Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/11/2020-13:58:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 06-09/11/2020 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự và trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Trần Thị Hoa Ry liên quan đến bố trí nguồn lực để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; hiệu quả đầu tư (ICOR), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 31/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đây là 2 Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dân tộc thiểu số rất ít người. Tuy nhiên, các quyết định này được ban hành năm 2016, tức là sau khi Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không có trong Kế hoạch này. Đến năm 2019, Chính phủ báo cáo Quốc hội và đã bố trí nguồn lực thực hiện trong năm 2020. Do vậy nguồn vốn đã chậm hơn so với tất cả các chương trình khác.

Hai Chương trình này có đặc điểm rất đặc thù với quy mô nhỏ, nằm ở vùng sâu, vùng xa và được tiếp cận theo hai phương thức là công trình và phi công trình. Các công trình được thực hiện theo Luật Đầu tư công và các thủ tục về đầu tư công. Đối với chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người (Quyết định 2086) chủ yếu thực hiện theo phương thức công trình và hiện giải ngân rất tốt, đạt hơn 60%. Đối với chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Quyết định 2085) được thực hiện theo phương thức hỗn hợp là công trình và phi công trình nên cần phải có hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc. Theo đó, Ủy ban Dân tộc đã ban hành hướng dẫn và đang triển khai nên dẫn đến chương trình này chậm hơn so với chương trình theo Quyết định 2086.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong ngắn hạn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài chương trình đến hết năm 2021. Còn về dài hạn sẽ gộp hai Quyết định này vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tới nhằm giải quyết vấn đề sinh kế và đất sản xuất.

Vềchỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ tiêu ICOR là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp, phản ánh nhu cầu vốn đầu tư để tạo ra GDP. Giai đoạn 2011-2015, chỉ số ICOR của Việt Nam là 6,3 và giai đoạn 2016-2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên năm 2020 chỉ số này tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nên GDP năm 2020 giảm trong khi GDP của năm trước phải trừ đi lại rất cao, trong khi đó vốn đầu tư không điều chỉnh. Tuy nhiên, chỉ số ICOR là các công trình đầu tư nên cần phải có thời gian dài để đánh giá được hiệu quả. ICOR hằng năm chỉ là chỉ số để tham khảo trong công tác điều hành còn sau 5 năm mới thực hiện đánh giá toàn diện hiệu quả của chỉ số này.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn điều chỉnh giảm giữa các chương trình trọng điểm quốc gia

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề kè biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, toàn tuyến biên giới có nhiều kè cần đầu tư trong giai đoạn vừa qua cũng như trong giai đoạn tới, tuy nhiên chương trình tổng thể về kè biên giới chưa được xây dựng mà chỉ là những công trình nào cấp bách và không ảnh hưởng đến chủ quyền an ninh biên giới được tập trung xử lý. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành để xây dựng chương trình tổng thể, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có chương trình căn cơ, bài bản, lâu dài, khắc phục tình trạng chưa xử lý kịp thời trong thời gian qua.

Về thực hiện Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để sử dụng nguồn vốn điều chỉnh giảm giữa các chương trình trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các tuyến đê xung yếu, đây là nội dung quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng chương trình lâu dài để xử lý từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Quảng Nam. Hằng năm, sử dụng các nguồn dự phòng tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện từng dự án. Thực hiện Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 ngày 24/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã giao khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu và các địa phương đang triển khai.

Hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa về thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện 04 nhiệm vụ gồm: Rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng cho Vùng; huy động và bố trí nguồn lực cho Vùng.

Ảnh: Quochoi.vn

Đến nay, Bộ Kế hoach và Đầu tư đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 (Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020); Danh mục dự án đầu tư các công trình quan trọng của Vùng cũng đã được lựa chọn xong. Về nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ đang hoàn thiện dự thảo, dự kiến trình Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định quy hoạch vào tháng 12/2020 và sẽ trình phê duyệt chính thức trong đầu năm 2021. Đây là quy hoạch rất quan trọng đối với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là cơ sở để phát triển Vùng nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Về huy động và bố trí nguồn lực cho Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay có 04 nguồn lực để phát triển Vùng. Thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải tính toán và thống nhất bố trí nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc từ tỉnh Cà Mau đến tỉnh Bạc Liêu và từ tỉnh Bạc Liêu đến thành phố Cần Thơ, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Thứ hai là, nguồn lực từ địa phương để thực hiện các dự án hạ tầng. Thứ ba là, nguồn lực từ trung ương, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD trong giai đoạn tới. Riêng đối với giai đoạn 2021-2025, các nhà tài trợ đã xây dựng dự án hỗ trợ thông qua ngân sách khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ tuyến đường ven biển của Vùng và một số hồ chứa, một số công trình giao thông quan trọng đối với các tỉnh không có đường ven biển. Đồng thời, hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng, mỗi địa phương được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất, có tính chất liên vùng để có điều kiện phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, còn có các nguồn lực được huy động từ hợp tác công tư, từ xã hội,… để thực hiện xây dựng hạ tầng cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1170
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)