(MPI) – Ngày 02/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1054/QĐ-TTg về thành viên của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 gồm 28 thành viên.
Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Phó Chủ tịch Thường trực), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Ủy viên Hội đồng gồm Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) và Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quy định tại Điều 5 và Điều 8 Quyết định số số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025.
Theo Điều 5, Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung phát triển vùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước. Danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng. Phương án huy động nguồn lực, phương án phân bổ vốn đầu tư đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đối với các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế khác cho hoạt động liên kết vùng, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua kế hoạch điều phối liên kết vùng hằng năm của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về danh mục các chương trình, dự án đầu tư công có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; giải quyết các vấn đề về liên kết, phối hợp giữa các bộ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giữa các tỉnh trong vùng; theo dõi, đôn đốc giải quyết các vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.
Hội đồng còn có nhiệm vụ thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động về phát triển bền vững vùng ĐBSCL; tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng; thành lập các tiểu ban điều phối theo ngành, lĩnh vực, hoặc theo các tiểu vùng; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư