Quang cảnh diễn đàn kinh tế. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN) Diễn đàn Kinh tế và thương mại Việt-Đức diễn ra trong bối cảnh nhiều cơ hội, thách thức đặt ra với hai nước khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU chính thức được phê chuẩn.
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn Kinh tế và thương mại Việt-Đức.”
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh nhiều cơ hội, thách thức đặt ra đối với Việt Nam và Đức khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU chính thức được phê chuẩn.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, kể từ khi đặt quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Đức đã ký kết nhiều Hiệp định song phương nhằm thúc đẩy mối quan hệ toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Trong 45 năm qua, Đức luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở châu Âu, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Trong số các quốc gia châu Âu, Đức là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam, với số vốn đăng ký tính đến tháng 5/2020 là hơn 2 tỷ USD.
Các dự án đầu tư của Đức tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, hóa chất, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh... Ngoài ra, Đức cũng là đối tác lớn nhất của Việt Nam về đào tạo nghề, văn hóa và giáo dục.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phát triển này nhìn chung còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên.
Hy vọng, trong thời gian tới, doanh nghiệp hai nước sẽ chủ động khai thác cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức.
“EVFTA chính thức có hiệu lực được xem là cơ hội để doanh nghiệp EU và Đức mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước tận dụng các cơ hội từ hiệp định này trong thời gian tới,” ông Tô Anh Dũng nói.
Theo Đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Guido Hildner, các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cung cấp năng lượng... là nền tảng hợp tác của hai nước trong nhiều năm qua. Việt Nam đặc biệt đã làm rất tích cực. Thời gian tới, Đức cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho Việt Nam phát triển trong các lĩnh vực này.
Ngoài ra, đào tạo-dạy nghề cũng sẽ là lĩnh vực đặt ra trong thời gian tới để đẩy mạnh hợp tác hai bên.
Hiện có hơn 6.700 học sinh, sinh viện Việt Nam học tập tại Đức, hơn 1.000 nghiên cứu sinh của Việt Nam tại Đức. Điều này là minh chứng việc tăng cường hợp tác về học thuật giữa Việt Nam và Đức.
Cùng với đó là hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước thông qua hiệp định EVFTA. Đây sẽ là những điểm mà phía Đức sẽ hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, đại sứ.
Năm 2020 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Đức (1975-2020) và 9 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2011-2020), hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, đào tạo...
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), cho hay Trường luôn tạo điều kiện sẵn sàng để các đơn vị của Đức liên kết, phối hợp, tăng cường hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa hai bên.
“Chúng tôi kỳ vọng diễn đàn sẽ là cầu nối với kiều bào Việt Nam tại Đức, cộng động doanh nghiệp hai nước cùng nhau hợp tác phát triển. Đại học kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội sẽ là đầu tàu kết nối; chúng tôi cam kết sẽ làm tốt nhiệm vụ này trong tương lai,” ông Lê nói.
Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt-Đức bao gồm phiên tổng thể và 2 phiên chuyên đề. Theo đó, phiên tổng thể, Viện FNF và Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu ấn phẩm "Việt Nam và Đức: phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu."
Phiên chuyên đề 1 về Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt-Đức; phiên 2 về Kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.../.