Qua 7 tháng, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của TU, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nên KT-XH trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản ổn định, nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới và thu được một số kết quả tích cực.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: Tính đến ngày 18/7/2020, toàn tỉnh đã gieo mạ được 2.503,4 ha, đạt 98,8% kế hoạch vụ và bằng 96,2% so với cùng kỳ. Diện tích lúa cấy và gieo thẳng được 23.410,5 ha, đạt 73,2% kế hoạch gieo cấy và bằng 85% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa gieo thẳng là 6.825,5 ha. Một số địa phương có tiến độ gieo cấy nhanh, như: huyện Quế Võ 6.625,0 ha; Lương Tài 4.430 ha; Thuận Thành 4.247,5 ha; Gia Bình 3.824,0 ha; Tiên Du 2.600 ha; riêng thị xã Từ Sơn gieo cấy đạt thấp nhất là 220 ha. Toàn tỉnh, diện tích lúa chăm sóc lần 1 được 1.200 ha. Bên cạnh đó, các địa phương cũng trồng được 856,5 ha rau màu các loại, đạt 30,6% KH vụ và bằng 86,6% so với cùng kỳ. Trong đó, đậu tương 89 ha; ngô 39 ha; lạc 32,5 ha và rau các loại 696 ha.
b) Chăn nuôi và hoạt động thú y: Chăn nuôi: Ước tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có 2.783 con trâu, tăng 3,2% (+85 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 27.560 con, giảm 2,2% (-607 con); đàn lợn có 197.732 con, tăng 13,6% (+23.634 con); đàn gia cầm 5.251 nghìn con, tăng 2,3% (+120 nghìn con), trong đó đàn gà có 4.197 nghìn con, tăng 2,5% (+102 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất trong tháng 7 ước đạt 5.683 tấn, tăng 6,7% so với cùng tháng năm trước; trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng là 3.890 tấn, chiếm 68,5% và tăng 9,2%. Công tác thú y: Ngày 26/6 trên địa bàn tỉnh, xảy ra 01 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 1 hộ ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, làm 04 con lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 116 kg. Như vậy, tính từ ngày 13/5-26/6 trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh DTLCP đã xảy ra tại 06 hộ chăn nuôi, thuộc địa bàn 05 thôn, 04 xã của 02 huyện Thuận Thành và Yên Phong làm 186 con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 3,2 tấn. Công tác tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vẫn được duy trì. Kết quả trong tháng 7, toàn tỉnh đã tiêm được 3.741 liều vắc-xin các loại cho đàn trâu, bò; 32.487 liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; 231.860 liều vắc xin các loại cho đàn gia cầm và 2.015 liều vắc xin dại cho đàn chó mèo.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 7, toàn tỉnh trồng được 6,5 nghìn cây phân tán, tạo cảnh quan môi trường, bằng 60,7% so với cùng kỳ năm trước; khai thác được 358m3 gỗ, bằng 98,1%; 384 ste củi, bằng 97,2%. Hiện nay, vẫn đang trong thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng vì vậy nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra cao. Để chủ động phòng chống cháy rừng và giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ đạo PCCR từ cấp tỉnh đến cấp xã chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống cháy rừng.
1.3. Thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có là 5.185 ha, bằng xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 2.060 lồng, tăng 50 lồng so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thuỷ sản trong tháng 7 ước thực hiện 22.264 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng 1,1%, nuôi lồng bè tăng 2,8%; sản lượng khai thác thuỷ sản giảm 2,4%.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Tháng 7, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 2,6% so tháng trước và giảm 17,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,7%; ngành sản xuất và phân phối điện.. tăng 7,6%; ngành cung cấp nước giảm 17,4%. Trong 20 ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 13/20 ngành có chỉ số giảm, với mức dao động từ 1-47,1%. Trong đó, ngành SXSP điện tử giảm 5,8%, đã kéo theo chỉ số sản xuất toàn ngành giảm xuống.
