Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/11/2020-17:52:00 PM
Định hướng tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(MPI) - Nhằm tiếp tục hoàn thiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 13/11/2020, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng tổ chức không gian và phát triển kết cầu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong nhiều năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác cũng như các áp lực ngày càng lớn cho vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gần đây, trước sức ép lên hệ thống hạ tầng của Vùng đã làm gia tăng thêm nguy cơ thảm họa thiên nhiên.

Trước bối cảnh đó, các cấp, các ngành đã ban hành và thực thi nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vùng ĐBSCL để giải quyết sức ép về hạ tầng như đã nêu trên. Song, những biện pháp này còn thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho Vùng.

Do vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc giải quyết hiệu quả vấn đề hạ tầng của vùng ĐBSCL cần phải xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao. Hay nói cách khác là cần phải xây dựng được khung chiến lược toàn diện và quy hoạch cho cả vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ, tổng thể kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu xác định xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại, được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiệu quả cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước…

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định.

Hội thảo được nghe các bài trình bày tham luận về định hướng không gian phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển đô thị và công nghiệp của vùng ĐBSCL; định hướng, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và xử lý chất thải tại vùng ĐBSCL.

Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các địa phương đã tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về nội dung phân tích, đánh giá hiện trạng, quan điểm, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL; định hướng tổ chức không gian và phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL; giải pháp và nguồn lực để thực hiện nội dung định hướng tổ chức không gian và phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL. Các nội dung này đã được đã trình bày trong Báo cáo quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tinh thần hướng tới mục tiêu vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chung của vùng ĐBSCL.

Các ý kiến góp ý là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện Dự thảo để trình cấp có thẩm quyền. Qua đó, tạo cơ sở, định hướng cho việc lập quy hoạch tỉnh của các địa phương trong Vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa quy hoạch các cấp theo quy định.

Theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020, việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Đồng thời, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng; cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2035
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)