Chiều 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu.
(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình, đến nay, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định sơ bộ, yêu cầu giải trình, bổ sung, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025; dự kiến kế hoạch vốn của Chương trình giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch 2021; thành lập Văn phòng Điều phối chương trình để tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo và lãnh đạo cơ quan Thường trực (Ủy ban Dân tộc) triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu lớn là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.
Số xã có đường ôtô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bêtông đạt 100%; có 70% thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa.
Có 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Có 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác.
Có 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Có 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh...
|
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Nghị quyết cũng hướng đến mục tiêu tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 90%, có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu.
98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 80% phụ nữ có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống còn dưới 15%.
Cùng với đó, trên 85% số xã, thôn có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7% và tăng dần hàng năm, cao hơn bình quân chung cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa như càphê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ...
Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội từng vùng, từng bước nâng cao và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, bản sắc văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy.
Những vấn đề nổi cộm về di cư tự do, hoạt động tôn giáo trái pháp luật về cơ bản đã được giải quyết, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện. Theo đó, một số chính sách về dân tộc chậm triển khai do thiếu vốn, kết cấu hạ tầng ở các vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chậm được giải quyết.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức trung bình thấp; tình hình an ninh, trật tự, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Để thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện rất nhuần nhuyễn, ăn khớp, chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các nội dung, cơ chế chính sách, nguồn lực để có thể triển khai ngay khi được Quốc hội phê duyệt về vốn và Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức triển khai thực hiện, có tiến độ cụ thể ... ./.