Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/01/2021-16:52:00 PM
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phương hướng phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
(MPI) – Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình thẩm định, phê duyệt, ngày 21/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nội dung của Dự thảo dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê Công, là một trong những đồng bằng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km2 (chiếm 12% diện tích cả nước). Đây là vùng có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi - kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau.

Với tiềm năng, lợi thế, cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong thời gian qua, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy là một trong số các đồng bằng trù phú nhưng chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong Vùng, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và thậm chí ngày càng gia tăng trong tương lai…

Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ đã phối hợp với Tư vấn tiến hành phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển Vùng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế và gần đây nhất là Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại thành phố Cần Thơ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, sau khi gửi xin ý kiến, Bộ đã nhận được ý kiến của 13 tỉnh trong Vùng và ý kiến của một số bộ, ngành.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn, qua buổi làm việc tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là các nội dung về phương hướng phát triển ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó có các trung tâm đầu mối về doanh nghiệp và các phương hướng về phân vùng; phát triển nông thôn; phát triển hạ tầng thủy lợi; phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai; phát triển lâm nghiệp; bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong quá trình xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham gia ý kiến. Đồng thời cho rằng, trong quá trình tham vấn ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện Dự thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn tham gia ý kiến trên tinh thần xây dựng, trên cơ sở đó Bộ sẽ tổng hợp bằng văn bản để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn HaskoningDHV đã trình bày Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phương hướng phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến hiện trạng phát triển ngành nông nghiệp; Các quy hoạch trong ngành nông nghiệp hiện nay; Quan điểm, mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng; phương hướng, tổ chức không gian phát triển ngành nông nghiệp; Danh mục các dự án đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL trở thành bản quy hoạch vùng điển hình, mẫu mực từ đó rút kinh nghiệm cho việc xây dựng các quy hoạch vùng còn lại theo quy định. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu, cập nhật và hoàn thiện Dự thảo./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1042
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)