Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2020-18:06:00 PM
Lễ công bố Báo cáo Đánh giá đa chiều của Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam diễn ra ngày 08/12/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với 27 khuyến nghị cấp cao, 70 hành động, trong đó có 16 hành động ưu tiên, Báo cáo MDR thực sự là một tài liệu tham khảo hữu ích cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI
Tham dự Lễ công bố có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Jeffrey Schlagenhauf và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển OECD Federico Bonaglia tại đầu cầu Paris, Pháp; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực của Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti; Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber; Đại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam Chay Navuth, Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam Michael Siegner; các thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII; các chuyên gia thuộc Nhóm Nghiên cứu Đánh giá đa chiều của OECD và các đại biểu trong nước và quốc tế.
Báo cáo MDR của Việt Nam là sáng kiến của OECD với mục tiêu xác định các hạn chế đối với phát triển ở Việt Nam và các lĩnh vực ưu tiên hành động để kết nối năng lực cạnh tranh kinh tế với các mục tiêu xã hội và phúc lợi; cung cấp kiến thức chuyên môn của OECD trong các lĩnh vực trọng tâm có tầm quan trọng cấp thiết đối với Việt Nam; tích hợp phân tích với tầm nhìn mang tính chiến lược để làm cho các chính sách thích ứng được với bối cảnh đang thay đổi và dự đoán sự phát triển trong tương lai. Báo cáo đã được OECD thực hiện cho nhiều quốc gia đang phát triển là thành viên của Trung tâm Phát triển của OECD.
Đặc biệt, với phương pháp tiếp cận xây dựng dựa trên các đánh giá đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực, Báo cáo là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam. Các dự thảo này đang trong quá trình hoàn thiệnđể trình Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 34 năm qua, kể từ khi Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều tiến bộ và có nhiều triển vọng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành các mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) tới năm 2030, phấn đấu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, thời điểm Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khát vọng cho tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức lớn có thể gây trở ngại cho con đường phát triển bao trùm, bền vững trong tương lai của mình như năng suất, chất lượng tăng trưởng và năng lực tranh của nền kinh tế chưa cao; chưa thực sự dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các đột phá chiến lược và chương trình cải cách quan trọng như tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, tiến bộ xã hội vẫn chưa đồng đều, các nhóm yếu thế chưa được tham gia và hưởng lợi bình đẳng từ tăng trưởng so với các nhóm dân cư khác trong xã hội và tình trạng xuống cấp môi trường, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bất định tiềm ẩn từ cả trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ có nhiều tác động đến sự phát triển của Việt Namtrong tương lai.
Báo cáo MDR đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cần khắc phục, những cơ hội cần được nắm bắt nhanh chóng và hiệu quả, những cải cách mạnh mẽ cần thực hiện trong nhiều lĩnh vực nhằm đạt tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập, minh bạch và bền vững. Báo cáo cũng đưa ra đề xuất đối với Việt Nam trong việc tham khảo kinh nghiệm phù hợp của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nhiều nước thành viên của Trung tâm Phát triển của OECD như EU, Anh, Hà Lan, Phần Lan, Na-uy, Mê-hi-cô…
Ảnh: MPI
Kết quả nghiên cứu của Báo cáo MDR giúp Việt Nam có thêm thông tin đánh giá toàn diện hơn cũng như xác định hướng phát triển trong 10 năm tới của đất nước. Các phiên bản của báo cáo kể từ khi đánh giá bước đầu đến bản mới nhất đều được các thành viên của Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam tham khảo trong quá trình dự thảo Chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng và đánh giá cao OECD, đặc biệt là Nhóm xây dựng MDR của Việt Nam đã hoàn thành một MDR có chất lượng cao cho Việt Nam. Đây sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà lập kế hoạch và chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như các đối tác phát triển của Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4232
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)