Mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn… là hiệu quả rõ nhất của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại tỉnh Bến Tre chỉ sau 3 năm triển khai.
|
Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển hàng nông sản của Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi |
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả là từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 89 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.
Lợi ích cộng đồng
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, trong thực hiện chương trình OCOP thì sản phẩm OCOP cần bảo đảm các tiêu chí chung của hàng hóa như: Truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã và tính cạnh tranh. Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn có đặc điểm như sử dụng nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động tại địa phương nhằm mang lại lợi ích cộng đồng.
Thời gian qua, OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Bến Tre. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch, qua đó nâng cao thu nhập và giá trị địa phương một cách thiết thực, hiệu quả, ông Huỳnh Quang Đức cho biết.
Sau 3 năm triển khai (2018-2020), chương trình OCOP đã giúp những sản phẩm khu vực nông thôn có bước chuyển về chất và lượng, tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn.
Trước đó vào tháng 6/2019, tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hội chợ thu hút sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố trong khu vực cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc tham gia, với 355 gian hàng, trên 500 mặt hàng của 1.500 chủng loại. Lượng khách tham quan, mua sắm đạt 55.000 lượt; doanh thu của Hội chợ đạt trên 15 tỷ đồng.
Các hoạt động tại hội chợ đã góp phần tăng cường, mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh bạn; đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ; mở ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ mới, thị trường mới để doanh nghiệp tỉnh ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thay đổi tư duy kinh tế nông thôn
Chị Trần Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, người có sản phẩm được địa phương chọn là sản phẩm OCOP chia sẻ: “OCOP là chương trình đi vào chiều sâu. Dù là cá thể hay cơ sở sản xuất đều cần có quy chế, điều lệ giống như hợp tác để phát triển sản phẩm đạt chuẩn. Vì vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ về kết nối cung - cầu, thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu”.
Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, tỉnh rất quan tâm việc nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP với nhiều giải pháp. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh, nâng cấp những sản phẩm đã đạt được trong thời gian qua từ cấp sao thấp lên cấp sao cao, cấp quốc gia.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm OCOP. Tập trung huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, HTX, sản xuất nông hộ biết để tạo ra những sản phẩm OCOP. Hướng dẫn cách tiếp cận thị trường thông qua kênh tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi sự kiện, kênh thương mại điện tử... Tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
“Hiện nay, các nghiên cứu khoa học về OCOP Bến Tre đã được tỉnh đặt hàng và thực hiện. Mục đích nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo ra sản phẩm OCOP bền vững, ngày càng đi vào thực chất”, ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.
Nhìn lại 3 năm thực hiện chương trình OCOP (2018-2020), tỉnh Bến Tre cho rằng khi thực hiện chương trình, các địa phương cần tập trung vào thế mạnh bản địa, hướng đến toàn cầu, người dân tự tin sáng tạo để có một sản phẩm OCOP thành công, có nghĩa là sản phẩm đó phải được làm mới, luôn tốt hơn, vươn xa hơn theo thời gian.
Như vậy, OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn là hành trình thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn.
Tại Bến Tre, lũy kế đến nay, tỉnh đã có 89 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 38 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao. Đến nay đã có 9 huyện, thành phố tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