Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/07/2021-14:35:00 PM
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021
(MPI) - Chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 diễn ra ngày 01/7/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời câu hỏi của nhà báo liên quan đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 và phương án thực hiện để đạt mục tiêu này.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham gia bàn chủ tọa Họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: chinhphu.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại cụ thể như sau:

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 6,5%. Với kịch bản 2, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%. Như vậy, có thể nói kế hoạch sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2021, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Về tiến độ thực hiện, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 80% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ về công tác xây dựng, thi hành hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động và sử dụng các nguồn lực, xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội trọng điểm, tăng cường liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đối khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau nỗ lực tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19, các nước phát triển đã dần mở cửa trở lại. Trong nước, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với 2 đợt dịch bùng phát vào tháng 01 và tháng 4 năm 2021, đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đợt dịch lần thứ 4 này đã tác động đến trung tâm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là thành phố Hồ Chí Minh, gây gián đoạn hoạt động sản xuất tại một số khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.

Trước tình hình đó, thực hiện “mục tiêu kép”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao; các bộ, ngành, địa phương thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và an toàn của người dân, duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp khó khăn; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Các cơ quan, cả Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ. Lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm được duy trì, công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe Nhân dân được bảo đảm, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tiếp tục tăng chi cho các hoạt động y tế, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp do dịch Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang có dấu hiệu tiến triển phức tạp tại Việt Nam, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu hoàn thành đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đề ra; theo đó cần khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn dầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1710
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)