(MPI) – Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020, ngày 10/12/2020, Thanh tra Bộ phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc kê khai bản kê khai tài sản, thu nhập cho công chức, viên chức thuộc Bộ. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc Bộ.
|
Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: MPI |
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật nêu rõ các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), Luật quy định gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Luật quy định gồm: Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Tại Chương trình tập huấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh đã giới thiệu một số nội dung của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và cho biết, Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, quy định rõ Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Nghị định quy định nguyên tắc kiểm soát tài sản, thu nhập: Hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật; Nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và Kết luận xác minh được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.
Người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, gồm các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các loại tài sản phải kê khai; Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hằng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó.
Tại Chương trình tập huấn, các đại biểu được nghe giới thiệu những quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng; nội dung của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; việc kê khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Bộ; giải đáp những thắc mắc về các quy định tại Nghị định cũng như một số tình huống thực tế trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Trên cơ sở kết quả của buổi tập huấn, các cán bộ tham dự có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập của đơn vị. Việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để đối chiếu, kiểm tra, thực hiện xác minh, kê khai theo quy định của Luật. Hằng năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, xác minh kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư