(MPI) – Sáng ngày 09/6/2021, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp để thảo luận về việc xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tham dự cuộc họp các thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn của Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Vì vậy, cần khẩn trương phân tích, đánh giá thực trạng tình hình; rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và có các giải pháp, đối sách quyết liệt, đồng bộ, tổng thể trên các lĩnh vực để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời có giải pháp phù hợp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tại Văn bản số 3618/VPCP-KHTH ngày 31/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chuẩn bị Đề án thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình hiện nay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Chính phủ tháng 6/2021. Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP 08/6/2021 của Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.
Tại cuộc họp, báo cáo dẫn đề Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung cho biết về bối cảnh trong nước và quốc tế 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại các quốc gia triển khai tiêm vắc-xin trên quy mô lớn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Sản xuất hàng hóa và hoạt động thương mại phục hồi nhanh, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng và sản xuất tăng nhanh trở lại. Tuy vậy, lạm phát có xu hướng tăng tại một số quốc gia do nhu cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ, một số quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới như Đức, Mỹ… Dịch bệnh covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt các quốc gia châu Á, Đông Nam Á, tiềm ẩn ở châu Âu làm gia tăng rủi ro dịch bệnh đối với Việt Nam.
Trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đáng khích lệ, tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh, lãi suất ở mức thấp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh; tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở mức cao. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tiếp tục có tác động tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… đồng thời ra tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế.
|
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung báo cáo dẫn đề Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh: MPI |
Về các nội dung nghiên cứu, thảo luận, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở phân tích về cơ hội, khó khăn, thách thức và các dự báo trong các tháng còn lại của năm 2021, Đề án sẽ tập trung thảo luận, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021.
Trong đó, về quan điểm, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, xây dựng chính sách, tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Về đối tượng, cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đối tượng thuộc các thành phần kinh tế, khu vực và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, du lịch, nhà hàng, lữ hành, có vai trò, tiềm năng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân tích thành 2 nhóm chính. Thứ nhất, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Các chính sách cần cụ thể, rõ ràng, đảo đảm tính khả thi để thực hiện với quan điểm đối tượng cụ thể, chính sách phải trọng tâm.
Thứ hai, các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Các chính sách tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới như: cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động…
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát buổi tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra, việc xây dựng Đề án là cần thiết và đánh giá cao những nội dung và kết cấu của Đề án. Đồng thời, đưa ra những góp ý cho rằng, về đánh giá tình hình quốc tế, lên đưa ra các vấn đề như các đối tác lớn của Việt Nam đã phục hồi và mở cửa trở lại như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước châu Âu, việc G7 họp thống nhất về chính sách thuế là không cho các tập đoàn đa quốc gia chuyển thuế ra các thiên đường thuế, vấn đề đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển… Về bối cảnh trong nước, cần nêu ra hiệu quả của các chính sách đã ban hành, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư đến các vùng động lực của nền kinh tế.
Về các giải pháp của 6 tháng cuối năm 2021, các chuyên gia cho rằng, an toàn xã hội, đẩy nhanh tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp cần phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp phải đảm bảo vấn đề an toàn sản xuất, các khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm 5k + vắc-xin. Đồng thời, để đảm bảo an toàn sản xuất phải tiêm vắc-xin cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ cao; xe vận chuyển hàng hóa quá cảnh; khu vực hải quan, cần có các chính sách đầu tư đặc biệt, ưu đãi mạnh hơn cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, tiếp tục đẩy nhanh hộ chiếu vắc-xin để thúc đẩy du lịch, hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo lên động lực phát triển...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các giải pháp cần rà soát lại theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, xem giải pháp nào cần tiếp tục nhấn mạnh, giải pháp nào còn dư địa. Đồng thời đề nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trên góc độ, lĩnh vực của đơn vị mình quản lý đưa ra những ý kiến đóng góp, đánh giá về những động lực tăng trưởng, xem những động lực còn dư địa tăng trưởng trong ngắn, dài hạn và các giải pháp để thực hiện. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Bộ sẽ xem xét, có ý kiến để hoàn thiện Đề án, thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2021./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư