(MPI) – Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, ngày 25/11/2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu Covid-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế nhằm đánh giá và thảo luận về chính sách và yêu cầu cải cách thể chế cho phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
|
Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều quốc gia đã quan tâm và cụ thể hóa các ưu tiên phát triển kinh tế số (KTS). Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước càng đẩy nhanh việc tiếp cận và phát triển KTS, đây là một động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.
Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, trong đó phải kể đến việc chủ động tiếp cận cơ hội từ KTS nói chung và thương mại điện tử nói riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với KTS ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh.
Đặc biệt, sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển KTS phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, Báo cáo Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu Covid-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế được thực hiện nhằm rà soát cơ sở lý luận, các khái niệm, tầm quan trọng và vai trò của KTS trong phát triển kinh tế; nhìn nhận khung khổ đo lường kinh tế số và một số kinh nghiệm quốc tế về đo lường và phát triển KTS trên thế giới và khu vực. Đồng thời, đánh giá những ưu tiên chính sách, triển khai thực thi và thực trạng phát triển KTS ở Việt Nam. Bên cạnh đó, xác định những điều kiện và yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phát triển bao trùm về kinh tế số và đề xuất lộ trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi, nỗ lực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy KTS phát triển. Quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển KTS của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế.
Cụ thể, hành lang chính sách phát triển KTS được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ nói riêng và khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển KTS phát triển. Cùng với đó, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.
Tại Hội thảo, CIEM đã đưa ra một số đề xuất để hướng tới phát triển KTS trong thời gian tới, như: bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho kinh tế số; hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với kinh tế số; bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số; tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh số và phát triển hạ tầng số./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư