Ngày 6-8, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc về việc xây dựng và phát triển KCNC Hòa Lạc.
Dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Theo báo cáo của Ban quản lý KCNC Hòa Lạc, hiện nay tổng diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao cho Ban quản lý là 911,7 ha trong tổng số 1.469 ha cần phải giải phóng mặt bằng. Nguồn kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mới đạt hơn 1.477 tỷ đồng. Trong khi đó, với 557,3 ha chưa được giải phóng mặt bằng, số kinh phí dành cho công tác này lên tới hơn 6.031 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư. Việc bố trí vốn cho công tácgiải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm so với tiến độ và kế hoạch đề ra ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút và xúc tiến đầu tư của KCNC thời gian qua. Ðáng chú ý, hiện nay thời hạn giao mặt bằng cho các dự án lớn như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCNC bằng vốn ODA của Nhật Bản; Dự án xây dựng Trường đại học Khoa học và Công nghệ bằng vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bị chậm so cam kết.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành của thành phố, chính quyền hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai tháo gỡ các vướng mắc, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ; các đơn vị của thành phố tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, chú trọng việc triển khai các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù dành cho KCNC. Ban quản lý KCNC cần tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, phối hợp chặt chẽ UBND hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, tập trung giải quyết dứt điểm các khu vực trọng điểm, cũng như tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự và xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
* Chiều 6-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về công tác quản lý văn hoá trên địa bàn. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Thời gian qua, công tác quản lý văn hóa của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có thêm 30 di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đã được xếp hạng; bốn hồ sơ xác nhận đề nghị thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp quốc gia. Thành phố cũng hoàn thành việc lập hồ sơ năm di tích đề nghị Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt... Công tác tổ chức lễ hội có nhiều đổi mới, đã khắc phục được nhiều hiện tượng mê tín, dị đoan, tệ nạn cờ bạc. Việc cưới, việc tang theo nếp sống mới được tổ chức văn minh, tiết kiệm, trang trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định, với vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, TP Hà Nội luôn ưu tiên phát triển văn hóa, bởi bản sắc văn hóa là vốn quý, là nền tảng tinh thần xã hội. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Bộ trưởng đề nghị TP Hà Nội xử lý kịp thời những điểm nóng trong quản lý di sản, thực hiện đúng Luật Quảng cáo trong quản lý loại hình này, quan tâm quản lý hoạt động lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hà Nội kiểm tra phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để có những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm đưa phong trào hoạt động hiệu quả hơn.