Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/03/2021-17:17:00 PM
Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
(MPI) – Chiều ngày 18/3/2021, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, tổng hợp chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bám sát, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm trong quá trình xây dựng thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 17 dự án Luật, với nhiều cơ chế, chính sách then chốt có tính chất tiên phong, định hướng.

Về cải cách thủ tục hành chính, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, năm 2020, Bộ đã tham mưu xây dựng, soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư với nhiều cải cách mạnh mẽ.

Luật Đầu tư năm 2020 đã bãi bỏ 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khoảng 400 điều kiện kinh doanh tương ứng với 23 ngành, nghề này đã được cắt giảm. Căn cứ danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được điều chỉnh tại Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ danh mục các điều kiện kinh doanh cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa, trong đó có các điều kiện kinh doanh liên quan tới một số ngành nghề như: Kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kinh doanh dịch vụ bưu chính; Hoạt động của nhà xuất bản; Kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; các quy định về chứng chỉ,…

Luật Doanh nghiệp năm 2020 bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn cần thiết, gồm: thủ tục thông báo mẫu dấu; đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, thủ tục xin phép cơ quan đăng ký kinh doanh để ra hạn họp đại hội đồng cổ đông thường niên,...

Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại, Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành. Hệ thống này đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Về cải cách tổ chức bộ máy, mô hình tổ chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được hoàn thiện theo hướng Bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và có cơ cấu hợp lý hơn phù hợp với quá trình cải cách, chuyển đổi qua từng giai đoạn, từ quản lý vi mô của cơ chế cũ, sang quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật của cơ chế mới. Bộ đã kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với cơ cấu tổ chức quy định tại Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo tinh thần tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót nhiệm vụ trong việc phân giao chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ. Đảm bảo nguyên tắc phân công một việc chỉ giao cho một đơn vị, một đơn vị có thể được giao nhiều việc có mối quan hệ liên thông với nhau và xây dựng cơ chế quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ để xử lý và giải quyết các công việc được giao một cách nhanh gọn, hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện đại hóa hành chính là một trong những yếu tố tiên quyết trong công tác cải cách hành chính. Đây cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu trong mọi công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ luôn chú trọng công tác chuyển đổi số. Điển hình, Bộ đã xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là hệ thống cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần minh bạch hóa thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

Thời gian qua Bộ cũng đã tập trung triển khai xây dựng nhiều Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ cho các hoạt động chuyên ngành của Bộ, triển khai trên phạm vi toàn quốc, cụ thể như: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch... Các hệ thống luôn được cập nhật theo quy định hiện hành, đảm bảo hoạt động thông suốt trên phạm vi cả nước.

Trong hoạt động chung, Bộ cũng đã triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin. 100% các đơn vị thuộc Bộ ứng dụng các Hệ thống: Hệ thống Quản lý thông tin tổng thể; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; Hệ thống theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ tích hợp với hệ thống của Chính phủ; Hệ thống Lưu trữ điện tử; Hệ thống Thư điện tử; Ứng dụng chữ ký số; Phần mềm Quản lý tiền lương; Phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Việc hiện đại hóa hành chính đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý cũng như xử lý công việc chuyên môn của công chức, viên chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê của Bộ.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác CCHC, tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới thể chế về sở hữu; rà soát hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh Chính phủ số, dịch vụ công. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ CCHC./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1145
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)