Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/12/2020-14:13:00 PM
Xây dựng mô hình hợp tác xã trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường
(MPI) – Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng phát triển hợp tác xã trong hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 11/12/2020, các bộ, ngành, các hợp tác xã đã trình bày các bài tham luận, phát biểu, trao đổi, tập trung vào các vấn đề liên quan đến những cơ hội, thách thức, các vấn đề mới trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nước ta nói riêng và thế giới nói chung.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Thúc đẩy phát triển hợp tác xã trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế

Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX); là dịp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên minh HTX nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác - HTX. Từ đó, đề xuất những hướng phát triển mới hơn cho khu vực kinh tế hợp tác trong tương lai.

Đồng thời, cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các HTX, liên hiệp HTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Diễn đàn được nghe các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, HTX, tập trung vào 2 nhóm chủ đề: “Xây dựng và phát triển HTX trong thời kỳ 4.0” và “Liên kết, hợp tác cùng phát triển”. Đồng thời, đưa ra các đề xuất để tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, các HTX… góp phần thúc đẩy phát triển HTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Tại Diễn đàn, một số giải pháp trọng tâm cho thập kỷ tới đã được đưa ra thảo luận như tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX; Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX và Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.

Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX và tổ hợp tác có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh, KTTT, nòng cốt là HTX và tổ hợp tác, là một thành phần kinh tế, có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Mô hình này được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.

Năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010-2020, KTTT, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Ước tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có hơn 26 nghìn HTX, 100 Liên hiệp HTX và gần 120 nghìn tổ hợp tác, thu hút 7,7 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động.

Khu vực KTTT, HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình KTTT có hiệu quả.

Các HTX phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, đã phát triển được một số HTX trên một số ngành, nghề, lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, môi trường, khoa học, công nghệ. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng lên. Ngày càng nhiều cán bộ HTX trẻ, có trình độ, tâm huyết, giàu kinh nghiệm, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng với thị trường cạnh tranh.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung khu vực KTTT, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.

Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước xác định KTTT là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng. Thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mới đây nhất là Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 cũng như dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 tiếp tục khẳng định quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Phát triển bền vững kinh tế hợp tác, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Để phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần xác định rõ KTTT, mà nòng cốt là HTX và tổ hợp tác là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Phát triển KTTT nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền.

Cùng với đó, phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Phát triển KTTT phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đặc biệt, phải xác định rõ mục tiêu tổng quát là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Trên cơ sở các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị nghị các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khuyến khích hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới; xác định rõ phát triển KTTT, HTX là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. HTX chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển KTTT, HTX không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển.

Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến KTTT, HTX. Theo đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích mở rộng quy mô (số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia…). Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Bảo hiểm xã hội,…) kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển HTX quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.

Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX. Rà soát, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hoạt động để tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT, HTX.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX. Thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức KTTT.

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10 nghìn tổ chức KTTT, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3 nghìn mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Với những tín hiệu mới đang tác động lớn tới phong trào HTX, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng rằng, trong thời gian tới kinh tế hợp tác ở nước ta sẽ phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 554
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)