(MPI) - Trình bày Báo cáo về tình hình xây dựng thể chế, pháp luật giai đoạn 2016-2020 và triển khai thi hành Luật Đầu tư năm 2020 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 diễn ra ngày 08/01/2021, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hào Hùng cho biết, trong 05 năm qua, hệ thống thể chế, pháp luật, chính sách trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê tiếp tục được đổi mới căn bản và toàn diện.
|
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hào Hùng tham luận tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xác định là nhiệm trọng tâm, được Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong Chương trình công tác hằng năm. Bộ đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 05 đạo Luật quan trọng, thiết yếu đối với hoạt động đầu tư công và môi trường kinh doanh, gồm Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành hàng loạt Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và xây dựng cơ chế, chính sách cho việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cũng với mục đích đó, Bộ đã tích cực triển khai xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình chuyển đổi số.
Trong công tác xây dựng thể chế cho hội nhập, Bộ đã chủ trì đàm phán và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu; Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Các văn bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo đều thể hiện vai trò tiên phong của Bộ trong việc chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu trong việc đổi mới phương thức xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét hợp nhất 11 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để xây dựng, trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định quy định chi tiết các Luật này.
Về những nội dung mới của Luật Đầu tư năm 2020, Vụ trưởng Trần Hào Hùng cho biết, Luật đã phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, ngoài việc cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bất hợp lý, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và hoàn thiện một số quy định để bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh, Luật đã bổ sung quy định về công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài và tuân thủ cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các FTA thế hệ mới.
Về ưu đãi, bảo đảm và hỗ trợ đầu tư, Luật đã bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư mới nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án đổi mới sáng tạo, dự án sử dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành... Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về ngành, nghề ưu đãi, bảo đảm và hỗ trợ đầu tư để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo định hướng tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Về hình thức đầu tư, bên cạnh các hình thức đầu tư đang được áp dụng trong thời gian qua, Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm bảo đảm thích ứng với các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tục dự án đầu tư, Luật đã hoàn thiện một số nội dung theo hướng: Một là, phân định rõ nguyên tắc và điều kiện áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư; đồng thời xác định rõ trình tự, nguyên tắc thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hai là, áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận đầu tư đối với các dự án này.
Ba là, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án sân gôn, dự án có quy mô vốn 5 nghìn tỷ đồng trở lên và không áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Bốn là, bổ sung trình tự, thủ tục để bảo đảm tính khả thi và thực hiện hiệu quả các quy định mới về mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư (như quyền chia, tách, sáp nhập, chuyển nhượng, điều chỉnh dự án...).
Năm là, sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư ra nước ngoài nhằm hoàn thiện khung pháp lý minh bạch, thống nhất, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, Luật đã hoàn thiện các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh, quốc phòng; góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế và xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ…
Để đảm bảo thực hiện Luật Đầu tư năm 2020 từ ngày 01/01/2021, trong thời gian các Nghị định quy định chi tiết và Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 8909 /BKHĐT-PC ngày 31/12/2020 hướng dẫn tạm thời triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật, trong đó đã trích dẫn nội dung quy định về cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư..., đồng thời hướng dẫn nguyên tắc xử lý hồ sơ dự án được tiếp nhận trước và sau ngày 01/01/2021 phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 mà đã quá thời hạn giải quyết nhưng chưa trả kết quả theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Hồ sơ hợp lệ được xác định theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Đối với hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính sau ngày 01/01/2021, Cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư nộp bổ sung các giấy tờ còn thiếu (nếu có) hoặc điều chỉnh các nội dung trong hồ sơ đã nộp cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2020 để thực hiện thủ tục theo quy định của Luật này./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư