Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2020-22:36:00 PM
Thúc đẩy mô hình hợp tác xã hỗ trợ nông dân Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Bên lề Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020, ngày 10/12/2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tổ chức Hội thảo với chủ đề Thúc đẩy mô hình hợp tác xã (HTX) hỗ trợ nông dân Việt Nam phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Nguyễn Văn Đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hộ gia đình và cá nhân sẽ gặp khó khăn lớn trong việc sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường và cạnh tranh với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác. Người tiêu dùng cũng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Ngoài ra, giá nông sản thô ngày càng biến động, thị trường có nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Là quốc gia có đóng góp tích cực của lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 20% trong GDP, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất. Với những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian qua đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm thiệt thòi nhất như nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa và dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Trước những bối cảnh nêu trên, người nông dân Việt Nam khó có thể đối phó được với những cạnh tranh khốc liệt trong kỷ nguyên mới nếu không có sự hợp tác và liên kết thông qua các HTX và các nhóm tập thể. Giải pháp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, kết hợp tổ chức lại sản xuất, tăng cường hợp tác là rất cần thiết. Việc hợp tác trong sản xuất nông nghiệp sẽ giảm rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và biến động thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, mô hình HTX với lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên và hoạt động hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới đã trở thành sức mạnh với cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời rất phù hợp để giải quyết các vấn đề hạn chế trong việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân. Thông qua HTX, các thành viên tức là người nông dân sẽ thay đổi nhận thức, có tinh thần hợp tác tương trợ lẫn nhau, được cung ứng nguyên vật liệu đầu vào với giá thấp, có chất lượng tốt, đồng thời được hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, công nghệ sản xuất; được hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm, đầu ra một cách hiệu quả.

Sự phát triển của HTX có ý nghĩa đối với nền kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự, an ninh. Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo và ổn định cuộc sống của các thành viên.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Trình bày Chiến lược phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Mai Thị Thu Hường cho biết, các HTX nông nghiệp có vai trò rất lớn đối với cộng đồng nông thôn thông qua việc tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội như cung ứng dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm thường xuyên hơn đối với lao động nông thôn. Thông qua HTX nông nghiệp mà các thành viên có thể tương trợ cho nhau, cùng được hưởng những quyền lợi từ HTX nông nghiệp với tư cách là chủ sở hữu và người sử dụng dịch vụ của HTX.

Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp vào phát triển kinh tế của địa phương tăng liên tục qua các năm, tổng GDP năm 2011 là 1,954%, năm 2020 là 3,33%; thông qua phát triển kinh tế tập thể, HTX đã giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa hoạt động, giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình tham gia. HTX đã giải quyết những vấn đề tập thể mà những nông dân nhỏ lẻ khó thực hiện được như liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm ngành hàng ở địa phương.

Quan điểm chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 là phát triển HTX mà nòng cốt là HTX trong nông nghiệp trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cần đặc biệt được coi trọng đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn. Phát triển HTX trong nông nghiệp có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự xã hội, nhất là ở nông thôn.

Tăng cường công tác đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước đối với phát triển HTX trong nông nghiệp; huy động lực lượng xã hội và nguồn lực trong và ngoài nước tham gia thúc đẩy phát triển HTX trong nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát triển HTX trong nông nghiệp nhanh và bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.

Cùng với đó, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp phát triển có hiệu quả; góp phần hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều Nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các bài trình bày về những khó khăn mà HTX nông nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thích ứng với biến đổi khí hậu; khó khăn và giải pháp cho các HTX mới thành lập tại một số địa phương; chính sách hỗ trợ HTX của Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu là đại diện cho HTX, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tập trung thảo luận, chia sẻ về khó khăn, thách thức đối với HTX; kinh nghiệm xây dựng, phát triển, tiêu thụ sản phẩm của HTX.

Hội thảo Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn cho hợp tác xã. Ảnh: MPI

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX, chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên Đoàn HTX Reiffeisen tổ chức Hội thảo Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn cho HTX. Hội thảo tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách thuế đối với HTX, các định hướng và giải pháp phát triển quỹ hỗ trợ phát triển HTX; cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; Nhu cầu vốn của HTX và tiếp cận tín dụng đối với HTX;…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2697
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)