Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/10/2014-17:10:00 PM
Diễn đàn hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong 2014
(MPI Portal) - Sáng ngày 17/10, tại Hà Nội, Hội Phát Triển Hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong 2014 với chủ đề Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 - Cơ hội và thách thức.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế khu vực. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 (AEC) .

AEC là một trong ba trụ cột chính, không thể thiếu trong tiến trình xây dựng AEC. Mục tiêu cốt lõi của AEC là phát triển kinh tế ổn định, thịnh vượng, có tính cạnh tranh cao và hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Năm 2015 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEAN nói chung cũng như hội nhập kinh tế khu vực nói riêng. Sự thành lập của AEC sẽ đưa ASEAN trở thành một thị trường chung thống nhất với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và sự luân chuyển vốn tự do hơn. AEC sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.

Tác động trực tiếp và lớn nhất trong việc hình thành AEC là trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Do vậy, khi gia nhập cộng đồng này, các doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức nghiêm trọng. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào nâng cao sức cạnh tranh, năng lực đảm nhiệm được các công đoạn sản xuất và cung ứng có giá trị cao.

Tại Diễn đàn, các ý kiến chuyên gia cho rằng, năm 2015, khi AEC chính thức thành lập, thị trường lao động Việt Nam cũng sẽ rộng mở hơn. Hiện nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là một trong những sức hút đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại cũng như khi Việt Nam tham gia vào AEC thì nguy cơ những tiềm năng, thế mạnh về lao động của Việt Nam sẽ không còn, cạnh tranh đối với lao động của Việt Nam trong tương lai gần sẽ giảm dần. Khi Việt Nam tham gia vào AEC việc tự do dịch chuyển đối với nguồn lao động có kỹ năng cao sẽ được thực hiện. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp tốt, chính sách tốt để không dẫn đến tình trạng nhập khẩu lao động chất lượng cao.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam đã từng bước chuẩn bị cho việc gia nhập cộng đồng, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp chưa cao. Sự hiểu biết về các chính sách hội nhập khu vực còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc chủ động nắm bắt thông tin, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp là hết sức cần thiết để tránh những rủi ro của hội nhập khu vực.

Chương trình hợp tác Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong (GMS) được khởi xướng năm 1992 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại 6 nước bao gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu xây dựng một tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và đồng đều.

Chương trình GMS theo đuổi thông qua chiến lược 3C: Tăng cường sự liên kết; Nâng cao Năng lực cạnh tranh; Nâng cao tinh thần Cộng đồng. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược 3C của Chương trình GMS; Ngoài Thái Lan, Việt Nam là thành viên duy nhất của GMS tham gia vào cả 3 hành lang kinh tế, bao gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây và khu vực phía Nam./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2043
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)