(MPI) – Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội quý I năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48%. Sản xuất công nghiệp tăng 6,5%. Khu vực nông nghiệp tăng 3,16%, năng suất và giá lúa tăng. Thương mại, tiêu dùng phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1%. Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong quý I có trên 29 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký tăng 27,5%.... Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các quốc gia, đối tác lớn của ta; qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch...
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, đề án; khắc phục triệt để tình trạng xin lùi thời hạn trình, chậm, nợ ban hành văn bản, đề án, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai kịp thời các giải pháp để thu hút và tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển đầu tư
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng. Hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021. Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp để thu hút và tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn. Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản, vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất, nhất là các nông sản theo mùa vụ. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để sớm gỡ “thẻ vàng”. Đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
Các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương gửi ý kiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tham vấn và hội thảo chuyên đề lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương, chuyên gia đối với dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, các nội dung trọng tâm để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp và tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương để hoàn thiện Báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm chất lượng, tiến độ gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể cần triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, tổng hợp ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện Báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư