1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
- Trồng trọt: sản xuất trồng trọt trong tháng 10/2020 chủ yếu tập trung chăm sóc cây vụ Mùa và tiến hành sản xuất vụ Đông. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh có đợt mưa to gây ngập lụt lớn đã làm cho nhiều diện tích cây trồng ở một số địa phương bị thiệt hại nặng nề.
Sản xuất vụ Mùa năm 2020trong điều kiện đầu vụ thời tiết tương đối thuận lợi nên diện tích khoai lang và các loại rau trồng được ước tính tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, đến thời kỳ các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển mạnh thì gặp phải đợt lũ lụt nghiêm trọng đã làm cho nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, hư hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.Nhìn chung, tình hình sản xuất vụ Mùa hàng năm trên địa bàn đạt kết quả không cao do ảnh hưởng bởi điều kiện thiên tai, lũ lụt. Chính vì thế nên người dân chưa mặn mà trong việc đầu từ vào sản xuất vụ Mùa, chủ yếu sản xuất với mục đích để làm sạch đất, tránh tình trạng mầm bệnh ủ trong đất gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân.
Về sản xuất vụ Đông năm 2020,với quan điểm chỉ đạo là bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ hợp lý, né tránh thiên tai nhằm tăng năng suất, sản lượng. Tiến độ sản xuất vụ Đông 2020 tính đến ngày 20/10/2020:Ngô lấy hạt ước đạt 1.095 ha, bằng 36,07% kế hoạch; ngô sinh khối ước đạt 480 ha, bằng 23,46% kế hoạch; khoai lang ước đạt 594 ha, bằng 34,81% kế hoạch và rau các loại ước đạt 2.003 ha, bằng 46,28% kế hoạch. Hiện nay, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, nhất là một số địa phương bị ảnh hưởng nặng như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang...nên sản xuất vụ Đông năm nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Sâu bệnh cũng đã xuất hiện gây hại trên diện tích các loại cây trồng nhưng với mức độ ảnh hưởng còn nhẹ.Để chủ động phòng trừ sâu bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã kịp thời hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, nhất là đối với các loại sâu bệnh như: sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen Phương Nam...nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
- Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 10 năm 2020 vẫn đang gặp khó khăn. Đàn lợn đang có dấu hiệu dần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởidịch tả lợn Châu Phi nhưng vẫn còn chậm, tổng đàn lợn ước tính hiện có giảm 2,91% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sự sụt giảm của tổng đàn trâu và đàn lợn thì đàn bò và đàn gia cầm tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với tình hình hiện nay đối với ngành chuăn nuôi của Hà Tĩnh khi mà chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn. Bên cạnh dịch bệnh luôn tiềm ẩn thì trước diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt cũng luôn là những khó khăn thách thức đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Vì vậy, các cấp, các ngành cũng như người chăn nuôi luôn phải có các giải pháp thích hợp để chủ động ứng phó với dịch bệnh và thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với đàn vật nuôi.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: tính từ ngày 02-21/10/2020,dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh trên địa bàn 5 xã: xã Quang Lộc và xã Xuân Lộc (huyện Can Lộc); xã Sơn Tây và xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) và xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà). Dịch bệnh đã xẩy ra tại 14 hộ chăn nuôi, thuộc 8 thôn, làm cho 120 con lợn bị bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 110 con, với tổng trọng lượng là 4,5 tấn.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 10/2020, trên địa bàn điều kiện thời tiết có mưa nên sản lượng gỗ khai thác giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc khai thác, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng thì người dân cũng đang tập trung tiến hành trồng cây lâm nghiệp vụ Thu 2020 và ươm, chăm sóc cây giống để trồng vụ Xuân 2021.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 25/9 đến 20/10/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng.
