Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/01/2021-16:54:00 PM
Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quản lý đầu tư PPP trong thời gian tới
(MPI) – Ngày 08/01/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo về tình hình ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguyễn Đăng Trương trình bày Báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đây là lần đầu tiên khung pháp lý về đầu tư PPP được thiết kế ở cấp cao nhất, tạo cơ sở pháp lý cao, vững chắc cho việc thực thi các dự án PPP trong thời gian tới.

Trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, tổng kết từ thực tiễn, đồng thời bổ sung một số nội dung mới theo thông lệ quốc tế, Luật PPP có một số điểm mới nổi bật là (1) Khu biệt lĩnh vực đầu tư (khoản 1 Điều 4 - 5 lĩnh vực), quy định tổng mức đầu tư tối thiểu (khoản 2 Điều 4) để đầu tư theo PPP nhằm tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực thiết yếu, có tính lan tỏa; (2) Lần đầu tích hợp khâu lựa chọn nhà đầu tư (Chương III) thống nhất, xâu chuỗi một quy trình thực hiện dự án PPP tổng thể tại một văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi trong thực thi; (3) Xác định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đối với từng loại dự án (khoản 3 Điều 4); từ đó thiết kế Hội đồng thẩm định rõ ràng, gắn vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng thẩm định với nội dung thẩm định trong phạm vi theo từng chuyên môn ngành, lĩnh vực (Điều 6); (4) Tuyên bố rõ cam kết từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân thông qua các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư như bảo đảm cân đối ngoại tệ (Điều 81), cơ chế chia sẻ phần tăng giảm, doanh thu (Điều 82). Trong đó, Luật quy định cơ chế chia sẻ với tỷ lệ công bằng 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm; (5) Thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới (khoản 5 Điều 101). Theo đó, nội dung chuyển tiếp cho các dự án đã và đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

Ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 30/11/2020, hồ sơ dự thảo Nghị định đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, Dự thảo Nghị định tập trung hướng dẫn các nội dung được giao tại Luật PPP và một số biện pháp thi hành, gồm: (1) lĩnh vực và quy mô đầu tư; (2) cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định dự án PPP; (3) khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư; (4) quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua đàm phán cạnh tranh; (5) các nội dung chuyển tiếp của Luật PPP; (6) xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng dự án PPP; (7) chấm dứt hợp đồng dự án PPP đúng thời hạn hoặc trước thời hạn; (8) xử lý vi phạm trong đầu tư PPP. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định thiết kế một số mẫu lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; hướng dẫn lập mẫu hợp đồng mẫu đối với các dự án PPP.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư PPP, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương đã lưu ý một số nội dung cần quan tâm khi triển khai. Cụ thể, về mặt luật pháp, Luật PPP đã có chủ trương dừng triển khai các dự án BT mới. Theo đó, đề nghị Bộ, ngành và địa phương lưu ý xử lý dứt điểm các dự án BT đang thực hiện ở bước phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP.

Triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP theo quy định thống nhất tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP để đảm bảo tính xuyên suốt của quy trình thực hiện dự án PPP.

Luật PPP đã có quy định về việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP sẽ có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, Bộ, ngành và địa phương cần lưu ý việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu phải được quyết định từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP; cùng với việc dự kiến nguồn lực để thực hiện việc chia sẻ giảm doanh thu bảo đảm tính khả thi của các hợp đồng PPP được ký kết.

Về mặt thực thi, năm 2021 là năm bản lề quan trọng trong việc hoạch định và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, Bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu đầu tư, nguồn lực từ ngân sách có thể huy động; từ đó xác định rõ được phần thiếu hụt và cần huy động từ khu vực tư nhân.

Từ việc xác định rõ nhu cầu đầu tư, cần lựa chọn được dự án mới để đầu tư PPP một cách bàn bản. Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế “xin cho” sang cơ chế “phục vụ”. Lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ động trong bố trí nguồn lực, nhân lực để tham gia triển khai đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm các cam kết của phía Nhà nước tại Hợp đồng dự án trong việc thực thi thanh toán cho các dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BTL, BLT, hoặc thực hiện chia sẻ rủi ro.

Tăng cường công khai minh bạch thông tin các dự án PPP đã, đang và sẽ thực hiện; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút sự quan tâm của thị trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid tại các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp; Bộ, ngành và địa phương cần triển khai các phương thức mới và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp trong việc hoàn thiện khung thể chế, sự quan tâm, đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi cũng rất quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quản lý đầu tư PPP trong thời gian tới./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1466
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)