(MPI) - Với quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác tham mưu tổng hợp, tại Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 07/01/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ trưởng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là Thủ trưởng các đơn vị tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, quyết liệt chỉ đạo và thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn MPI |
Theo đó, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.
Phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai chương trình, kế hoạch công tác phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chuẩn bị sẵn sàng nội dung để trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội ngay sau khi được thông qua để triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021, trong đó, cần tập trung vào các đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Xây dựng, hoàn thiện ngay các báo cáo về: Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng.
Nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.
Tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua. Tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án của Bộ quản lý; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thẩm định các dự án lớn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết kiến nghị cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Thực hiện tốt chủ trương huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong dịp Lễ, Tết; thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Phối hợp, triển khai tốt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics; thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Phối hợp hiệu quả với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách để sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, các mô hình đổi mới sáng tạo. Phối hợp xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, có quy mô phù hợp, hiệu quả. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác thị trường nội địa và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, triển khai chế độ báo cáo, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến. Khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Đẩy nhanh việc lập và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Triển khai Đề án cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; chú trọng bồi dưỡng công chức theo các ngạch, bậc, tiêu chuẩn chức danh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành qua mạng ở tất cả các đơn vị thuộc Bộ; vận hành mạnh mẽ Trung tâm Điều hành thông minh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước, trọng tâm là bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiết kiệm chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tổng hợp, nghiên cứu, trả lời đầy đủ, chất lượng các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Tham gia triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ.
Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị này, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao vào chương trình, kế hoạch công tác năm 2021 của đơn vị và tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các đề án, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị, phân công cụ thê cán bộ chịu trách nhiệm chính và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, yêu cầu đề ra./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư