1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
+ Trồng trọt:
FGieo trồng vụ hè thu: tính đến ngày 15/4/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 8.542 ha, tăng 34,03% so cùng kỳ; trong đó, có 7.719 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, tăng 33,41% và 823 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), tăng 40,2% so cùng kỳ. Cụ thể một số cây trồng chính như sau: diện tích lúa đạt 5.741 ha, tăng 70,61%, tập trung chủ yếu ở các diện tích cặp sông Vàm Cỏ Đông do nông dân tranh thủ những diện tích đã thu hoạch xong để xuống giống tránh đợt triều cường dâng cao; đậu phộng đạt 270 ha, tăng 16,38%, do trong vụ trước giá thu mua tương đối cao nên một số diện tích trồng cây hoa màu được nông dân chuyển sang trồng đậu phộng, tuy nhiên chi phí thuê nhân công cho thu hoạch cao nên người dân không an tâm sản xuất, vì vậy hiện việc chuyển đổi cây trồng vẫn diễn ra thường xuyên; rau đậu các loại đạt 1.395 ha, giảm 23,69%, trong đó, riêng diện tích đậu các loại đạt 203 ha, giảm 33,88%, do người dân chuyển đổi cây trồng hoặc tận dụng đất trồng xen trong cây lâu năm nên thường diện tích xuống giống không ổn định.
Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): diện tích mì đạt 699 ha, tăng 40,64%, do giá thu mua củ mì tươi trong thời gian qua liên tục tăng, lợi nhuận khá nên nông dân tận dụng mọi quĩ đất để trồng; diện tích mía trồng mới đạt 124 ha, cũng tăng 37,78% so cùng kỳ năm trước.
FThu hoạch vụ đông xuân:
Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 56.769 ha cây trồng các loại, đạt 78,32% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), tăng 3,52% so cùng kỳ. Tiến độ thu hoạch các loại cây trồng nhìn chung nhanh hơn cùng kỳ tập trung ở nhóm cây lương thực có hạt do trồng đầu vụ, còn các cây trồng khác đang bắt đầu thu hoạch. Nhìn chung, thời tiết trong kỳ tương đối thuận lợi, năng suất của hầu hết các loại cây trồng vụ đông xuân năm nay đạt khá và có khả năng tăng so cùng kỳ; trong đó: năng suất lúa ước đạt 5,4 tấn/ha, đậu phộng 3,3 tấn/ha, thuốc lá vàng năng suất ước đạt 2,2 tấn/ha.
Thu hoạch cây trồng vụ trước: mì đạt 33.715 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ,năng suất bình quân ước đạt 26-28 tấn/ha; cây mía đạt 22.712 ha, giảm 4,07%; chủ yếu thu hoạch mía trồng mới và lưu gốc vụ đông xuân 2011-2012 và một số mía hè thu sớm 2012, năng suất bình quân ước đạt 70-73 tấn/ha.
FTình hình sâu bệnh: trong tháng, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng phát sinh ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng; tập trung chủ yếu bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá trên cây lúa; bệnh bọ trĩ, sâu xanh, thán thư,… trên cây rau các loại; riêng cây mì thời tiết tiếp tục khô hạn và nắng nóng thuận lợi cho các đối tượng thuộc nhóm côn trùng chích hút gia tăng diện tích và mức độ gây hại, trong đó, lũy kế đến ngày 4/4/2013 toàn tỉnh có 1.038,5 ha bị nhiễm nhện đỏ và 259,5 ha bị nhiễm rệp sáp bột hồng.
+ Chăn nuôi:
Trong tháng, chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì ổn định; dịch heo tai xanh không xảy ra, riêng dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 4 xã của 02 huyện Bến Cầu và Thị Xã nhưng đã được khống chế kịp thời, không lây lan. Hiện chăn nuôi lợn huề vốn hoặc thua lỗ do giá bán thịt hơi quá thấp và việc tái tạo đàn gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi khác phát triển chậm, hiện nay chỉ phát triển mạnh ở mô hình nuôi rắn long thừa do đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại khác.
Trong tháng, các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi và tồn dư chất cấm trong thịt tại các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ.
b. Lâm nghiệp:
Trong tháng, các ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét chống phá rừng, đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 22 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó 02 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị thiệt hại 0,08 ha; 02 vụ cháy rừng diện tích 6,5 ha; nạn khai thác, vận chuyển kinh doanh lâm sản trái phép còn xảy ra rải rác và diễn biến phức tạp.
Ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện công tác khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2013; tiếp tục phối hợp các ngành chức năng triển khai rà soát lại những diện tích nằm trong quy hoạch trồng rừng, vận động các hộ sử dụng đất sai mục đích ký hợp đồng trồng rừng để lên thiết kế trồng mới năm 2013; công tác gieo ươm tiếp tục chuẩn bị cây giống để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2013.
c. Thủy sản:
Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được phát triển tập trung chủ yếu ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Trong tháng, thủy sản nuôi trồng đang bước vào mùa thu hoạch cuối vụ của diện tích đã thả trong năm 2012, sản lượng trong tháng 4/2013 ước đạt 650 tấn, trong đó sản lượng cá ước đạt 640 tấn. Khai thác thủy sản trong tháng vẫn ổn định do đang trong mùa khô, ước sản lượng tháng 4 đạt 250 tấn, trong đó cá đạt 240 tấn và hiện khai thác vẫn tập trung trong hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều thả giống bổ sung nhằm đảm bảo nguồn sinh thái, còn đánh bắt tự túc giảm.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2013 giảm mạnh (- 14,85%) so với tháng trước, chủ yếu do yếu tố thời vụ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,14%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm mạnh (- 15,4%), chủ yếu do ngành SX chế biến thực phẩm giảm 36,04%, trong đó, riêng ngành sản xuất đường giảm 82,5% (vì kết thúc niên vụ sản xuất mía đường năm 2012-2013); SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) giảm 19,06%; các ngành còn lại có chỉ số sản xuất tăng khá, cụ thể: SX da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,46%; SX trang phục tăng 11,48%; dệt tăng 7,82%; SX sản phẩm từ cao su và plastic cũng tăng 2,72% so tháng trước, … . Ngành SX, phân phối điện, khí đốt chỉ số sản xuất tháng 4 ổn định, chỉ tăng 0,44%. Và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất trong tháng tăng 20,67% so tháng 3/2013.
Cộng dồn bốn tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,03% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 42,69% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng 28,2% so cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất bốntháng đầu năm tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 23,62%; quần áo tăng 54,79%; giày các loại tăng 78,95%; võ, ruột xe tăng 3,17%; điện thương phẩm tăng 11,38%; nước máy thương phẩm tăng 9,74%; …; riêng sản phẩm đường giảm 6% so cùng kỳ, chủ yếu do trong niên vụ sản xuất 2012-2013, nhà máy đường Nước Trong vào vụ sớm và do đó đã kết thúc vụ sớm hơn năm ngoái hơn 01 tháng (kết thúc ngày 04/02/2013, năm 2012 kết thúc vào ngày 15/3/2012), mặt khác, do thời tiết năm nay nắng hạn kéo dài, mía mau bị khô, cộng với việc nông dân phải “xếp hàng” chờ thu hoạch làm cho chữ đường mía giảm, do đó cũng góp phần làm cho sản lượng đường giảm so cùng kỳ; sản lượng xi măng sản xuất cũng giảm 20,99% so cùng kỳ, do lượng hàng tồn kho còn nhiều, và tồn kho đến tháng 3/2013 tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 4/2013 đạt 162 tỷ đồng, tăng 15,15% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 93 tỷ đồng (+ 21,9%), ngân sách cấp huyện đạt 68 tỷ đồng (+ 7,05%). Nguyên nhân tăng do trong tháng này các nguồn vốn đã được phân khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các đơn vị thi công chủ động thi công các dự án, công trình mới và công trình chuyển tiếp có giá trị khối lượng thực hiện cao; cụ thể: công trình đường 786 (ngã tư Quốc tế-UBND Bến Cầu) ước đạt 22 tỷ đồng, tăng 39,37%; đường Thành Long-Biên Giới đạt 7 tỷ đồng, cũng tăng 35,42%; đường nối 790 với đường Khedol-Suối Đá ước đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 28,57% so tháng 3/2013;…
Cộng dồn 4 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 481 tỷ đồng, đạt 28,77% kế hoạch năm, tăng 23,89% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 274 tỷ đồng, tăng 22,48%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 207 tỷ đồng, tăng 25,8%; ngân sách cấp xã chưa phân khai vốn nên đến nay vẫn chưa có giá trị thực hiện.
