Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/06/2021-10:22:00 AM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Công Thương (Xem tin ảnh)
(MPI) – Chiều ngày 18/6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Công Thương để trao đổi về công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng của hai Bộ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Bộ và đại diện các đơn vị của hai Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, hai Bộ đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của ngành Công Thương; vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân; kinh tế tập thể, hợp tác xã; thu hút FDI; phát triển công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp; thống kê,…

Trong thời gian tới, để cụ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp vật liệu; công nghiệp chế biến, chế tạo; cơ khí và điện tử; chuyển đổi số trong phát triển; nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tiếp tục thu hút FDI để tận dụng các hiệp định thương mại tự do, xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp trong nước và thương mại điện tử.

Đề xuất các nội dung phối hợp công tác giữa hai Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết gồm có 3 nhóm lĩnh vực: tăng cường cơ chế phối hợp để tham mưa cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô; hợp tác về cơ chế chia sẻ thông tin và chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Trong đó, về tăng cường cơ chế phối hợp để tham mưu cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành phân tích, đánh giá, dự báo tác động kinh tế - xã hội, từ đó xác định các chính sách đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khóa, tỷ giá, xuất nhập khẩu, thương mại và giá cả dầu thô, nguyên vật liệu sản xuất… đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Đẩy mạnh cơ chế chia sẻ thông tin về công tác thống kê, mở rộng cấp độ cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin để cơ chế này ngày càng đi vào chiều sâu. Thông tin về cơ chế chính sách, xúc tiến đầu tư, số liệu đầu tư nước ngoài để các vụ Thị trường nước ngoài/Thương vụ của Bộ Công Thương kịp thời nắm bắt, phối hợp xử lý vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước. Thông tin về các cuộc điều tra, thống kê gắn với doanh nghiệp để các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, từ đó nâng cao chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Về chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm định hướng những chính sách căn bản thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện số hóa, công nghiệp hóa phương thức sản xuất, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp nhằm khai thác triệt để thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về phát triển công nghiệp đến năm 2030 theo Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương đã ban hành văn bản gửi các địa phương quán triệt các nội dung nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất và xác định một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để đảm bảo tính đồng bộ trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp và hỗ trợ triển khai một số nội dung về phân bố không gian, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, về thu hút đầu tư FDI trong phát triển công nghiệp, tạo lập chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm: Vụ Kinh tế công nghiệp, Tổng cục Thống kê, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Cục Phát triển doanh nghiệp, Vụ Kinh tế dịch vụ, Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Cục Quản lý đầu thầu và Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân đã chia sẻ các vấn đề phối hợp thực hiện công tác thống kê, mở rộng tốc độ cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin để cơ chế này ngày càng đi vào chiều sâu; Một số vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật đấu thầu thuộc ngành Công Thương; Tình hình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch; Công tác phát triển doanh nghiệp và cơ chế chính sách của một số ngành công nghiệp trọng điểm, công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và đánh giá cao buổi làm việc của hai Bộ và cho rằng, hai Bộ cần tiếp tục phối hợp thường xuyên hơn để chia sẻ thông tin với nhau, kịp thời giải quyết những vấn đề chung của đất nước từ những việc riêng của từng Bộ, từng Ngành. Đồng thời, thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương là hai Bộ cần xây dựng một thỏa thuận để theo dõi, đánh giá, đôn đốc, thúc đẩy hợp tác để cùng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi Bộ một cách tốt nhất.

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là một vấn đề lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn thông qua Chương trình có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, năng suất, chất lượng để tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Về công tác phối hợp trong xây dựng thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng các luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và địa phương để lồng ghép các kế hoạch phát triển của ngành Công Thương trong các quy hoạch này. Đồng thời, trong công tác xúc tiến đầu tư, hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ để xúc tiến thương mại hỗ trợ cho xúc tiến đầu tư, tương trợ lẫn nhau. Trong cơ chế phối hợp để tham mưu điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô thông qua Tổ 1317, hai Bộ sẽ tiếp tục duy trì để hàng tháng có đánh giá, phân tích, dự báo tình hình trong nước, xu hướng nước ngoài, giá cả, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thể tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, vai trò, vị trí của ngành Công Thương rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, mở rộng các thị trường trong nước, nước ngoài để tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời hi vọng, với những chủ trương, đường lối của Đảng, Bộ Công Thương sẽ vươn dậy mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng một nền kinh tế tự chủ hội nhập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn mong muốn, ủng hộ và kỳ vọng ngành Công Thương sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3776
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)