Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/11/2013-18:14:00 PM
Việt Nam và cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh

(MPI Portal) - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam đã tổ chức Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế. Chủ đề của buổi đối thoại là “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác Phòng, chống tham nhũng”.

Tham dự sự kiện về phía Chính phủ Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; phía quốc tế có Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes, cùng đại diện các Đại sứ quán, Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế, các Phòng Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề; và các cơ quan thông tấn báo chí.

Nhận thức của doanh nghiệp về tham nhũng: doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân tạo tham nhũng.

Toàn cảnh buổi Đối thoại.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Theo một số nghiên cứu về tình trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số doanh nghiệp (58%) cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng vặt, mà nguyên nhân là nhằm đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc các đơn vị dịch vụ công. Trong đó, 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ nhằm tạo lợi thế trong giải quyết các thủ tục hành chính, 30% doanh nghiệp đưa hối lộ là theo gợi ý của các cán bộ công chức, nhưng tựu chung lại cũng là vì mục đích nhằm giải quyết công việc nhanh chóng. Những số liệu trên đây cho thấy mức độ phổ biến của tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp mà hơn nữa là nhận thức rõ ràng của doanh nghiệp về việc đưa hối lộ.

Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp, tham nhũng, đưa hối lộ là cách thức để thực hiện kinh doanh tại Việt Nam. Tham nhũng không chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà còn diễn ra phổ biến giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước và giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau dưới hình thức được gọi là hối lộ thương mại. Các nguyên nhân được nhận định là do thủ tục hành chính không minh bạch, tạo kẽ hở cho công chức lạm dụng; trong khi đó, doanh nghiệp thiếu hiểu biết về quy định pháp luật, cùng với thiếu nỗ lực tập thể trong việc tuân thủ các quy định pháp luật đã khiến cho tình trạng tham nhũng, hối lộ cửa quyền ngày càng trở nên cấp thiết.
Hệ quả của tham nhũng đối với hoạt động của các doanh nghiệp
Đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp thường xuyên hối lộ thì kinh doanh kém hiệu quả hơn, trong khi các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp khác ngoài hối lộ thì kinh doanh tốt hơn. Tham nhũng, hối lộ được đánh giá là có tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh công bằng, đồng thời giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư “sạch”. Theo một nghiên cứu chỉ ra rằng, rủi ro của các công ty đa quốc gia đã gia tăng trong vòng 2 năm gần đây, theo đó 42% doanh nghiệp thừa nhận tham nhũng đã làm gia tăng rủi ro cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đó không chỉ là quan ngại của các doanh nghiệp nước ngoài mà còn có khả năng tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, đầu tư của khu vực nước ngoài (tính trong GDP) những năm gần đây đã sụt giảm từ mức 10,4% năm 2007 xuống còn 7,4% tính đến hết Quý 3 năm 2013. Tuy nhiên Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hoạt động pháp lý của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng là hết sức tích cực
Đây là đánh giá của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam. Đồng thuận với nhận định này, ông Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam khẳng định Việt Nam đã đưa ra những tuyên bố hết sức mạnh mẽ về chống tham nhũng, theo đó Luật Phòng chống tham nhũng và những Nghị định đi kèm đã được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủphát biểu tại buổiĐối thoại. Ảnh: Thanh Sơn
(MPI Portal)
Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phòng, chống tham nhũng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường; chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp…. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng sang “khu vực tư”, hình sự hóa “hành vi làm giàu bất hợp pháp” hay vấn đề “trách nhiệm hình sự của pháp nhân” để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ Luật hình sự sắp tới. Thanh tra Chính phủ hiện đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước.

Giám đốc WB cũng đánh giá rằng vấn đề thực thi các chủ trương, chỉ đạo về chống tham nhũng còn hạn chế, không có các hoạt động mang tính đột phá. Đại sứ Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, với các định hướng đề ra, Việt Nam cần hoạch định những kế hoạch hành động cụ thể, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tăng cường minh bạch, phi tham nhũng trong doanh nghiệp, vai trò hỗ trợ của cộng đồng tài trợ quốc tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Đối thoại.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh minh bạch phải xuất phát từ các cơ chế, hệ thống pháp lý của Chính phủ, sau đó là những cam kết về trách nhiệm xã hội, thực hiện minh bạch và liêm chính từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm những vi phạm về tham nhũng và thói nhũng nhiễu của nhiều công chức nhà nước, đồng thời cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.

Đại diện đến từ VCCI khẳng định vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện minh bạch và phi tham nhũng trong doanh nghiệp. VCCI đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử CoC, là quy tắc mang tính tự nguyện giữa các công ty, hiệp hội, đoàn thể nhằm đưa ra các nguyên tắc xử thế của một tổ chức trong kinh doanh.
Tuy nhiên, đại diện WB cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam cần xem xét vấn đề tham nhũng, hối lộ không chỉ trên khía cạnh đạo đức mà còn xem xét trên khía cạnh là vấn đề kinh tế. Theo đó, đòi hỏi mang tính kinh tế thể hiện qua biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện minh bạch trong các hoạt động cấp phép, đấu thầu, mua sắm công.

Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu tại buổi Đối thoại. Ảnh: Thanh Sơn
(MPI Portal)
Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng tài trợ trong công tác chống tham nhũng tại Việt Nam, ông Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết, cộng đồng quốc tế bao gồm các bên có liên quan cần khẳng định vai trò đối tác và có những động thái cụ thể và thiết thực nhằm đóng góp cho thành công của công tác chống tham nhũng tại Việt Nam.

Đại diện các tổ chức quốc tế khác có mặt tại Đối thoại như Đại sứ Đan Mạch, Thụy Điển tại Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng và khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh nhằm tăng tính hấp dẫn và tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư của Việt Nam, thu hút nhiều hơn đầu tư của các đối tác nước ngoài./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1796
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)