2.2. Sản phẩm công nghiệp
Tháng 7 so với tháng trước, hầu hết các sản phẩm quan trọng của tỉnh đều có mức sản xuất tăng, như: điện thoại thông minh giá >10 triệu đồng (+4%); đồng hồ thông minh (+51,7%); linh kiện điện tử (+16,3%); pin điện thoại (+30,6%); mỳ bún, cháo ăn liền (+16,2%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc (gấp 2 lần); giấy vệ sinh (+26%)... Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có mức sản xuất giảm do nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất trong nước tăng chậm, như: kính nổi giảm 1%; ruột bình, ruột phích giảm 6,1%; điện thoại thông minh giá <10 triệu đồng giảm tới 25,6%; tấm nhựa giảm 2,6%; xe có động cơ để vận tải hàng hóa giảm 4,3%,.. So với cùng tháng năm trước, hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều giảm, như: thuốc lá, quần áo các loại, sắt thép, điện thoại thông minh, linh kiện điện tử, các sản phẩm bằng gỗ,… Lũy kế 7 tháng so với cùng kỳ, nhiều sản phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đều giảm sâu, như: nhóm áo sơ mi, áo khoác, comle, áo phông giảm 67,3%; sơn và vecni các loại giảm 25,8%; ruột bình, ruột phích giảm 11,6%; thùng, can, hộp giảm 24,8%; điện thoại di động thường giảm 18,2%; điện thoại di động thông minh giảm 11,1%; màn hình điện thoại giảm 25,6%; pin điện thoại giảm 26%...
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Tháng 7, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 5% so cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 4,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,7%.
3. Đầu tư
3.1. Vốn đầu tư
Tháng 7, tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 659,6 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 50% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.571,1 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cấp tỉnh đạt 1.958,4 tỷ đồng, tăng 4,3%; cấp huyện đạt 856 tỷ đồng, gấp 2 lần và cấp xã đạt 756,6 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Như vậy, tính đến ngày 20/7, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cấp tỉnh (chưa tính ODA) đạt 42,6% và tỷ lệ giải ngân ngân sách địa phương (bao gồm cả ngân sách cấp huyện, xã) đạt 58,6%; đã có 157/170 gói thầu được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng, chiếm 92% (vượt 53% so với quy định).
3.2. Hoạt động cấp phép đầu tư
Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã thu hút 111 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 327,9 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, giảm 8,3% về số dự án và giảm 47,4% về vốn đăng ký. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.598 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 19.564,2 triệu USD. Trong đó, có các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 83,2% và tập trung ở một số nước, như: Hàn Quốc 1.201 dự án, Trung Quốc 112 dự án, Nhật Bản 86 dự án.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
4.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Tính chung, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 5.115,7 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu ước đạt 32.649,9 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2019.
a) Bán lẻ hàng hóa: Tháng 7, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 25.425,2 tỷ đồng, vẫn giảm 12,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ những tháng đầu năm, nên ngoài 2 nhóm hàng ô tô các loại và đá quý, kim loại quý có chỉ số tăng (+0,9% và +6,6%), còn lại 10/12 nhóm hàng có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước.
b) Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác: Tháng 7, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.083,8 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 9,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 438,4 tỷ đồng, tăng 6,8% và giảm 3,1%; dịch vụ khác đạt 622,1 tỷ đồng, tăng 3% và giảm tới 13,4%. Lũy kế 7 tháng, doanh thu chung của các ngành dịch vụ ước đạt 6.417,7 tỷ đồng, vẫn giảm sâu (-25,8%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 2.152,9 tỷ đồng và giảm 34,5% do bị tác động “kép” của dịch Covid-19 và Nghị định 100; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,1 tỷ đồng, giảm tới 63,5%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.175,7 tỷ đồng, giảm 19,4%.