4. Giao thông vận tải:
Vận tải hành khách tháng 4/2013 ước tính đạt 1.137 nghìn lượt khách, giảm 27,35% và 79.640 nghìn lượt khách.km, tăng 0,32% so tháng trước. Lượt khách vận chuyển trong tháng giảm chủ yếu do lượt khách tham gia vận chuyển bằng cáp treo, máng trượt tại Công ty CP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh giảm dần từ sau dịp người dân đi lễ chùa hành hương trong tháng giêng AL; tuy vậy do cự ly vận chuyển khách bằng cáp treo, máng trượt ngắn (khoảng 1 km), trong khi đó nhiều tuyến cự ly dài có xu hướng tăng lên khi nhu cầu đi du lịch của người dân tăng trong dịp nghỉ lễ tháng 4 (Gỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5) nên mặc dù khối lượng vận chuyển giảm mạnh nhưng luân chuyển hành khách vẫn tăng 0,32% so với tháng trước. Bốn tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 5.903 nghìn lượt khách, tăng 6,18% và luân chuyển 325.765 nghìn lượt khách.km, tăng 0,88% so cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa trong tháng tiếp tục phát triển; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 825 nghìn tấn, tăng 1,92% và luân chuyển được 52.661 nghìn tấn.km, tăng 2,04% so tháng trước. Bốn tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 3.346 nghìn tấn, tăng 1,9% và luân chuyển 207.960 nghìn tấn.km, tăng 0,49%. Có thể thấy vận tải hàng hóa của tỉnh hoàn toàn do khu vực ngoài nhà nước đảm nhận và chủ yếu tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3.318 nghìn tấn, tăng 2,17%, luân chuyển 202.881 nghìn tấn.km, cũng tăng 1,36% so cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 4/2013 đạt 3.953 tỷ đồng, tăng 2,12% so tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 423 tỷ đồng, tăng 10,18%; kinh tế ngoài nhà nước 3.527 tỷ đồng, tăng 1,27%. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 0,82%; khách sạn, nhà hàng đạt 443 tỷ đồng, tăng 1,34%; ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 502 tỷ đồng, tăng 11,68% so tháng trước..
Cộng dồn 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 15.307 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức tăng 0,7%, điều này cho thấy trong những tháng đầu năm nay mặc dù giá cả tăng không cao như mọi năm nhưng do tình hình kinh tế được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mới trong năm 2013, từ đó đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và làm giảm sức mua của người dân. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 11.696 tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức, tăng 7,3%; doanh thu thương nghiệp tăng ở các nhóm hàng chủ yếu sau: lương thực, thực phẩm tăng 6,03%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16,13%; xăng, dầu các loại tăng 5,9%; ... . Ngành khách sạn, nhà hàng đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 7,87%; dịch vụ đạt 1.887 tỷ đồng, cũng tăng 9,19% so 4T/2012.
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2013 đạt 130 triệu USD, tăng 4,3% so tháng trước. Hầu hết các thành phần kinh tế đều có trị giá xuất khẩu tăng từ 4-5%; trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 101 triệu USD, tăng 4,1%, kinh tế nhà nước tăng 3,91%, kinh tế tư nhân đạt 23 triệu USD, tăng 5,25% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: hàng dệt may đạt 44 triệu USD (+ 4,53%), giày dép các loại đạt 20 triệu USD (+ 5,37%), cao su đạt 7 triệu USD, cũng tăng 5,45% so với tháng trước.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 509 triệu USD, tăng 12,8% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 373 triệu USD, tăng 20,93%; riêng mặt hàng đệt may của khu vực này đạt 168 triệu USD (+ 38,81%), giày dép các loại đạt 81 triệu USD (+ 61,9%); kinh tế nhà nước đạt 15 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ; ngược lại, kinh tế tư nhân đạt 120 triệu USD, giảm 9,46%, chủ yếu do giảm xuất khẩu mặt hàng cao su (giá xuất khẩu cộng với lượng xuất khẩu đều giảm), do đó cao su xuất khẩu của cả tỉnh ước 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 54 triệu USD, giảm 15,96% so cùng kỳ năm trước.
+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 68 triệu USD, tăng 4,05% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN nhập 54 triệu USD, tăng 4,1%; kinh tế tư nhân với 12 triệu USD, cũng tăng 3,94% so tháng 3/2013.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 284 triệu USD, tăng 11,26% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 60 triệu USD, tăng 78,68%; phụ liệu giày dép đạt 26 triệu USD, tăng 94,49%; nhóm hàng thực phẩm chế biến mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn có trị giá nhập khẩu tăng khá, với 33 triệu USD, gấp 3,5 lần cùng kỳ; riêng máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu đầu tư của các đơn vị trong 4 tháng đầu năm nay có phần sụt giảm, với kim ngạch đạt 13 triệu USD, giảm 9,53% so cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá tiêu dùng:
Trong tháng 4/2013, việc thực hiện điều chỉnh mức thu giá viện phí (dịch vụ y tế) áp dụng từ ngày 01/4/2013 theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và giá xăng dầu bình quân tăng đã làm cho CPI tháng này tăng lên khá cao. Chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) tháng 4/2013 tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 5,09% so với tháng 12 năm trước và tăng 9,04% so với cùng tháng năm trước. Tình hình diễn biến giá tiêu dùng của một số nhóm hàng chính trong tháng như sau:
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 4/2013 giảm 0,7%, trong đó giá gạo các loại tháng này giảm 0,98% so với tháng trước, do nguồn cung tăng khi đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân với năng suất đạt khá, cộng với việc giá xuất khẩu giảm đã làm cho giá gạo trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh giảm.
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này giảm 0,64%; trong đó nhóm gia súc tươi sống giảm 1,23%, riêng thịt lợn (heo) giảm 1,86%; do đó, nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác tháng này cũng có chỉ số giá giảm 0,99%, trong đó mỡ lợn (heo) giảm 1,96% theo sự giảm giá thịt heo; nhóm gia cầm tươi sống giảm 1,95% (thịt gà giảm 2,06%, gia cầm khác giảm 1,68%); giá trứng các loại cũng giảm 1,58% so tháng trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đã làm cho nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng này của người dân giảm xuống và do đó giá bán cũng giảm. Nhóm thủy sản tươi sống giảm 0,2%, trong đó các mặt hàng thủy sản nước ngọt giảm từ 1-3% do nguồn thu hoạch tăng trong mùa nước cạn. Nhóm các loại đậu và hạt giảm 2,63% chủ yếu do giá lạc nhân giảm 6,33% khiđang vào vụ thu hoạch. Nhóm rau tươi các loại tháng này giảm 2,13%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số giảm, cụ thể như: cà chua tăng 11,97%, khoai tây giảm 3,13%, dưa chuột giảm 5,04%, củ cải trắng giảm 11,82% … so với tháng trước, do sản lượng rau tươi thu hoạch nhiều. Ngược lại, nhóm quả tươi các loại có chỉ số giá tăng 2,52%, do nhu cầu xuất khẩu một số mặt hàng trái cây tăng, đồng thời chi phí vận chuyển tăng cũng góp phần làm cho chỉ số giá của nhóm hàng này tăng lên.
Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,36%, trong đó, giá gas đun tháng này giảm 3,27% so với tháng trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,56%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng này tăng rất cao, tăng 61,91% so với tháng trước do giá viện phí được điều chỉnh tăng theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND của UBND Tỉnh; nhóm giao thông tăng 1,31%, trong đó chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,06%, cụ thể: giá xăng các loại đã tăng mạnh (1.400 đ/lít) vào ngày 28/3 và sau đó giảm 500 đ/lít vào ngày 9/4/2013, do đó giá bình quân trong tháng 4 của mặt hàng này vẫn tăng so với giá bình quân tháng 3/2013; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,33% so với tháng trước. Các nhóm còn lại tương đối ổn định
Giá vàng và đôla Mỹ: giá vàng bình quân tháng 4/2013 là 4.224.000 đ/chỉ, giảm 165.000 đ/chỉ (- 3,76%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.875 đ/USD, tăng 25 đ/USD (+ 0,11%) so với tháng 3/2013.
7. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 4/2013 đạt 476 tỷ đồng, cộng dồn 4 tháng 1.536 tỷ đồng, đạt 29,53% dự toán năm, giảm 7,33% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 922 tỷ đồng, đạt 25,85% dự toán, giảm 16,37% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong bốn tháng đầu năm nay các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu, nộp ngân sách nhà nước; ngoài ra, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, ước tính số thuế GTGT phát sinh trong quý I năm 2013 được gia hạn thời gian nộp thuế khoảng 92,58 tỷ đồng. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; thể hiện rõ qua các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 170 tỷ đồng, chỉ đạt 20,06% dự toán, giảm 49,04% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 49 tỷ đồng, giảm 21,37%, chủ yếu do thuế xăng dầu phát sinh trong tháng 12 năm 2012 đã nộp ngay trong tháng 12 năm 2012 là 10,5 tỷ đồng, mặt khác, do nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu không phải là đơn vị đầu mối trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nên sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm, làm cho tiền thuế bảo vệ môi trường giảm theo; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 17,41% dự toán, giảm 40,08% so cùng kỳ, chủ yếu do trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc nhập khẩu máy móc thiết bị đầu tư tạo tài sản cố định không nhiều nên ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu ; thuế thu nhập cá nhân đạt 129 tỷ đồng, chỉ tăng 1,9% so cùng kỳ; thu thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 375 tỷ đồng, cũng chỉ tăng 0,23%; … . Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu tăng khá so cùng kỳ như: thu từ DN có vốn ĐTNN tăng 40,01%; thu lệ phí trước bạ tăng 19,97%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 508 tỷ đồng, cũng tăng 26,49%so cùng kỳ năm trước.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 4/2013 đạt 517 tỷ đồng, nâng mức chi 4 tháng đầu năm đạt 1.676 tỷ đồng, đạt 29,96% dự toán, tăng 47,86% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 46,03%; chi đầu tư phát triển 250 tỷ đồng, tăng 80,76%; chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 272 tỷ đồng, cũng tăng 32,59% so cùng kỳ năm 2012.
8. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 4/2013 đạt 24.706 tỷ đồng, tăng 1,8% so đầu tháng và tăng 10,33% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 20.146 tỷ đồng, tăng 1,81% so đầu tháng và tăng 12,93% so cùng kỳ.
Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 4 đạt 18.026 tỷ đồng, tăng 1,8% so đầu tháng, tăng 16,96% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 167 tỷ đồng, giảm 7,03% so đầu tháng và giảm 8,52% so tháng 4/2012.
9. Tình hình văn xã:
a) Lao động, giải quyết việc làm:
Trong tháng 4/2013 ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.603 lao động. Lũy kế giải quyết được 4.175 lao động, đạt 20,88% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 3.903 lao động; xét duyệt 20 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 2.343 triệu đồng, tạo việc làm cho 248 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 24 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: trong tháng không xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công trên địa bàn tỉnh. Lũy kế, xảy ra 06 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 06 công ty với 8.705 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.100 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.605 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, hạn chế tổn thất trong sản xuất.
b) Hoạt động y tế:
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 31 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết; thủy đậu có 05 ca; tay chân miệng 142 ca ; sốt rét 01 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong.
Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 31 ca HIV, 19 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.057 ca HIV (nữ 862 ca), trong đó 2.063 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 526 ca) và có 1.110 người tử vong do AIDS.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: trong kỳ, đã tiến hành kiểm tra 365 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 276 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 75,61%). Ngộ độc thực phẩm không xảy ra.
c) An toàn giao thông:
Trong tháng 4/2013 (từ ngày 16/3/2013-15/4/2013) trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm chết 05 người và bị thương 05 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 44,4%, số người chết giảm 50%, số người bị thương tăng 66,7%. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
d) Hoạt động văn hoá:
Trong tháng 4/2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ngày Thể thao Việt Nam 27/3, kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2013); tuyên truyền về “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, Năm an toàn giao thông 2013, Phòng chống tham nhũng, Phòng cháy, chữa cháy, Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh; tuyên truyền góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chương trình xây dựng nông thôn mới, … . Kết quả, Ngành đã thực hiện 496 lượt băng ron, 23 buổi xe loa, 24 panô, 1.150 cờ các loại, 10 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh thực hiện trưng bày triển lãm tại chỗ và lưu động phục vụ được 2.054 lượt người tham quan, học tập; đồng thời, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa và tuyên truyền các di tích lịch sử văn hóa đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu phục vụ ban đọc. Thư viện tỉnh phục vụ 8.141 lượt bạn đọc với 24.304 lượt sách, báo, tạp chí; thư viện các huyện, thị phục vụ được 20.023 lượt bạn đọc với89.019 lượt sách, báo được phục vụ.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 164 cuộc với 313 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: nhắc nhở 19 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính 34 trường hợp, ban hành 24 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 33 triệu đồng.
e) Thiệt hại do thiên tai:
Từ ngày 16/3/2013 đến 15/4/2013, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra cơn lốc xoáy tại 03 huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu. Theo báo cáo sơ bộ, lốc xoáy đã làm 04 người bị thương; gần 190 ngôi nhà bị sập đổ và tốc mái; 3,5 ha cây cao su bị gãy, đổ; ước tổng giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ngay sau khi cơn lốc xoáy xảy ra, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, ban chỉ huy PCLB-TKCN, Ủy ban nhân dân xã cùng lực lượng dân quân, xã đội, công an đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống.
f) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:
Trong tháng 4/2013 (từ ngày 16/3/2013 đến 15/4/2013), đã xảy ra 02 vụ cháy nhà dân tại huyện Tân Biên; ước tính giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 7,12 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.
Vi phạm về môi trường: không phát hiện vụ nào./.
Website Cục Thống kê Tây Ninh