(MPI) - Ngày 12/11/2020, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chuyên đề: Nước - Định hướng chiến lược cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau. Trong đó vai trò của “nước” được xác định là tài nguyên không gì có thể thay thế được và là động lực phát triển chính của Vùng, là nơi mà “nước” gắn với hoạt động của con người, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của Vùng, đó là văn hóa sông nước.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như việc khai thác, sử dụng nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng. Đặc biệt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng.
Trong bối cảnh đó, các ngành, các cấp đã ban hành và thực thi nhiều chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch, song những biện pháp này chủ yếu để ứng phó mang tính riêng rẽ theo ngành, lĩnh vực và từng địa phương, thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương một cách dài hạn trên toàn Vùng nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc giải quyết các vấn đề của vùng ĐBSCL cần phải đặt trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao, đó là công cụ quy hoạch.
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết này được ban hành rất kịp thời để định hướng, chỉ đạo giải quyết vấn đề nước của vùng ĐBSCL, trong đó có nội dung chỉ đạo: “… Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế…”.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch.
Trên tinh thần hướng tới mục tiêu vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chung của cả vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo với chuyên đề: Nước - Định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL để tham vấn, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các địa phương đối với những nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước đã được đề cập trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đảm bảo được mục tiêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về nội dung đã được trình bày trong Báo cáo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như phân tích, đánh giá hiện trạng, quan điểm, mục tiêu phát triển tài nguyên nước và hạ tầng liên quan đến tài nguyên nước; định hướng tổ chức không gian và phương hướng phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, phòng chống thiên tai, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước cũng như các giải pháp và nguồn lực để thực hiện nội dung định hướng tổ chức không gian và phương hướng phát triển hạ tầng liên quan đến tài nguyên nước của vùng ĐBSCL.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo dự thảo Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm tổng thể về phát triển vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo là ưu tiên cao nhất việc phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó cần duy trì vai trò của đồng bằng là nguồn sống cho môi trường và người dân sống ở đồng bằng, đồng thời chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, coi vốn xã hội - con người là chìa khóa tăng trưởng kinh tế. Môi trường lành mạnh là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và tiến bộ văn hóa, xã hội là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của tăng trưởng.
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ xem xét kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP và dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII để có lộ trình, bước đi cần thiết, phù hợp để đạt được tầm nhìn đó. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển Vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng.
Hội thảo được nghe các bài trình bày tham luận về vấn đề đặt ra đối với việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL; định hướng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước vùng ĐBSCL; định hướng khắc phục tác hại do nước gây ra tại vùng ĐBSCL như sạt lở, nước biển dâng, ngập úng đô thị... Hội thảo đã nhận được các ý kiến góp ý xác đáng, chất lượng của các nhà khoa học, nhà quản lý và các địa phương đối với quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư