Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN) Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng chỉ ra một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến sản phẩm sữa...
Ngày 22/12, tại Trung tâm thương mại Hà Nội-Moskva (Incentra), Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt-Nga trong bối cảnh mới" theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại diện bộ ban ngành của Nga, các trung tâm nghiên cứu, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, tài chính-ngân hàng, Hội đồng Doanh nghiệp Nga-Việt, Hội hữu nghị Nga-Việt; đại diện một số địa phương của Nga, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga,...
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Đức Mạnh vui mừng thông báo kết quả tích cực của hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Nga trong năm 2020 bất chấp tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng 2020 đạt mức hơn 4 tỷ USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Đại sứ cho rằng, bước sang năm 2021, Việt Nam và Liên bang Nga bắt đầu bước vào một giai đoạn hợp tác mới sau 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì, tạo thêm được động lực cho sự phát triển của thương mại song phương, kết hợp chặt chẽ những thế mạnh của hai bên để tạo ra lợi ích lớn hơn nữa, góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng chỉ ra một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến sản phẩm sữa, hình thành các chuỗi giá trị mới trong hợp tác nghề cá, công nghệ cao và thông tin…
Đánh giá về tác động từ việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với hợp tác kinh tế thương mại Nga-Việt, Tiến sỹ Irina Korgun - lãnh đạo Trung tâm Chiến lược Nga ở châu Á thuộc Viện Kinh tế (RAN), cho rằng đây chính là cơ hội mà Nga có thể tranh thủ, tận dụng để đẩy mạnh xúc tiến và cung cấp hàng hóa cho thị trường châu Á thông qua việc thành lập các liên doanh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, cũng như thực hiện chiến lược gia tăng hiện diện ở châu Á.
Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp hợp tác với châu Á, ông Vitaly Mankevich, cho rằng hợp tác kinh tế thương mại là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam.
Những năm gần đây, nhờ việc ký kết FTA giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam, nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước đã được mở ra, góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức hơn 6 tỷ USD trong năm 2018.
Ông Vitaly Mankevich cho biết Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp hợp tác với châu Á sẵn sàng hỗ trợ, kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Nga và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và giải pháp công nghệ thông tin.
Lãnh đạo Trung tâm kinh doanh của Hội Hữu nghị Nga-Việt, bà Regina Budarina cho rằng yếu tố hạn chế chính của xuất nhập khẩu Nga-Việt là vấn đề hậu cần và khả năng cạnh tranh thấp của doanh nghiệp Nga.
Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần của Nga tại Việt Nam, bao gồm cả cảng trung chuyển và kho bảo quản lạnh. Bà Regina Budarina đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của trung tâm trong việc kết nối các doanh nghiệp hai nước thông qua nền tảng trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Về triển vọng hợp tác với Việt Nam, ông Igor Tsybin - Giám đốc Điều hành Hội đồng doanh nghiệp Nga-Việt, đánh giá cao tiềm năng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Theo ông Tsybin, với việc tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 và nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nga, với những lợi thế như môi trường chính trị ổn định, thị trường lớn, giá điện và chi phí nhân công thấp, tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức dưới 4%, độ mở của nền kinh tế cao...
Với 11 tham luận được trình bày, Hội thảo là diễn đàn tốt để các bên tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, xác định rõ những thời cơ, thách thức có thể tác động đến hợp tác kinh tế thương mại hai nước thời gian tới, qua đó đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị về mô hình, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt-Nga trong bối cảnh mới./.