Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25 tháng 4 năm 2013
I. NÔNG NGHIỆP
Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư là tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.
- Cây lúa
Tính đến 15/4/2013, cả nước đã gieo cấy được 3120,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy đạt 1138,1 nghìn ha, bằng 99,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy đạt 1982,4 nghìn ha, bằng 102,7%.
Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1690,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1568,7 nghìn ha, chiếm 98% diện tích gieo cấy và bằng 103% cùng kỳ. Theo báo cáo sơ bộ, sản lượng lúa toàn vùng ước tính đạt 10,8 triệu tấn, tăng 8,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, sản lượng tăng chủ yếu do diện tích tăng hơn 19 nghìn ha. Diện tích lúa Đông xuân tăng do bà con chuyển đổi đất từ 1 vụ sang 2 vụ, chuyển đất nuôi tôm không hiệu quả sang trồng lúa hoặc tận dụng đất quyhoạch bỏ trống đưa vào sản xuất.
Trên những chân ruộng lúa Đông xuân đã thu hoạch, bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, giữ khô và cày ải phơi đất và xuống giống vụ Hè thu. Tính đến 15/4/2013, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 839,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 145,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 824,8 nghìn ha, bằng 145%. Một số tỉnh có tiến độ gieo sạ nhanh là: Đồng Tháp gần 173 nghìn ha, An Giang 114 nghìn ha; Kiên Giang 117 nghìn ha; Long An 88 nghìn ha.
- Cây trồng khác
Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước gieo trồng được 445,4 nghìn ha ngô, bằng 98,5% cùng kỳ năm trước; 81,8 nghìn ha khoai lang, bằng 96,4%; 154,8 nghìn ha lạc, bằng 99%; 60 nghìn ha đậu tương, bằng 113,4%; 484,7nghìn ha rau đậu, bằng 109,4%. Nhìn chung diện tích cây màu giảm chủ yếu diện tích nhóm cây ngô, khoai lang, lạc do hiệu quả kinh tế không cao, bà con nông dân lựa chọn những loại cây dễ gieo trồng và chăm sóc như cây rau, đậu.
Chăn nuôi
Trong kỳ, tình hình chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn. Ước tính đàn trâu, bò của cả nước giảm khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thấp và dịch bệnh bùng phát. Người chăn nuôi đang thua lỗ vì giá lợn hơi thấp hơn giá thành, dịch lợn tai xanh xảy ra tại một số tỉnh đã làm chết và tiêu hủy hơn 6000 con lợn. Bên cạnh ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng cũng đang diễn biến nguy hại với sự xuất hiện của chủng virus hoàn toàn mới nhưng chưa có vaccine thích hợp để đối phó. Giá thịt xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh hoành hành làm cho người chăn nuôi không dám đầu tư tái đàn, một số nơi đã xuất hiện tình trạng bỏ trống chuồng không nuôi lợn nữa. Ước tính tổng số lợn của cả nước giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm trước.
II. LÂM NGHIỆP
Trong kỳ điều kiện thời tiết khô hạn vẫn tiếp diễn tại nhiều các địa phương trong cả nước nên đã ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là công tác trồng rừng. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 4/2013 ước đạt như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 6,3 nghìn ha, bằng 66,3% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 17,6 triệu cây (+1,1%); sản lượng gỗ khai thác 414 nghìn m3 (+7,3%); sản lượng củi khai thác 2,81 triệu ste (+2,6%).
Tính chung 4 tháng đầu năm kết quả thực hiện ước đạt: Diện tích rừng trồng tập trung 14,7 nghìn ha, bằng 82,1% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 81,6 triệu cây (+2,8%); sản lượng gỗ khai thác 1544,7 nghìn m3 (+7,9%); sản lượng củi khai thác 10,2 triệu ste (+2,9%).
Tình hình thiệt hại rừng: Do thời tiết trong kỳ tiếp tục nắng nóng, khô hạn nên nhiều địa phương vẫn còn nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, một số nơi đã xảy ra cháy rừng. Tổng hợp diện tích rừng thiệt hại trong kỳ là 74,3 ha, trong đó: Cháy rừng xảy ra 32 vụ, diện tích rừng bị cháy 41,8 ha; phá rừng 128 vụ, diện tích bị phá 32,5 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại 534,1 ha (-33,3%), trong đó diện tích bị cháy 445,7 ha (-37,1%), diện tích bị phá 88,4 ha (-4,5%).
III. THỦY SẢN
Sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước tính đạt 409,8 nghìn tấn, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 321,3 nghìn tấn, giảm 0,5%; sản lượng tôm đạt 36,6 nghìn tấn tăng 4% và thủy sản khác đạt 51,9 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 4 ước tính đạt 187,3 nghìn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó sản lượng cá đạt 148,4 nghìn tấn, giảm 6%; tôm đạt 27,5 nghìn tấn tăng 4,2% và thủy sản khác đạt 11,4 nghìn tấn, tăng 5,6%.
