Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/11/2020-18:56:00 PM
Xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 23/11/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã có buổi làm việc với một số bộ, ngành và Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi và các sở ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, giới thiệu một số nội dung chính của Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 58-NQ/TW), Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Văn Vịnh cho biết, ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 58-NQ/TW.

Tại Văn bản số 6895/VPCP-QHĐP ngày 19/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, trong đó có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết. Trong đó đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp (12 nhiệm vụ được cụ thể bằng 41 sản phẩm gồm: 03 Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 37 Báo cáo Thủ tướng Chính phủ) để các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chủ trì, phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đạt được các chỉ tiêu cụ thể tại Nghị quyết số 58-NQ/TW.

Trong đó bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù; hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Xây dựng tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển.

Phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nưóc về giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thể thao và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa nhất trí với các nội dung được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời đề xuất bổ sung thêm 05 nhóm nhiệm vụ căn cứ vào Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là Đề án phát triển khu vụ Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành thành phố sân bay văn minh, hiện đại theo xu hướng thế giới; Đề án phát triển KKT Nghi Sơn gắn kết với Đảo Mê trên cơ sở kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh; Thành lập KKT cửa khẩu Na Mèo; Đề án xây dựng nông thôn mới tại 15 xã biên giới và xã Mường Lý (huyện Mường Lát) của tỉnh Thanh Hóa như áp dụng tại địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An; Xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ vùng Bắc Trung Bộ tại Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, ý kiến của các bộ, ngành đều cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Đồng thời yêu cầu, đối với những đề xuất bổ sung của tỉnh Thanh Hóa cần rà soát lại và làm rõ thêm về các đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề giao cơ quan chủ trì thực hiện, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, rà soát một số khu du lịch có tiềm năng và đề xuất các điểm du lịch để trở thành khu du lịch quốc gia, vấn đề trùng tu, bảo tồn di tích…

Các nội dung đề xuất trong dự thảo đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên cần nêu bật vấn đề phát triển liên kết giữa các huyện trong tỉnh, khi Thanh Hóa là địa phương có nhiều huyện, đông dân nhất cả nước. Trong định hướng phát triển sâu, cần có các phân tích làm rõ thêm ngành nào có giá trị gia tăng cao nhất trong thời gian vừa qua, số lượng doanh nghiệp được thành lập ra tăng trong ngành nào là nhiều nhất, số lượng doanh nghiệp kinh doanh có lãi để thấy được là tiềm năng thật sự…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Thi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Thi cho biết, Nghị quyết số 58-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành là động lực lớn, là nền tảng để tỉnh Thanh Hóa bước vào giai đoạn phát triển mới. Để Nghị quyết trở thành hiện thực cần rất nhiều nội dung từ Chương trình hành động của Chính phủ đến những chính sách đặc thù. Tỉnh Thanh Hóa tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành và sẽ phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao tính chủ động của tỉnh Thanh Hóa, các bộ, ngành trong việc đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến của 15/19 bộ, ngành và sẽ tổng hợp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, vị trí chiến lược. Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa là một trong bốn địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh cần tiếp tục rà soát lại dự thảo Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ, bám sát 6 quan điểm và 9 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện. Đồng thời, cần rà soát lại để đáp ứng được tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 58-NQ/TW. Ngoài ra, các nội dung đề xuất bổ sung cần thể hiện rõ trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa phải chủ động tham mưu cho Tỉnh trong việc bố trí nguồn lực trung hạn, nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ chế đặc thù cần phải được thể hiện rõ trong nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ và đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật./.

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu:

“Đến năm 2030 Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sach, vững mạnh”.

“Đến năm 2045 Thanh Hóa là tỉnh giàu, đẹp và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

Giai đoạn 2021- 2025

- Bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 9,6%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750.000 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên.

- Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; 17 đơn vị cấp huyện, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giai đoạn 2026-2030

-Bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưỏng GRDP đạt 9,2% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 8,1%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 7% trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên.

- Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% trở lên; 100% đơn vị cấp huyện, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2960
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)