Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/01/2021-12:16:00 PM
Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: phục hồi và tăng tốc (Xem tin ảnh)
(MPI) - Đây là chủ đề của Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 20/01/2021 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen.

Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu đang trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19 đã gây ra. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 và cho đến nay nhiều nước vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với dịch bệnh. Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009. Trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc.

Như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành. Dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế vĩ mô mà còn gây ảnh hưởng, khó khăn đến các doanh nghiệp và hộ gia đình trong hầu hết các lĩnh vực.

Qua hai đợt khảo sát do Tổng cục Thống kê thực hiện vào tháng 4 và tháng 9/2020 cho thấy, với trên 130 nghìn doanh nghiệp được khảo sát thì có trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm.

Mặc dù vậy, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kết quả thảo luận và những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất, tham mưu để ban hành các chính sách kinh tế cần thiết trong giai đoạn tới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 chỉ là một sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn các động lực tăng trưởng; Những động lực chính và những yếu tố mới trong nước và quốc tế đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam; Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chú ý thực hiện những giải pháp nào để có thể phục hồi nền kinh tế và bứt phá trong thời gian tới.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt NamCaitlin Wiesen phát biểu. Ảnh: MPI

Theo bà Caitlin Wiesen, thành công của Việt Nam trong việc đạt được mức phát triển con người cao và mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế đáng kể là nhờ sự lãnh đạo nhanh nhạy, tiên đoán, huy động nỗ lực, tinh thần đổi mới của người dân và quyết tâm tập trung vào phát triển lấy con người làm trung tâm.

Bà Caitlin Wiesen đề xuất các hành động chính để có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 và không để lại ai phía sau, thông qua việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất và thu nhập; hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng; phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững; tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của người dân và các tổ chức ở Việt Nam.

Hội thảo được nghe các bài trình bày về tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và vai trò của Chính phủ trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội thảo diễn ra phiên thảo luận về các tác động của dịch Covid-19 và giải pháp phục hồi nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của các chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tổ chức quốc tế. Hội thảo cũng được nghe những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến tác động của dịch Covid-19 cũng như triển vọng phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Phiên thảo luận: Các giải pháp phục hồi và tăng trưởng cho Việt Nam. Ảnh: MPI

Hội thảo nhận được những thông tin và phân tích các xu hướng kinh tế; xu hướng trên toàn cầu và quốc gia, các cơ hội và thách thức mới cũng như hàm ý đối với chính sách của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, trình các cấp thẩm quyền xem xét và đề xuất chính sách, giải pháp cụ thể để điều hành nền kinh tế./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2920
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)