(MPI) - Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Ngày 02/02/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-BKHĐT về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nghị định 50/2016/NĐ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các Luật có liên quan như: Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014... Hiện nay, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định số 01/2021/NĐ-CP) và Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) cũng đã được Chính phủ ban hành đầu năm 2021 và đã có hiệu lực thi hành.
Nghị định 50/2016/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như lĩnh vực quy hoạch, lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Nghị định 50/2016/NĐ-CP chưa có biện pháp xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không khai báo, không làm thủ tục giải thể. Trong lĩnh vực đầu tư, mức xử phạt đối với một số hành vi còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong lĩnh vực đấu thầu, nội dung đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chưa được đưa vào Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Một số hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chưa được thể hiện cụ thể thành hành vi vi phạm trong Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Từ những lý do đó việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là rất cần thiết. Các quy định của Nghị định này sẽ bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành.
Quan điểm và nguyên tắc xây dựng Dự thảo Nghị định là quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thực sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong quá trình xây dựng Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định 81/2013/NĐ-CP); Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP (Nghị định 97/2017/NĐ-CP) và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính của một số ngành, lĩnh vực liên quan nhằm hạn chế tối đa việc chồng chéo về hành vi, thẩm quyền xử phạt.
Đồng thời, kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định 50/2016/NĐ-CP, loại bỏ hoặc chỉnh lý một số quy định trong Nghị định số 50/2016/NĐ-CP không còn phù hợp; đồng thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những nội dung mới phù hợp với các luật: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật trên, hài hòa với mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi đi ngược với quan điểm cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề pháp luật không cấm.
Dự thảo Nghị định gồm 04 Chương, 83 Điều, trong đó, Chương I: Quy định chung (gồm 05 Điều, từ Điều 1 đến Điều 5). Chương II: Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 68 Điều, từ Điều 6 đến Điều 73. Chương III: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (gồm 07 Điều, từ Điều 74 đến Điều 80). IV: Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 81 đến Điều 83)./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư