bộ bất hợp lý, hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, không hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ còn chưa được giải quyết, xử lý triệt để như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.

Những cải cách hành chính mạnh mẽ trong hơn 4 năm qua đã góp phần tăng số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 350 nghìn doanh nghiệp, tương đương một nửa trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 10 triệu tỷ đồng. Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp có quy mô tài sản từ hơn triệu đến hàng tỷ USD, trong đó nhiều tập đoàn chế tạo công nghệ viễn thông, thông tin trong gần 5 năm qua đã có trên 60 nhà máy chế biến hiện đại được xây dựng và đi vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có sự tham gia tích cực của những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, hứa hẹn đem lại những đột phá lớn về chuỗi cung ứng, về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn, quy mô công nghiệp có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát và đảm bảo lạm phát ở mức thấp dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu để luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã được dày công tạo dựng những năm qua.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6%: còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước

Về việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6% mà đại biểu Quốc hội đã nêu, Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất cho đất nước.

Thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý thức, thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra mục tiêu đến năm 2030 Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, với tinh thần, trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng, toàn diện, bao trùm. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi người dân, doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, tham gia đóng góp, phát triển đất nước.

Trong xu thế hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo đó, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; Loại trừ các xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống, kể cả 3 phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ; Chú trọng đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, miền núi; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại; Lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính, ngân hàng; Áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm thiểu rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn tại doanh nghiệp.

Ảnh: Quochoi.vn

Chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước

Trả lời câu hỏi được đại biểu Quốc hội quan tâm về thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch Covid-19 đã diễn ra toàn cầu và ngay giờ đây dịch đã quay trở lại một số nước với một tốc độ cao. Việt Nam đưa ra mục tiêu kép, đó là ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe Nhân dân. Đây là mục tiêu ưu tiên, suốt từ đầu khi có dịch Covid-19 và để có thể giữ được tăng trưởng nền kinh tế của đất nước không bị âm, giữ vững ổn định xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải quyết việc làm và tăng trưởng ở mức cần thiết. Để giải quyết mục tiêu này, trước hết, cần một tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, các hợp tác trực tiếp, thông qua các hiệp định và thúc đẩy phát triển, Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỷ USD, đây là một cố gắng rất lớn. Điều này cần phải tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp là nền tảng và đặc biệt là chỗ dựa trong lúc dịch bệnh toàn cầu diễn biến phức tạp. Do vậy, về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cần phải đồng thời thực hiện, tạo cân đối trong các ngành kinh tế; nông, ngư nghiệp cần được coi trọng hơn nữa; công nghiệp, kinh tế số và một số ngành du lịch, dịch vụ lưu thông, phân phối, tiếp thị cần tiếp tục hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng đến phát triển nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp, tăng cường đầu tư vào công nghiệp thực phẩm. Điều chỉnh hợp lý tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị.

Về phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là Vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã làm việc với các tỉnh của Vùng và ban hành Nghị quyết 120/NQ - CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và 2 lần tổ chức sơ kết, đánh giá, chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ những biện pháp phi công trình và biện pháp công trình cần thiết.

Trong thời gian tới, Vùng được bố trí bổ sung trên 1 tỷ USD và Chính phủ sẽ trình Quốc hội chương trình này trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó, riêng giao thông vận tải được đầu tư 94,5 nghìn tỷ đồng trong 38 dự án. Có thể nói, những biện pháp thực thi công trình và phi công trình cùng với những chỉ đạo chính sách quyết liệt của Chính phủ cũng như những hợp tác quốc tế khác sẽ giúp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít bị tác động nhất trong bối cảnh một vùng bị tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, cũng là Vùng đóng góp cho đất nước.

Về vấn đề giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo nguồn thu mà dự toán Quốc hội đã nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để vượt 6% GDP. 1% GDP giải quyết trên 300 nghìn việc làm và tăng thu ngân sách. Các cấp, các ngành, các địa phương đều phải đẩy mạnh việc này. Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm. Hạ tầng mà tốt thì thu hút đầu tư tốt, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội.

Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.. Thứ tư, phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết, như họp hành, đi công tác nước ngoài trong lúc đất nước và thế giới khó khăn. Đặc biệt, tất cả các cấp, các ngành phải bám sát dự toán, thu chi ngân sách…

Chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam; người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu; thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp. Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc, Thủ tướng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 883
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)