Trong kỳ, sản xuất cá tra chưa có dấu hiệu khởi sắc mặc dù giá thức ăn đầu vào đã giảm từ 400-600đ/kg so với đầu năm nhưng giá thành vẫn lớn hơn giá bán từ 1000-1500đ/kg. Thị trường xuất khẩu cá tra trầm lắng cùng với việc Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết áp đặt mức thế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (ngày 14/3/2013) dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Diện tích nuôi cá tra tiếp tục thu hẹp, tính đến cuối tháng 3, diện tích thả nuôi tại An Giang là 779 ha giảm 18%; Trà Vinh117 ha, giảm 47,5 %; Cần Thơ 667 ha, giảm 4,2 % so với cùng kỳ. Trong tháng 4, Sản lượng cá tra của An Giang ước tính đạt 18 nghìn tấn giảm 18%; Cần thơ 7400 tấn giảm 1,4%; Bến tre 22 nghìn tấn, giảm 29%; Vĩnh Long 1,8 nghìn tấn giảm 52%... Dự báo sản lượng cá tra vẫn còn tiếp tục giảm trong các tháng tới.
Tình hình nuôi tôm Sú phát triển khá ổn định tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh có xảy ra nhưng không lan rộng so với cùng kỳ, phần lớn các diện tích bị dịch bệnh đã được xử lý kịp thời. Trong thángCà mau thu được 11 nghìn tấn, bằngxấp sỉso với cùng kỳ; Bạc Liêu thu được 6,5 nghìn tấn, tăng 6,2%...
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định gắn với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 4 ước đạt 222,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 212,5 nghìn tấn, tăng 4,6%.
Mặc dù tình hình đánh bắt tại ngư trường đảo Hoàng Sa gặp khó khăn do bị phía Trung Quốc cấm đánh bắt, trong tháng có tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắn cháy nhưng được sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước nên ngư dân vẫn kiên trì bám biển. Thêm vào đó Thời tiết khá thuận lợi, các địa phương tích cực tạo điều kiện cho các chủ tàu thuyền ra khơi, bám biển khai khác hải sản như trang bị máy thông tin liên lạc, thành lập tổ, đội tự nguyện để giúp đỡ nhau trong việc đánh bắt hải sản trên biển; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá nên các chuyến đi biển xa bờ đạt hiệu quả khá. Đặc biệt mô hình hợp tác một tàu làm dịch vụ cho 20 tàu đánh bắt rất phù hợp cần nhân rộng.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2013, sản lượng thủy sản ước đạt 1561 nghìn tấn tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 1179 nghìn tấn giảm 0,2%; sản lượng tôm đạt 145 nghìn tấn tăng 4,1%; loại thủy sản khác đạt 237 nghìn tấn, tăng 4,8%. Sản lượng thủy sản bốn tháng đầu năm tăng chủ yếu từ sản lượng thủy sản khai thác, đặc biệt là khai thác biển. Sản lượng khai thác biển đạt 825 nghìn tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá đạt 633 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 35,9 nghìn tấn, tăng 3,5%. Thủy sản khai thác tập trung vào đối tượng cá lớn vùng biển xa bờ với sản lượng cá ngừ đại dương tăng khá: Bình Định đạt 3100 tấn, tăng 76,1% so với cùng kỳ; Phú yên 3900 tấn, tăng 8,9%. Tuy nhiên, do giá cá ngừ đại dương giảm mạnh, hiện nay bình quân dao động từ 50-55 nghìn đồng/kg giảm 54% so cùng kỳ năm trước nên phần nào đã ảnh hưởng tới thu nhập của ngư dân.
IV. TÌNH HÌNH THIÊN TAI, DỊCH BỆNH
1. Mưa đá, lốc xoáy ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Cuối tháng 3, tình hình thời tiết tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Từ ngày 26 đến 31 tháng 3 có xuất hiện gió lốc, mưa đá với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn về người, tài sản và mùa màng của nhân dân, nhiều điểm trường, nhà làm việc và các cơ sở khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Tính toán sơ bộ,hơn 2700 ha lúa và hoa màu bị hư hại nặng nề, trong đó hơn 1700 ha mất trắng, tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai các tỉnh đã trực tiếp xuống nắm tình hình, phối hợp với cơ sở tiến hành rà soát, thống kê hiệt hại do mưa đá gây ra, động viên hỗ trợ bà con nông dân kịp thời khắc phục hậu quả để sớm ổn định sản xuất. Sang nửa đầu tháng Tư, thời tiết có phần thuận lợi hơn, một số cơn mưa đầu mùa đem nước tưới đến những chân ruộng cao, hạn chế phần nào tình trạng khô hạn. Đến nay, lúa đông xuân đang phát triển và sinh trưởng tốt, trà lúa sớm đang giai đoạn làm đòng, trà trung đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, trà xuân muộn đang đẻ nhánh rộ. Các Công ty Thuỷ lợi tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện bơm nước, điều tiết đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa sinh trưởng và phát triển.
