Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/12/2020-16:44:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020 của tỉnh Hà Nam

CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm chỉ số giá tăng, một số nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,02%; giáo dục tăng 4,41%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,51%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,87%... Có 2 nhóm chỉ số giá tiêu dùng giảm là: giao thông giảm 11,30%; bưu chính viễn thông giảm 0,18% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp tháng 11 năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: hoàn thành thu hoạch lúa và hoa màu vụ mùa năm 2020; tập trung chỉ đạo công tác gieo trồng một số loại cây vụ đông muộn và ưa lạnh chủ yếu các loại rau cung cấp cho tiêu dùng dân cư; đồng thời kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích cây vụ đông; tiếp tục phát triển sản xuất nấm ăn; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết giao mùa.

- Tiến độ gieo trồng vụ đông 2020 - 2021

Tính đến ngày 15/11/2020, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn tỉnh là 10.383 ha, đạt 99,2% kế hoạch. Trong đó: ngô đạt 2.190 ha; đậu tương 485,4 ha; khoai lang 134 ha; lạc 76 ha; bí xanh 537 ha; bí đỏ 1.260 ha; dưa chuột 664 ha; rau đậu các loại 2.598 ha… Một số diện tích không trồng cây vụ đông được cày lật đất, để ải phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021.

- Tình hình dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng vụ đông

Xuất hiện trên một số diện tích gieo trồng ngô, dưa chuột, bầu bí chủ yếu là sâu keo mùa thu, sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, rệp, bệnh đốm lá, bệnh virus khảm lá, bệnh giả sương mai, héo xanh, chuột hại… đã được phát hiện, xử lý và phun trừ kịp thời, hiệu quả.

- Tình hình chăn nuôi

Tháng 11, đàn trâu bò và gia cầm của tỉnh tiếp tục phát triển tốt, dịch bệnh không phát sinh, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định là những yếu tố thuận lợi tạo tâm lý yên tâm cho người chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu cuối năm. Trái lại, chăn nuôi lợn phải đối mặt khó khăn bởi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại và dịch lợn tai xanh (PRRS)[1], giá thịt lợn hơi hiện tại dao động từ 60 - 65 nghìn đồng/kg.

Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh so cùng kỳ do có cơ chế hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bò sữa về vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình xây dựng chuồng trại, chăm sóc, khai thác sữa, mua giống bò sữa, sản phẩm đầu ra được cam kết thu mua với giá ổn định..., đàn bò sữa hiện có 4.140 con, tăng 17,1% (+604 con).

Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trong tháng tiếp tục được tăng cường. Ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh khử trùng, tiêu độc cho các trại chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh; duy trì hoạt động của chốt chống dịch để kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào ổ dịch.

b. Lâm nghiệp

Thời tiết thuận lợi, các cây lâm nghiệp, cây trồng nhân dân sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng vẫn tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch từ đầu năm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, chống khai thác chặt phá rừng bừa bãi được ngành kiểm lâm tăng cường thường xuyên.

c. Thủy sản

Sản xuất thuỷ sản trong tháng 11 tiếp tục phát triển do các hộ nuôi trồng đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất nuôi trồng. Nuôi cá lồng bè trên sông Hồng đang phát triển và đạt năng suất cao so với nuôi trong ao, hồ; bình quân khoảng 100 m3/lồng, năng suất khoảng 5 tấn/lồng. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 570 lồng bè, chủ yếu ở huyện Duy Tiên và Lý Nhân.

2. Công nghiệp

Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục đà phục hồi[2], đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 3,2% so với tháng trước, tăng 2,2% so với cùng tháng năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 3,1%; chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,1%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,0%, đóng góp 4,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,0%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của ngành công nghiệp: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (xi măng, bê tông…) tăng 11,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,0%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 7,6%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: sản xuất đồ uống giảm 13,1%; dệt giảm 11,4%; sản xuất trang phục giảm 2,0%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 2,0%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: xi măng tăng 13,5%; thức ăn chăn nuôi tăng 13,3%; sữa các loại tăng 8,8%; xe gắn máy tăng 7,6%...

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 12/11/2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới năm 2020 là 597 doanh nghiệp (tăng 38 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019) với tổng vốn đăng ký 11.280,4 tỷ đồng; có 243 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 52 doanh nghiệp giải thể.

4. Đầu tư, xây dựng

Nhìn chung tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện tháng 11/2020 ước đạt 216,7 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 91,7% so với cùng tháng năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt1.988,8 tỷ đồng, tăng 57,3% so với cùng kỳ và bằng 90,2% kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh quản lý 1.341,5 tỷ đồng, tăng 119,0% và bằng 90,0%; cấp huyện quản lý 320,8 tỷ đồng, giảm 30,9% và bằng 90,4%; cấp xã quản lý 326,5 tỷ đồng, tăng 74,6% và bằng 90,7%.

Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 30/10/2020, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý lũy kế đạt 1.892,5 tỷ đồng. Trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang 187,3 tỷ đồng; thanh toán vốn kế hoạch năm 2020 là 1.705,4 tỷ đồng. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.

Tình hình thu hút đầu tư: theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 25/10/2020, toàn tỉnh thu hút 66 dự án (27 dự án FDI, 39 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký 523,7 triệu USD và 17.307,8 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh tăng 44 dự án (26 dự án FDI, 12 dự án trong nước) với tổng vốn điều chỉnh tăng 213,3 triệu USD và 1.319,5 tỷ đồng; thực hiện thu hồi 01 dự án FDI với tổng vốn 45 triệu USD.

5. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 đạt 2.049.7 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng tháng năm 2019. Hầu hết các nhóm hàng trong tháng đều có mức tăng khá so với cùng tháng năm trước, cụ thể: đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 40,2%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 27,5%; hàng hóa khác tăng 12,8%; hàng may mặc tăng 12,2%; phương tiện đi lại tăng 12,1%; xăng, dầu các loại tăng 11,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 11,3%; lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; nhiên liệu khác tăng 6,7%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,6%. Trong tháng có 02 nhóm hàng hóa giảm là: ô tô các loại giảm 25,9%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 3,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 20.935,3 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. Một số nhóm ngành có mức tăng cao: lương thực, thực phẩm đạt 6.501,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,1%, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 4.726,2 tỷ đồng, chiếm 22,6%, tăng 2,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 2.451,7 tỷ đồng, chiếm 11,7%, tăng 7,0% ...

Công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam 11 tháng năm 2020 luôn được quan tâm. Cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định pháp luật về giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm đối với trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng và đường phố nhằm đảm bảo sức khỏe của nhân dân.

b. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 11/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 183,7 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu lữ hành đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 7,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 222,7 tỷ đồng, tăng 5,0%. Tính chung 11 tháng năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.785,6 tỷ đồng, giảm 7,0% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó dịch vụ lưu trú đạt 86,4 tỷ đồng, giảm 9,5%; dịch vụ ăn uống đạt 1.699,3 tỷ đồng, giảm 6,9%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 20,2 tỷ đồng, giảm 19,5%; dịch vụ khác đạt 2.282,9 tỷ đồng, tăng 3,6%.

Tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ tháng 11/2020 tăng 1,8% so với cùng tháng năm 2019; ngày khách phục vụ tăng 2,1%; lượt khách du lịch theo tour giảm 7,6%; ngày khách du lịch theo tour giảm 7,5%. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 432,5 nghìn lượt khách, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019; ngày khách phục vụ đạt 394,9 nghìn ngày khách, giảm 9,7%; lượt khách du lịch theo tour đạt 17,9 nghìn lượt khách, giảm 20,3%; ngày khách du lịch theo tour đạt 41 nghìn ngày khách, giảm 19,5%.

c. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm 0,49% so với tháng trước. Trong mức giảm chung của CPI tháng 11, có 3/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng giảm, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm sâu nhất với 1,56% do nguồn cung gia súc, gia cầm dồi dào, cùng với việc Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ Thái Lan đã tác động mạnh đến giá nhóm thực phẩm trong tháng (giá thịt lợn bình quân tháng 11 giảm 7,2%, thịt gà giảm 5,94%..); giao thông giảm 0,63% do việc điều chỉnh giảm liên tiếp của giá nhiên liệu; đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%. Có 5/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng gồm: hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,60%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,33%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,10%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%. Có 3/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng ổn định, gồm: thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục.

CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm chỉ số giá tăng, một số nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,02%; giáo dục tăng 4,41%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,51%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,87%... Có 2 nhóm chỉ số giá tiêu dùng giảm là: giao thông giảm 11,30%; bưu chính viễn thông giảm 0,18% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: chỉ số giá vàng tăng 0,21% so với tháng trước, giá đô la Mỹ giảm 0,04%. Bình quân cùng kỳ, chỉ số giá vàng tăng 26,58%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,19%.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: vận chuyển hành khách tháng 11/2020 ước đạt 604,1 nghìn HK, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hành khách đạt 41,4 triệu HK.km, giảm 5,5%. Tính chung 11 tháng năm 2020, ước tính vận chuyển hành khách giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hành khách giảm 10,2%.

Vận tải hàng hóa: vận chuyển hàng hóa tháng 11/2020 ước đạt 3,5 triệu tấn, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hàng hóa đạt 151,6 triệu tấn.km, giảm 11,3%. Lũy kế 11 tháng năm 2020, vận chuyển hàng hóa giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hàng hóa giảm 6,0%. Trong đó: vận chuyển hàng hóa đường bộ giảm 7,8%, vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa giảm 30,3%; luân chuyển hàng hóa đường bộ giảm 5,9%, luân chuyển hàng hóa đường thủy nội địa giảm 7,9%.