4.2. Tình hình giá cả
a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 7, CPI tăng 0,34% so với tháng trước, tăng 4,85% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng 4,84% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm hàng có chỉ số tăng cao, như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 16,43%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng tới 20,65% (trong đó riêng giá thịt lợn tươi sống đã tăng tới 73,34% so với cùng kỳ, nên đã tác động đẩy tăng 4,5% chỉ số chung, là nhân tố chính khiến CPI tăng 4,84%). May mặc, mũ nón giày dép tăng 3,5%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,07%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,03%;...
b) Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ: Tháng 7, giá vàng trên địa bàn tỉnh đã tăng 3,68% so với tháng trước; tăng 27,1% so với cùng tháng năm trước và tăng 20,16% so với tháng 12/2019. Giá vàng bán ra bình quân trong tháng ở mức 4.965 nghìn đ/chỉ. Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, giá vàng đã lập đỉnh mới sau 9 năm, đến ngày 23/7 đã ở mức 5.250 nghìn đồng/chỉ. Trong khi đó, biến động trái chiều với giá vàng, giá đô la Mỹ lại có xu hướng giảm. Bình quân trong tháng, giá đô la Mỹ được bán ra ở mức 23.286 đ/USD, giảm 0,03% (-53đ/USD) so với tháng trước và giảm 0,09% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 7 tháng so với cùng kỳ, giá vàng tăng 24,49%, giá USD tăng 0,27%.
4.3. Xuất, nhập khẩu
a) Xuất khẩu: Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.907,5 triệu USD, tăng 16,4% so với tháng trước và tăng 23,1% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17.589,3 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân 133,3 triệu USD, gấp 2,1 lần; khu vực FDI đạt 17.456 triệu USD, chiếm tỷ trọng 99,2% và tăng 5,3%.
b) Nhập khẩu: Tháng 7, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.598,7 triệu USD, tăng 16,4% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 15.419,4 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng diễn ra ở hầu hết các nhóm hàng là nguyên liệu cho sản xuất, như: NPL chế biến thức ăn gia súc (+8,6%); NPL dược phẩm (+20,1%); chất dẻo nguyên liệu (+34,8%); vài các loại (+17,7%); phụ liệu hàng dệt may (+11,9%); kim loại thường (+47%); linh kiện điện tử, điện thoại (+8,6%).
5. Giao thông vận tải
5.1. Sản lượng vận tải
Vận tải hành khách: Tháng 7, khối lượng vận chuyển ước đạt 1,73 triệu HK, tăng 2,4% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm tới 28,5% so với cùng tháng năm trước[1]; luân chuyển đạt 80,6 triệu HK.km, tăng 2,5% và giảm 24,9%. Lũy kế 7 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 9,4 triệu HK, giảm 42,3% so cùng kỳ năm 2019 và luân chuyển đạt 439,2 triệu HK.km, giảm 39,5%. Vận tải hàng hoá: Tháng 7, khối lượng vận chuyển ước đạt 3,4 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 170,7 triệu tấn.km, tăng 1% và tăng 5,1%. Lũy kế 7 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 18,9 triệu tấn, giảm 15,8% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 983 triệu tấn.km, giảm 12,1%.
5.2. Doanh thu vận tải
Tháng 7, doanh thu vận tải ước đạt 604,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải bị ngừng trệ, doanh thu giảm sâu ở các tháng đầu năm nên tổng doanh thu ước đạt 3.501,3 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 607,3 tỷ đồng, giảm 40%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.421,6 tỷ đồng, giảm 11,1%. Trong khi đó, hoạt động logistics của Bắc Ninh được duy trì ổn định nhằm đáp ứng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nên doanh thu đạt 1.472,4 tỷ đồng, tăng 4,9%.
6. Tài chính
Tháng 7, tổng thu ngân sách ước đạt 1.653,9 tỷ đồng, xấp xỉ so với tháng trước nhưng giảm 54,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng thu ngân sách đạt 16.411,8 tỷ đồng, đạt 56% dự toán năm và giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 13.111,4 tỷ đồng, đạt 57,6% và giảm 12,5%; thu từ hải quan 3.300 tỷ đồng, đạt 50,2% và giảm 14,8%. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7 ước đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 10.788 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán và tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển 6.572 tỷ đồng, tăng 12,9% và chi thường xuyên 4.213 tỷ đồng, tăng 15,6%.
7. Ngân hàng - Tín dụng
Từ cuối tháng 6/2020, lãi suất huy động và cho vay đã được điều chỉnh giảm, cụ thể: lãi suất huy động giảm mạnh 0,05-0,8%/năm ở các kỳ hạn, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của 02 chi nhánh NHNN và PTNT giảm 0,2%/năm (còn 4,8%/năm), lãi suất cho vay SXKD thông thường của một số đơn vị giảm 0,5%/năm. Đến cuối tháng 7, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 156.600 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 42,5% so với cùng tháng năm trước và tăng 25,7% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 0,9% ; tăng 5,4% và tăng 0,5%. Dự kiến đến hết tháng 7/2020, nợ xấu là 1.300 tỷ đồng chiếm 1,44% tổng dư nợ và tăng 32,7% so với cùng tháng năm trước.
8. Một số vấn đề xã hội
8.1. Hoạt động y tế
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến được đảm bảo, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nên các hoạt động phòng chống dịch bệnh, các dự án, chương trình y tế cộng đồng được chú trọng thực hiện. Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhưng cũng xuất hiện một số dịch bệnh rải rác theo mùa, như: thủy đậu, cúm A, tay chân miệng, sốt phát ban, tiêu chảy... Tuy nhiên, sau hàng chục năm liên tiếp được loại trừ, bệnh Bạch hầu đang có nguy cơ xuất hiện trở lại và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, nhất là khi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong.
8.2. Giáo dục - đào tạo
Trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng một thời gian dài, nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai nhiều hình thức học tập và đã hoàn thành, kết thúc năm học 2019-2020 theo chương trình điều chỉnh của Bộ GD-ĐT. Trong 2 ngày 18 và 19/7, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào THPT công lập năm học 2020-2021 với gần 14.200 thí sinh đăng ký thi tuyển vào 23 trường THPT công lập (trong đó có 01 trường THPT Chuyên) và tổng xét duyệt 11.600 chỉ tiêu. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 14.664 thí sinh dự thi (gồm cả thí sinh tự do) được tổ chức ở 25 đểm thi với 632 phòng thi. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8 và dự kiến ngày 27/8 sẽ công bố kết quả thi; chậm nhất 30/8 hoàn thành sơ bộ công tác xét tốt nghiệp THPT và chậm nhất 23/9 hoàn thành xét tốt nghiệp THPT năm 2020 sau phúc khảo.
8.3. Hoạt động văn hoá, TDTT
Các hoạt động văn hoá, thể thao được các ngành và địa phương tổ chức sôi nổi, nhân dân tích cực tham gia, góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở các khu dân cư. Nhiều giải đấu thể thao cấp tỉnh được tổ chức thu hút đông đảo các vận động viên tham gia, như: giải vô địch bơi các nhóm tuổi; giải cầu lông công nhân viên chức, lao động các khu công nghiệp…Thể thao thành tích cao được chú trọng và từng bước được cải thiện về chất lượng trên đấu trường trong và ngoài nước. Trong tháng cũng đã cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu tại các giải trẻ vô địch quốc gia.
8.4. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
Trật tự xã hội: Trong tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện 43 vụ vi phạm về trật tự xã hội, cờ bạc và mại dâm với 120 đối tượng. Trong đó, có 4 vụ đánh bạc với 29 đối tượng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 43 vụ với 92 đối tượng; trong đó có 6 vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (5 vụ án về kinh tế và 01 vụ án về TTXH). Tình hình an toàn giao thông: Tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 10 người và bị thương 2 người. Các lực lượng chức năng đã xử phạt 2.831 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp kho bạc 3,16 tỷ đồng. Sau 7 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ TNGT, làm 40 người chết và 17 người bị thương, so với cùng kỳ năm trước, giảm 2 vụ, giảm 4 người chết và giảm 2 người bị thương.
8.5. Tình hình cháy, nổ và vi phạm môi trường
Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy nổ, thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy nổ, làm 1 người chết và thiệt hại về tài sản gần 4,5 tỷ đồng. Các ngành chức năng cũng tiến hành kiểm tra và phát hiện 39 vụ vi phạm môi trường với 39 cá nhân vi phạm. Tiến hành xử phạt 49 vụ, 35 cá nhân và 18 tổ chức với tổng số tiền nộp phạt kho bạc là 1,375 tỷ đồng../.