1.3. Thuỷ sản
Hoạt động sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy hải sản trong tháng 10/2020 gặp khó khăn do thời tiết mưa lũ nên sản lượng thủy hải sản khai thác giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng sản lượng sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng vẫn duy trì được mức tăng ổn định trên 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng dịch bệnh không xẩy ra đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 ổn định và dự ước chỉ số phát triển sản xuất tăng hơn so với tháng trước cũng như với cùng kỳ năm trước, với mức tăng tương ứng là 8,68% và 9,3%. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện là những nhân tố có sự ảnh hưởng làm tăng chỉ số chung so với tháng trước. Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng khá so với tháng trước như: sản xuất đồ uống tăng 6,5%; dệt tăng 11,5%; sản xuất trang phục tăng 6,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 8,4%; sản xuất kim loại tăng 9,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 22,1%.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tính chung 10 tháng năm 2020 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có ngành sản xuất và phân phối điện vẫn duy trì được mức tăng khá 19,87%, còn lại 3/4 ngành công nghiệp cấp I đều có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 6%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,69%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2020 có sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: thức ăn cho gia súc giảm 20,15%; bia lon giảm 9,67%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 11,9%; gạch xây dựng giảm 41,07%; bê tông trộn sắn giảm 63,8%; thép giảm 11,3%...Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng: than cốc tăng 19,15%; điện sản xuất tăng 19,82%; điện thương phẩm tăng 9,57%; nước máy tăng 6,57%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 14,89%...
3. Thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý
Năm 2020 là năm cuối thực hiện đầu tư trung hạn giai đoạn 2015-2020 và có nhiều công trình dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành để chào mừng đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 cũng như 10 tháng năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư thực hiện các công trình dự án xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn...Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phát triển là rất lớn nhưng nguồn thu ngân sách và cân đối vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cấp xã. Bắt đầu bước vào mùa mưa lũ nên thời gian tới việc thực hiện các công trình dự án xây dựng cơ bản sẽ gặp khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện vốn đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
4. Thương mại, dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa:nhìn chung, thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn thời gian qua tiếp tục có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng10/2020tăng4,76% so với tháng trước và tăng11,96% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó một số nhóm hàng tăng cao như:hàng may mặctăng 12,65%;xăng, dầu các loạităng 11,5%; hàng hóa khác tăng9,57%; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có đông cơ khác tăng7,65%.
Tính chung10tháng năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tổng mức bán lẻ hàng hóa có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tăng2,77%) và chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng sau: ô tô các loại tăng 58,36%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng25,02%; lương thực, thực phẩm tăng20,15%.
- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác:doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ kháctháng 10 cũng như 10 tháng năm 2020 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Do tính chất thời vụ kèm với bị ảnh hưởng của lũ lụt nên lượt khách đến tham quan, nghỉ mát tại các bãi biển, khu sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn và nhu cầu sử dụng một số dịch vụ khác trong tháng 10/2020 giảm mạnh, đã tác động làm cho doanh thu hoạt động này giảm so với tháng trước.
- Hoạt động vận tải:ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường bị ngập, nên hoạt động lưu chuyển hàng hóa tháng 10/2020 gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm so với tháng trước. Còn vận tải hành khách, trong tháng là thời điểm bước vào năm học mới, nhu cầu đi lại của đối tượng học sinh, sinh viên nhập học tăng. Cùng với đó, tình hình thời tiết chuyển mưa lạnh, nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng cũng tăng, đã làm cho hoạt động vận tải hành khách tháng này tăng hơn so với tháng trước.
Ước tính vận tải hành khách tháng 10/2020 so với tháng trước tăng3,34% về số lượng lượt khách vận chuyển và 3,75% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 4%. Tính chung 10 tháng, giảm 17,71% về số lượng khách vận chuyển và 15,48% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 14,99% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính vận tải hàng hóa tháng 10/2020 so với tháng trước giảm 3,15% về số lượng hàng hóa vận chuyển và 4,13% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 2,9%. Chung 10 tháng, giảm 7,39% về số lượng hàng hóa vận chuyển và 4,94% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 7,04% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10/2020 tăng 4,58% so với tháng trước và 59,39% so với cùng kỳ năm trước. Chung 10 tháng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước.
5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
CPI tháng 10 năm 2020 giảm 0,34% so tháng trước, tăng 3,45% so cùng tháng năm trước và tăng 0,36% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị giảm 0,1% và khu vực nông thôn giảm 0,44%. CPI tháng 10/2020 giảm so với tháng trước là tín hiệu tích cực trong việc bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, chỉ có 3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước (nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình); có 4/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm giao thông và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác) và có 4/11 nhóm hàng hóa ổn định không có sự biến động so với tháng trước (nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục).Một số nguyên nhân chính tác động đến chỉ số CPI tháng 10/2020, đó là:(1) Giá gạo trong nước giảm do ảnh hưởng bởi giá gạo thị trường thế giới giảm; (2) Nguồn cung ổn định hơn nên giá lợn hơi giảm đã làm cho giá các loại thịt lợn thành phẩm giảm; (3)Do yếu tố mùa vụ khi thời tiết dần chuyển lạnh, tác động đến các mặt hàng đồ dùng gia đình, hàng may mặc và điện, nước sinh hoạt.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 1,66% so tháng trước,so cùng tháng năm trước tăng 26,68% và tăng 27,46% so với tháng 12 năm trước.Giá vàng bình quân trên thị trường Hà Tĩnh tháng 10/2020 ở khu vực thành thị là 5,355 triệu đồng/chỉ và ở khu vực nông thôn là 5,304 triệu đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2020 tăng 0,08% so với tháng trước,so cùng tháng năm trước tăng 0,08% vàtăng 0,12% so với tháng 12 năm trước.Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/10/2020 mức giá bán ra là 2.321 nghìn đồng/100USD.
CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2020 tăng 3,98%so với bình quân cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 10 tháng năm 2019, trong đó khu vực thành thị tăng 4,61% và khu vực nông thôn tăng 3,57%. Như vậy, CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2020 vẫn có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (10 tháng 2016 tăng 2,51%; 10 tháng 2017 tăng 3,87%; 10 tháng 2018 tăng 3,87% và 10 tháng 2019 tăng 1,38%). Chỉ có nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông có CPI bình quân 10 tháng giảm so với cùng kỳ, còn lại tất cả các nhóm hàng hóa khác đều tăng. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI bình quân tăng cao so với cùng kỳ là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,62%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép tăng 4,16%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,05%; nhóm giáo dục tăng 3,22%.
Chỉ số CPI tháng 11/2020 dự kiến sẽ tăng trở lại do ảnh hưởng lũ lụt nên nhu cầu đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân sẽ tăng lên.
6. Các vấn đề xã hội
6.1. Tình hình đời sống dân cư
Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra mưa lớn làm ngập lụt trên diện rộng, nhưng nhờ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnhgiúp người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn.Vì vậy, tính đến23/10/2020trên địa bàntỉnhkhông xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.
6.2. Tình hình thiên tai
Tính từ ngày 15/9 đến ngày 23/10/2020,trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 3 đợt thiên tai (đợt 1 vào ngày 17-19/9/2020; đợt 2 vào ngày 07-11/10/2020; đợt 3 vào ngày 16-20/10/2020). Ba đợt thiên tai (đợt 3 số liệu sơ bộ) đã gây thiệt hại làm 7 người chết; 266 nhà ở bị hư hỏng, 1.759 nhà ở bị ngập nước, 1 điểm trường, 12 phòng học, 5 trụ sở cơ quan, 5 cơ sở y tế và 11 công trình văn hóa bị thiệt hại; 18 con trâu, bò, 363 con lợn, 116,2 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 120 ha lúa, 2.104,7 ha cây trồng hàng năm, 2.213 ha cây lâu năm, 8,9 ha diện tích rừng bị đổ, gãy, hư hỏng; 1.149,4 ha diện tích thủy sản bị thiệt hại; 67.430 m chiều dài đường giao thông, 3.240 m chiều dài kênh mương, kè bị sạt lở và hư hỏng; 13 đập bị sạt lở, 98 cầu, cống bị hư hỏng.Ngoài ra một số cột điện, cây cối bị đổ gãy và nhiều thiệt hại khác. Ước tính tổng thiệt hại 1.434,26 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là đợt 3 với giá trị thiệt hại 1.399 tỷ đồng.Sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức khắc phục kịp thời các thiệt hại để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
6.3. Hoạt động Y tế
- Tình hình dịch bệnh:tính đến ngày 15/10/2020, ở Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19; hiệnđang cách ly tập trung 507 người,cách ly tại nhà 11 người.Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.
