Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/04/2013-14:07:00 PM
Tín hiệu mới từ CPI tháng 4
Với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm, để đạt mục tiêu đề ra cho cả năm, trong 8 tháng còn lại, CPI chỉ còn “dư địa” tăng 3,51 - 3,99%, bình quân 0,43-0,49%/tháng.

CPI vẫn còn nhiều nguy cơ tăng trong thời gian còn lại trong năm

Sau khi tăng tương đối cao vào tháng 1 và 2, giảm nhẹ vào tháng 3, CPI tăng lên vào tháng 4 (0,02%). CPI tháng 4 năm nay thấp so với bình quân tháng 4 củagiai đoạn 2004 - 2012 (tăng 0,87%).
CPI 4 tháng đầu năm nay ở mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2004 -2012 và chỉ bằng một nửa mức bình quân 4 tháng của giai đoạn 2004 -2012 (5,12%), trong đó cùng kỳ năm 2012 tăng 2,59%.
Như vậy, qua CPI tháng 4 và 4 tháng đầu năm, có thể nhận diện một số tín hiệu cho thời gian tới.
Thứ nhất, CPI tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013 ở mức thấp so trước đó. Kết quả có nhiều nguyên nhân. Trước hết là tư duy không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá và kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (mục tiêu năm 2013 CPI tăng 6- 6,5%, thấp hơn so với mức 6,81% của năm 2012). Tuy nhiên, hiệu ứng phụ của kiềm chế lạm phát là làm cho sản xuất kinh doanh khó khăn.
Do vậy, không ít ý kiến cho rằng phải kích cầu đầu tư, tiêu dùng, đẩy mạnh tín dụng, giảm lãi suất, tăng giá điện, tăng lương tối thiểu... Tuy nhiên, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nên quý I đạt được kết quả “kép”: lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực để đạt được mục tiêu kép của cả năm.
Thứ hai là do đầu tư và tiêu dùng co lại. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP quý I tiếp tục giảm xuống so với cùng kỳ năm trước và các năm trước đó. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ yếu tố giá) tăng chậm lại.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng nhẹ trở lại sau khi giảm 0,19% trong tháng 3.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI cả nước chỉ tăng 6,61%. Nếu so với tháng 12/2012, CPI mới tăng 2,41%.
Thứ ba là do giá USD giảm trong năm 2012 và tăng thấp trong những tháng đầu năm nay. Do vậy, giá nhập khẩu giảm (2,82%), một số mặt hàng còn giảm sâu hơn. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu giảm tương đối sâu (4,32%) nên không tạo áp lực lên giá trong nước.
Thứ tư là do giá lương thực tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm, mặc dù lượng gạo xuất khẩu tăng cao và Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Giá gạo xuất khẩu giảm 7,4%, trong khi giá lương thực trong nước giảm khoảng 5%.
Với tốc độ tăng sau 4 tháng đầu năm, để đạt mục tiêu đề ra cho cả năm, trong 8 tháng còn lại, CPI chỉ còn “dư địa” tăng 3,51 - 3,99%, bình quân 0,43-0,49%/tháng.
Theo thống kê năm trước cho thấy, CPI từ tháng 5 - 12 tăng 4,11%, bình quân chưa đến 0,51%/tháng, trong đó 2 tháng giảm, 3 tháng tăng thấp, chỉ có 3 tháng tăng cao, đặc biệt tháng 9 tăng 2,2% do giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng cao.
Trong8 tháng tới, nếu tăng bằng tốc độ của cùng kỳ năm trước, CPI cả năm nay sẽ vượt quá 7%. Còn nếu tăng bằng với tốc độ của cùng kỳ 9 tháng năm trước (5,12%) thì CPI cả năm sẽ cao hơn.
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm vẫn còn một số yếu tố làm tăng giá tiêu dùng. Yếu tố diễn biến khó lường như thiên tai, dịch bệnh, hạn hán... lànguy cơ làm lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp. Do vậy, nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao năng suất lao động là biện pháp căn cơ, quan trọng hàng đầu, không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Về yếu tố bên ngoài, tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước đã có dấu hiệu hồi phục, trong khi lãi suất thấp, nhiều nước tăng cung tiền để kích thích tăng trưởng... sẽ làm tăng giá nguyên nhiên vật liệu, kéo giá cả trong nước tăng theo.
Một yếu tố nữa có thể làm tăng CPI làcác chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư để thực hiện các mục tiêu như tái cơ cấu, thực hiện ba khâu đột phá... Vì vậy, rất cần cân nhắc “liều lượng” các giải pháp tài chính, tiền tệ để tăng trưởng hợp lý và kiềm chế lạm phát.
Cuối cùng là việc thực hiện lộ trình giá thị trường. Đây là việc làm cần thiết, đúng hướng nhưng cần chú ý cách điều chỉnh, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương, thận trọng về thời điểm, liều lượng điều chỉnh./.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1201
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)