2. Hạn hán và xâm nhập mặn
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến vụ Hè thu mới xuống giống. Tại các tỉnh Tây Nguyên, tuy những ngày đầu tháng Tư đã có mưa nhưng chỉ là những cơn mưa rải rác, cục bộ, góp phần làm tăng độ ẩm cho đất và không khí nhưng vẫn chưa cứu vãn được tình hình hạn hán đang diễn ra tại đây. Tình trạng khô hạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn nước chống hạn ngày càng khó khăn, số hộ dân bị thiếu nước và diện tích cây trồng bị khô hạn có thể còn tăng thêm trong thời gian tới.
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trên cả nước, ngày 27/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 519/QĐ-TTg, trong đó quyết định trích 457,4 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2013 để hỗ trợ cho 32 tỉnh chịu nhiều thiệt hại khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2013. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ giống cho người nông dân, căn cứ kết quả thực chi, ngân sách trung ương sẽ cân đối hỗ trợ cho các địa phương.
3. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trồng
Tính đến ngày 21/4/2013, cả nước còn tỉnh Hà Tĩnh có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; 6 tỉnh có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Ninh và Thái Bình; không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Chăn nuôi gia cầm đang tập trung đối phó với nguy cơ bùng phát và lây lan virus cúm H5N1 ở trong nước và virus cúm H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu như trước đây, virus cúm H5N1 chủ yếu chỉ phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm và chim cút ở nước ta thì gần đây đã xuất hiện trên cả đàn chim yến dẫn dụ và đàn chim trĩ nuôi; nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm là rất cao do đàn chim yến có thể bay đi khắp nơi. Trong khi đó, dịch cúm A H7N9 đang hoành hành ở Trung Quốc có thể xâm nhiễm vào Việt Nam bất cứu lúc nào do lượng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vẫn được tuồn về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ rồi phân phối ra thị trường Hà Nội và các tỉnh. Cùng với những khó khăn do tác động của dịch bệnh, thời gian gần đây giá trứng gia cầm giảm khá mạnh cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi trong việc đầu tư tái đàn. Ước tính số lượng gia cầm của cả nước giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm 2012.
Để đối phó và kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh, bao vây dập dịch kịp thời. Tại công văn số 264/TTg-KTN ngày 25/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mua 40 triệu liều vác xin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch.
Đối với thủy sản nuôi trồng, tại khu vực miền Trung, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm lồng bị dịch bệnh do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài cùng với môi trường nguồn nước bị ô nhiễm: Tại Khánh Hòa xuất hiện bệnh lồi thịt rụng chân trên tôm hùm lồng dẫn tới sản lượng thu hoạch trong tháng giảm 12,3% so với cùng kỳ; tại Phú Yên, dịch bệnh hoại tử gan tụy làm ảnh hưởng trên 56 ha tôm thẻ chân trắng, tại Bình Thuận phải xả bỏ 29 ha tôm thẻ chân trắng đang nuôi và thu hoạch sớm 74 ha dobị bệnh...
V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH
1. Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bám sát Đề án Tái cơ cấu tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg:
- Thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2013 như Đề án đổi mới nông lâm trường quốc doanh, Chương trình nông thôn mới, Xây dựng Đề án liên kết các thành phần kinh tế ở nông thôn (liên kết 4 nhà), tiến hành tái cơ cấu các DNNN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Điều chỉnh sản lượng nông sản ở mức hợp lý để giữ giá bán có lợi cho người nông dân: giảm sản lượng gạo xuất khẩu (trước mắt xuống dưới 7 triệu tấn), kiên quyết chuyển đổi các diện tích không đảm bảo nước tưới, vụ 3 chuyển sang trồng cây trồng màu vừa tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nước tưới, chống dịch bệnh; giảm sản lượng thịt lợn hơi (do giá đang xuống thấp dưới mức giá thành); tăng số lượng trâu bò và gia súc ăn cỏ...
2. Theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho nông sản- yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, đặc biệt là cho xuất khẩu, có thông tin và các biện pháp pháp lý, ngoại giao cần thiết để tránh các vụ kiện bán phá giá.
3. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, huy động tối đa các nguồn lực để dập dịch, đặc biệt đối với cúm gia cầm, tai xanh (do ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thiệt hại về kinh tế rất lớn).
4. Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời cho người tiêu dùng yên tâm dùng các sản phẩm trong nước, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tạo đầu ra cho sản xuất.
5. Hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng tránh thiên tai: Các công trình an toàn hồ chứa, kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, các dự án di dân khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sửa chữa nâng cấp đê sông, đê biển...
File đính kèm: BCKTNongnghiep T4.13.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư