(MPI) – Ngày 25/7/2021, Quốc hội thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Thực hiện thành công mục tiêu kép
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm năm 2021, nhất là việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, do đó việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng Chính phủ đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, qua đó “mục tiêu kép” ngày càng đạt được những kết quả tích cực, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, tập trung vào ưu tiên cho công tác phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như chú trọng tháo gỡ khó khăn về thể chế cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), là địa phương vừa vượt qua đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, trân trọng chuyển những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cử tri, nhân dân Bắc Giang đến với người dân cả nước, các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã giúp đỡ Bắc Giang trở về với trạng thái bình thường. Đồng thời khẳng định tuyệt đối tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ. Tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thích ứng linh hoạt trong dịch bệnh, có như vậy sự phát triển trong quý IV mới là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2021.
Tiếp tục kiên định mục tiêu kép
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn. Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo “mục tiêu kép”, sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết; trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ xây dựng cụ thể, có tính toán, cân nhắc kỹ và đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao. Trong kiên định thực hiện mục tiêu kép, thời gian tới, Chính phủ dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp - một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết.
“Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “Made in Vietnam” càng sớm càng tốt,ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư