(MPI) – Ngày 15/01/2021, dưới sự tài trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững. Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh chủ trì Hội thảo.
|
TS. Trần Thị Hồng Minh chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho biết, năm 2020 khép lại với việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. GDP của Việt Nam tăng 2,91%, là mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về xuất khẩu, kiểm soát lạm phát, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác đạt được những doanh số rất tích cực. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp
Bà Trần Thị Hồng Minh đưa ra những đánh giá về triển vọng năm 2021 và cho biết, Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 đưa ra những giải pháp căn cơ trong năm 2021 và cả giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Để phát triển và tăng tốc, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam phải đổi mới về thể chế, đổi mới cơ cấu nền kinh tế, ứng dụng đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo động lực cho đà phát triển trong giai đoạn tới; …
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM trình bày về cải cách, hội nhập và phát triển bền vững; đồng thời đưa ra các đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020; dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Các chuyên gia đã tập trung thảo luận về cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2020; cập nhật đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô cho năm 2021. Đồng thời, phân tích sâu, dựa trên bằng chứng định tính và định lượng về một số vấn đề kinh tế nổi bật hiện nay; kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế (bao gồm cả thể chế kinh tế) cũng như giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2021./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư