Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/05/2021-15:07:00 PM
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 06/5/2021, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam (06/5/1946 - 06/5/2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Trần Quốc Phương và đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Thống kê. Ảnh: MPI

Ngành Thống kê - 75 năm xây dựng và phát triển

Phát biểu tại sự kiện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, tiền thân của Tổng cục Thống kê ngày nay.Việc thành lập Nha Thống kê Việt Nam ngay từ những ngày đầu dựng nước đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và việc thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin, đó là “Thống kê kinh tế - xã hội là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để nhận thức xã hội”.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành Thống kê đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý các cấp, người dùng tin trong nước và quốc tế.

Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với các tên gọi khác nhau, chức năng, nhiệm vụ có thay đổi nhưng nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong 75 năm qua của ngành Thống kê là biên soạn và cung cấp thông tin kinh tế - xã hội, những bằng chứng xác thực giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, giám sát, đánh giá và chỉ đạo thực hiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các Bộ, ngành và địa phương.

Với những thành quả đạt được trong 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao. Nhân dịp này, Tổng cục Thống kê vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận ngày 06/5 hàng năm là “Ngày Thống kê Việt Nam” vinh danh những đóng góp của toàn ngành Thống kê đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa và phát huy những thành tựu và kết quả đạt được trong 75 năm qua, trong thời gian tới ngành Thống kê sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển nhanh và vững chắc. Để làm được điều này, toàn ngành Thống kê sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; Đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; Đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê; Tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: MPI

Ngành Thống kê có vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, trải qua chặng đường lịch sử 75 năm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thống kê đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với tinh thần chủ động, tận tâm, tận tụy, bản lĩnh vững vàng, đổi mới sáng tạo, không ngừng vươn lên, nêu cao trách nhiệm và lòng yêu nghề, vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Thống kê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng, trong đó yêu cầu “ngành Thống kê đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tập trung, thống nhất và độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp số liệu xác thực” và “góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư chúc mừng và đánh giá ngành Thống kê đã “thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk chúc mừng Tổng cục Thông kê “là một tổ chức vững mạnh với danh tiếng tốt trong việc tạo ra dữ liệu chất lượng cao cho Chính phủ Việt Nam và cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước”.

Xuyên suốt 75 năm hình thành và phát triển, trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Thống kê đều có những đóng góp quan trọng, đậm dấu ấn vào sự phát triển và những thành tựu to lớn của đất nước thông qua việc thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành. Đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của ngành Thống kê đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khái quát 05 thành tích nổi bật trong bề dầy lịch sử của ngành Thống kê trong quá trình đổi mới và hội nhập từ năm 1986 tới nay.

Thứ nhất, ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra thống kê quy mô lớn, tạo nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ấn phẩm, chuyên đề thống kê được biên soạn ngày càng chất lượng, nội dung ngày càng đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt nhiều đối tượng dùng tin khác nhau, trong đó nổi bật có thể kể đến như: niên giám thống kê, sách trắng doanh nghiệp, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm, số liệu GDP và GRDP…

Xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý và cả năm; làm rõ thêm các vấn đề trọng tâm cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên tổ chức họp báo hàng quý ở cả cấp Trung ương và địa phương, có giải trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan số liệu thống kê, nhận được sự đồng tình cao của xã hội và người dân.

Đặc biệt, ngành Thống kê đã chủ động, công phu biên soạn và cập nhật số liệu để phục vụ công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội trong việc tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ hai, ngành Thống kê đã và đang hoàn thiện môi trường pháp lý, giúp hoạt động thống kê từng bước đi vào nền nếp và hội nhập. Cụ thể, sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988, Luật Thống kê năm 2003, Luật Thống kê sửa đổi năm 2015, cùng theo đó là sự ra đời của các Nghị định, Thông tư dưới luật… cho thấy bước tiến dài trong việc củng cố môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Cùng với hệ thống văn bản pháp lý, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và sắp tới đây, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cùng nhiều Đề án quan trọng được Chính phủ phê duyệt là những căn cứ quan trọng, tầm nhìn chiến lược, định hướng lâu dài cho Thống kê Việt Nam tiếp bước ngày một vững chắc trong bối cảnh đòi hỏi về thông tin thống kê ngày càng nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Thứ ba, chuyên môn, nghiệp vụ thống kê từng bước được đổi mới, đi vào chuyên sâu trên mọi mặt, đáp ứng ngày càng toàn diện yêu cầu đánh giá và dự báo tình hình trong nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đảm bảo tính so sánh quốc tế.

Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số năng lực thống kê Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt từ 64,44 điểm năm 2010 tăng lên 74,44 năm 2020, tăng 2 bậc và hiện xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, chỉ số phương pháp luận thống kê năm 2020 đạt 50 điểm, tăng 20 điểm so với năm 2010.

Thứ tư, ngành Thống kê là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Năm 2019, Tổng cục Thống kê đã được trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các khâu từ thu thập, chuyển từ phiếu giấy truyền thống sang phiếu điện tử trên thiết bị di động và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet, tới xử lý và phân tích thông tin giúp nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch, rút ngắn thời gian công bố, tiết kiệm chi phí, đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng tin của các đối tượng.

Thứ năm, quan hệ hợp tác giữa Thống kê Việt Nam và thống kê các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế ngày càng mở rộng, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trên các diễn đàn quốc tế. Trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê của các tổ chức quốc tế như: Thống kê Liên hợp quốc, thống kê ASEAN; chủ động tích cực, tham gia thường xuyên và có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á…

Thống kê Việt Nam cũng triển khai hợp tác song phương hiệu quả với thống kê nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là những thành tích mà ngành Thống kê cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thống kê Việt Nam" cho các đại biểu. Ảnh: MPI

Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra một cách mạnh mẽ thì vai trò của ngành Thống kê sẽ còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn tới.

Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị về chiến lược và tầm nhìn ngành Thống kê trong giai đoạn phát triển tới cần: "Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới".

Để phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý ngành Thống kê trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê đặc biệt công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; phản ánh kịp thời và dự báo những biến động lớn của từng ngành, lĩnh vực; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác phân tích xây dựng các “kịch bản” phát triển kinh tế - xã hội chính xác, đầy đủ, kịp thời, chuyên sâu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.Tiếp tục tập trung thực hiện tốt tất cả các cuộc điều tra, trong đó, đặc biệt là Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Hai là, tập trung xây dựng chương trình hành động và kế hoạch chi tiết để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Thống kê giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nền tảng nhằm hướng tới xây dựng hệ thống thống kê Việt Nam hiện đại theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác phương pháp chế độ thống kê, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng cục Thống kê cần hoàn thiện, ban hành mới các phương án điều tra, chế độ báo cáo thống kê, áp dụng một số phương pháp thống kê mới; Khẩn trương triển khai việc kết nối chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả, phục vụ quản lý, điều hành các cấp.

Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn với chất lượng đội ngũ ngày càng cao, tập trung đào tạo, đào tạo lại nhằm trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác, nâng cao vị thế Thống kê Việt Nam trong khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần Thống kê thế giới “Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”. Đội ngũ lãnh đạo cốt cán của Ngành từ Trung ương đến địa phương cần có tinh thần trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, nêu cao tinh thần nêu gương.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đẩy mạnh cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại. Việc hội nhập là cơ hội rất tốt để ngành Thống kê có thể tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức thống kê, các nước có trình độ thống kê tiên tiến trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết nhất trí, nhiệt huyết đổi mới, khát vọng vươn lên và sự năng động sáng tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tin tưởng rằng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thống kê tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn trong 75 năm qua, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, ngày càng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng với các thế hệ đi trước và niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1774
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)