Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/02/2021-21:13:00 PM
Nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định mùa Tết Nguyên đán
Ngày 16/2, Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Về cơ bản, cả nước bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý, ổn định.

Theo Bộ Tài chính, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra vào thời điểm giữa tháng 2 dương lịch, tuy chịu những tác động nhất định từ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số tỉnh nhưng tình hình cung cầu thị trường vẫn tương đối sôi động trên cả nước.

Theo quy luật hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết mặc dù chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, sức mua nói chung vẫn thấp hơn cùng kỳ do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế xã hội làm giảm thu nhập của người dân. Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tái bùng phát cũng như người dân cũng đã mua sắm đủ trước Tết. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh và việc hạn chế tổ chức lễ hội đầu năm.

Dịp Tết, tình hình hàng hoá và giá cả ở các thành phố lớn cũng ổn định. Cụ thể, qua khảo sát của cán bộ thị trường Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại Hà Nội, chợ Ngọc Hà đã mở cửa khá nhộn nhịp. Một số chợ khác như Nghĩa Tân Cầu Giấy, Thổ Quan Khâm Thiên… nhiều sạp hàng đã bán hàng trở lại nhưng lượng người mua bán vẫn vắng, một phần do trước Tết người dân đã mua sắm tích trữ nhiều thực phẩm và tâm lí e dè của người dân trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu mua sắm không cao. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả nhìn chung ổn định.

Còn ở TPHCM, giá cả các mặt hàng đa số đã giảm và trở về mức giá ngày thường. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu mua sắm hạn chế, hàng hóa dồi dào dẫn đến giá cả không biến động nhiều so với trước Tết, riêng một số mặt hàng rau, củ, quả từ Đà Lạt chuyển về tăng 10-15% do phát sinh chi phí tăng do dịp Tết. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 34-45% so ngày thường.

Bộ Tài chính nhận định, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay. Tình hình giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra và các định hướng giải pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai các bộ, ngành.

Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp; hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là đã chủ động nguồn hàng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020 và đặc biệt là kịp thời cung ứng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trở lại. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo các chương trình bình ổn thị trường của địa phương.

Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ đã tổ chức ba đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua làm việc trực tiếp cho thấy, các địa phương thực hiện nghiêm túc kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, dịch vụ bảo đảm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trước, trong và sau tết; nhất là công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và các pháp luật khác đều được chú trọng tăng cường trong dịp Tết để bảo đảm bình ổn thị trường.

Riêng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, tuyến đường bộ, đường sắt, cảng hàng không nội địa, đường tiểu ngạch, chợ đầu mối, trung tâm thương mại nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vi phạm.

Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các Cục Hải quan xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường nhập hàng hóa, tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa trong dịp Tết.

Cục Thuế các tỉnh cũng tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tránh thất thu thuế, gian lận thương mại; phối hợp Cục Quản lý thị trường triển khai đồng bộ các hoạt động đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển để kiềm chế các hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.

Kiến nghị các biện pháp bình ổn thị trường giá cả sau Tết và quý I/2021, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2021.

Huy Thắng


Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 302
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)