Doanh thu vận tải kho bãi tháng 11/2020 đạt 361,9 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Cộng dồn 11 tháng, doanh thu vận tải kho bãi đạt 3.556,2 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: doanh thu vận tải hành khách giảm 6,7%, doanh thu vận tải hàng hóa giảm 7,0%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2019.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

a. Thu Ngân sách Nhà nước

Trong 11 tháng năm 2020, tiến độ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nam đạt khá. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế 11 thángước tính đạt 9.242,2 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 99,7% dự toán địa phương, trong đó thu nội địa 7.650,4 tỷ đồng, tăng 8,4% và bằng 101,0%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu1.591,8 tỷ đồng, giảm 6,6% và bằng 93,6%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 652,5 tỷ đồng, bằng71,3% dự toán địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.472,6 tỷ đồng, bằng90,0%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước1.235,7 tỷ đồng, bằng83,5%; thu thuế thu nhập cá nhân521,6 tỷ đồng, bằng99,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 356,0 tỷ đồng, bằng 84,8%; các khoản thu về nhà, đất 1.603,6 tỷ đồng, bằng 228,8%.

b. Chi Ngân sách Nhà nước

Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nướctrên địa bàn Hà Nam lũy kế 11 thángước tính đạt7.348,8 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng87,3%dự toán địa phương, trong đó:chi thường xuyên đạt 5.199,0 tỷ đồng, tăng 7,4% và bằng 91,9%;chi đầu tư phát triển1.993,7 tỷ đồng, tăng 41,2% và bằng 138,7%;chi trả nợlãi5,1 tỷ đồng, bằng27,2% dự toán địa phương.

II.MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Hoạt động văn hóa, thể thao và tuyên truyền

Trong tháng 11, các hoạt động thông tin tuyên truyền tập trung truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã dành nhiều trang tin, thời lượng phát sóng về kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020); 74 năm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2020); 63 năm Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo (20/11/1957 - 20/11/2020) và 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020); các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh... nhằm nâng cao nhận thức và huy động sức mạnh cả cộng đồng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các hoạt động thể thao diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: Giải bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Hà Nam lần thứ VII (03/11/2020 - 07/11/2020); giao lưu thể thao chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11... Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Nam lần thứ VI năm 2020 được chính thức khai mạc ngày 09/11/2020, nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

2. Giáo dục

Trong tháng, ngành giáo dục thực hiện công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; hội giảng giáo viên giỏi; các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

3. Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân tháng 11 tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, đạt hiệu quả, điều trị kịp thời cho bệnh nhân; công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm luôn được tăng cường, trong tháng không phát sinh vụ ngộ độc thực phẩm.

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tháng 10 năm 2020: hội chứng cúm 783 ca; sốt xuất huyết 32 ca; tay chân miệng 9 ca; thủy đậu 7 ca; quai bị 5 ca.

Trong tháng 11, số nhiễm HIV mới phát sinh 03 ca; không phát sinh bệnh nhân chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS. Cộng dồn 11 tháng năm 2020 ghi nhận số người phát hiện nhiễm mới HIV là 58 người, số chuyển thành AIDS 36 người, số tử vong do AIDS 7 người.

4. An ninh, trật tự

Theo Báo cáo của Công an tỉnh, tình hình tai nạn giao thông tháng 11 (từ 15/10/2020 đến 14/11/2020): toàn tỉnh xảy ra 12 vụ, hậu quả làm chết 5 người, bị thương 5 người. Tính chung 11 tháng (từ 15/12/2019 đến 14/11/2020), trên địa bàn tỉnh xảy ra 113 vụ tai nạn và va chạm giao thông (giảm 5 vụ so cùng kỳ), làm chết 67 người (giảm 8 người), bị thương 69 người (giảm 3 người).

Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, nổ làm 01 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 150 triệu đồng./.


[1]Tính đến ngày 18/11/2020, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở 07 xã thuộc huyện Lý Nhân và Bình Lục (xã Phú Phúc, xã Trần Hưng Đạo, xã Công Lý, xã Xuân Khê, xã Hợp Lý, xã Đức Lý, xã An Ninh), tiêu hủy 675 con mắc bệnh, với trọng lượng 31.536 kg; tiêu hủy 62 con mắc bệnh tai xanh (PRRS) với trọng lượng 2.171 kg ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân.

[2]So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 giảm 1,8%; tháng 9/2020 tăng 2,0%; tháng 10/2020 tăng 3,2%.

    Tổng số lượt xem: 733
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)