Ngoài dịch bệnh Covid-19, trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh có 14 trường hợp sốt xuất huyết,6trường hợp viêm gan siêu vi trùng,14trường hợp mắc lỵ trực trùng, 32trường hợp mắc lỵ a míp, 2 trường hợp mắc quai bị,14trường hợp mắc thủy đậu, 5 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệngvà không có trường hợp nào tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS:để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng. Trong tháng, Hà Tĩnh có 5 trường hợp nhiễm HIV (giảm 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 7 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (giảm 4 trường hợp) và 2 trường hợp chết vì AIDS (tăng 2 trường hợp). Tính chung 10 tháng, có 66trường hợp nhiễm HIV, 65 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và có 6 trường hợp chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 105 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm13,22% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng, có943ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 31,96% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn vừa xẩy ra lũ lụt nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và nguồn nước ăn uống cho người dân đang được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.
6.4. Hoạt động văn hóa - thể thao
- Hoạt động văn hóa: trong tháng, chủ yếu tập trungthực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền, xây dựng tin bài, phóng sự đại hội Đảng; tổ chức treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu...vào các ngày tổ chứcĐại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ngoài ra,Hà Tĩnh cũng đã trọng thể tổ chức kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du, nhằm ghi nhớ công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông đối với nền văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa:trong tháng, đãtiến hànhcấp 23 giấy phép,bao gồm01 giấy phép thuộc lĩnh vực di sản; 22 giấy phép thuộc lĩnh vựcvăn hóa cơ sở.
- Hoạt động thể thao:phong trào thể thao quần chúng trong toàn tỉnh được diễn ra thường xuyên và tạo được sức lan tỏa như:giải bóng chuyền nam cán bộ Hội Nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020;Giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng Hà Tĩnh năm 2020;giải bóng chuyền Nam công đoàn cơ sở xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn…
Đối với thể thao thành tích cao, Hà Tĩnh đã giành được 45 huy chương các loại (gồm 23 HCV; 6 HCB; 16 HCĐ), trong đó có một số giải đạt thành tích nổi bật như giải vô địch trẻ Karate giành được 7 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ; giải vô địch điền kinh trẻ các lứa tuổi giành được 12 HCV, 3 HCB, 10 HCĐ.
6.5. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
Tính từ ngày 15/9/2020 đến ngày 14/10/2020,trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 7 người, bị thương 5 người. So với tháng trướcgiảm9vụ tai nạn đường bộ,giảm7 người chết vàgiảm2 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 2vụ tai nạn đường bộ, giảm 7 người chết vàgiảm6người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.
Như vây, tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/10/2020,trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 120 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 108 người và bị thương 49 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 18 vụ tai nạn đường bộ, giảm 2 vụ tai nạn đường sắt, tăng 11 người chết và giảm 13 người bị thương.
6.6. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: tính từ ngày 16/9/2020 đến ngày 15/10/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 8 vụ cháy,với tổng giá trị thiệt hại ước tính 450 triệu đồng, so với cùng kỳ năm 2019 tăng4vụ cháy. Tính chung 10 tháng năm 2020,xẩy ra 61 vụ cháy, làm7người chết và4người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 8,24 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019 giảm10vụ cháy và 5 vụ nổ, tăng5người chết và giảm4người bị thương.Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.
- Công tác bảo vệ môi trường:tính từ ngày 16/9/2020 đến ngày 15/10/2020, đã phát hiện 5 vụ và xử lý4vụ vi phạm môi trường (bằng cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là36,5triệu đồng. Tính chung 10 tháng năm 2020, đã phát hiện 33 vụ và xử lý 31 vụ vi phạm môi trường (giảm 62 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt215triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép./.