1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
+ Trồng trọt:
Gieo trồng vụ mùa: tính đến ngày 15/7/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 2.523 ha, giảm 20,81% so cùng kỳ; trong đó, có 1.051 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, tăng 6,59% và 1.472 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), giảm 33,09% so cùng kỳ. Cụ thể một số cây trồng chính như sau: diện tích lúa đạt 400 ha, tăng 2,04%; cây ngô đạt 42 ha, tăng 10,53%, diện tích ngô tăng khá nhờ giá thu mua ổn định, người dân chuyển đổi cây trồng; đậu phộng đạt 16 ha, giảm 38,46%, do hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích gieo trồng giảm; rau đậu các loại đạt 559 ha, tăng 13,62%, trong đó, rau các loại đạt 505 ha (+ 9,57%), đậu các loại đạt 54 ha (+ 68,75%), do người dân chuyển đổi cây trồng hoặc tận dụng đất trồng xen trong cây lâu năm nên thường diện tích xuống giống không ổn định.
Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): diện tích mì đạt 1.472 ha, giảm 32,48%, chủ yếu giảm ở các diện tích trước đây trồng xen trong cây lâu năm, nay đã phát tán nên không thể gieo trồng được; riêng mía trồng mới cho đến nay nông dân vẫn chưa xuống giống và dự báo diện tích trồng mới trong vụ này sẽ giảm do lợi nhuận từ trồng mía thấp hơn một số cây trồng khác nên nông dân không mặn mà với cây trồng này.
Thu hoạch vụ hè thu:
Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 9.336 ha cây trồng các loại, đạt 15,29% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), tăng 20,14% so cùng kỳ; trong đó nhanh nhất là cây lúa 6.029 ha, đạt 12,17% so diện tích gieo trồng, tăng 34,73% so cùng kỳ; rau đậu các loại 2.664 ha, trong đó, cây rau các loại 2.306 ha, đạt 39,33% so diện tích gieo trồng, tăng 10,33% so cùng kỳ. Nhìn chung một số cây trồng thu hoạch tăng hơn cùng kỳ do một số diện tích xuống giống sớm nay đã đến kỳ thu hoạch. Dự báo năng suất một số cây trồng không cao, có khả năng nhiều cây trồng năng suất giảm so cùng kỳ; cụ thể, cây lúa ước năng suất bình quân chỉ đạt khoảng trên 48 tạ/ha, đậu phộng ước đạt 27 tạ/ha, rau các loại ước đạt 120 tạ/ha,… ; chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết.
Thu hoạch cây trồng vụ trước: mì đạt 7.210 ha, tăng 8,1% so cùng kỳ, gồm: mì vụ mùa 2012 là 5.175 ha và vụ đông xuân 2013 là 2.035 ha, năng suất ước đạt 27-28 tấn/ha; hiện nay đa số các diện tích mì thu hoạch vụ đông xuân 2013 là mì trồng dưới chân rộng trũng, do trong thời gian qua mưa nhiều nên nông dân tranh thủ thu hoạch, vì mì non nên chữ lượng bột đạt thấp đã ảnh hưởng tới năng suất. Cây mía trong tháng không phát sinh do đã kết thúc vụ.
Tình hình sâu bệnh: trong tháng, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng phát sinh tăng hơn tháng trước nhưng ở mức nhiễm bệnh nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến tình hình sinh trưởng cây trồng, tập trung chủ yếu bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá trên cây lúa; bọ trĩ, rầy mềm, sâu xanh, bệnh thán thư, … trên cây rau các loại; riêng cây mì trong tháng phát hiện thêm 299 ha mì ở giai đoạn 4-5 tháng tuổi bị nhiễm rệp sáp bột hồng, lũy kế đến ngày 4/7/2013 tổng diện tích nhiễm rệp sáp bột hồng trên toàn tỉnh là 1.143 ha, trong đó có 47 ha đã thu hoạch.
+ Chăn nuôi:
Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh, giá thu mua gia súc gia cầm và các sản phẩm của chúng có chiều hướng ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng trước. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên người chăn nuôi thu lợi nhuận thấp.
Trong kỳ, các ngành chức năng đã thẩm định 05 dự án chăn nuôi (03 trang trại chăn nuôi gà thịt, 02 trại chăn nuôi lợn) của các doanh nghiệp chăn nuôi. Các dự án này là hình thức chăn nuôi hiện đại, phù hợp với công tác bảo vệ môi trường là chăn nuôi theo mô hình trại lạnh khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, với quy mô trang trại 40.000-180.000 con gia cầm/lứa xuất chuồng, 3.000- 7.000 lợn thịt/lứa xuất chuồng, địa điểm chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của địa phương.
Trong tháng, các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi và tồn dư chất cấm trong thịt tại các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ.
b. Lâm nghiệp:
Trong tháng, các ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét chống phá rừng, đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 35 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tình trạng chặt nhánh hạn chế sự sinh trưởng của cây rừng trồng vẫn còn xảy ra.
Ngành lâm nghiệp đang triển khai công tác chăm sóc rừng trồng lần 1 năm 2013, đến nay các hộ đã nhận khoán với diện tích thực hiện 1.912 ha, đạt 73,85% so kế hoạch. Công tác trồng rừng cũng được triển khai, đến nay các đơn vị đã trồng được 47,5/480 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, đạt 9,9% so kế hoạch đề ra; do diện tích thiết kế đưa vào trồng rừng phần lớn nằm trong phần diện tích bị bao, lấn chiếm, đất thuộc khu vực biên giới, ứng vốn gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến công tác trồng rừng năm 2013.
c. Thủy sản:
Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được phát triển tập trung chủ yếu ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Trong tháng, thu hoạch thủy sản nuôi trồng của diện tích đã thả trong năm 2012 với sản lượng ước đạt 1.080 tấn, trong đó sản lượng cá ước đạt 1.062 tấn. Hiện nay giá thu mua các sản phẩm từ thủy sản không ổn định, chưa có thị trường thu mua nên thường bị tư thương ép giá do vậy ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất; đặc biệt giá cá tra đang có chiều hướng giảm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu của địa phương. Khai thác thủy sản ước sản lượng tháng 7 đạt 260 tấn, trong đó cá đạt 250 tấn và hiện khai thác vẫn tập trung trong hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều thả giống bổ sung nhằm đảm bảo nguồn sinh thái, còn đánh bắt tự túc giảm.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 7/2013 tăng 7,75% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 16,26% do vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng khá (+ 8,12%), chủ yếu do ngành SX chế biến thực phẩm tăng 37,77%, trong đó, ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột có chỉ số sản xuất tăng 67,81%, do một số doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì trên địa bàn tỉnh sau thời gian tạm ngưng hoạt động để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp dây chuyền sản xuất tháng này đã hoạt động trở lại; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 20,6%; SX trang phục tăng 9,54%; SX sản phẩm từ cao su và plastic cũng tăng 5,34% so tháng trước, … . Do bắt đầu vào mùa mưa nên nhu cầu tiêu thụ điện giảm, do đó ngành SX, phân phối điện cũng có chỉ số sản xuất tháng 7 giảm 1,34%. Và chỉ số sản xuất của ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng giảm 7,34% so tháng 6/2013.
Cộng dồn bảy tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng chỉ tăng 0,67%, do hiện tại các doanh nghiệp đang tận thu nguồn nguyên liệu khi đã hết thời hạn khai thác và đang chờ quyết định của UBND tỉnh; các ngành công nghiệp còn lại có mức tăng khá, cụ thể: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,75%; sản xuất, phân phối điện tăng 12,17% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng 23,15% so cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất bảy tháng đầu năm tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 8,24%; đường các loại tăng 29,23%, chủ yếu sản xuất đường của Cty CP Bourbon tăng cao (+ 28,88%), do trong kỳ công ty đã nhập đường thô để sản xuất đường tinh luyện; quần áo tăng 40,52%; giày các loại tăng 66,66%; điện thương phẩm tăng 10,08%; nước máy thương phẩm tăng 11,23%; sản lượng clanke tăng 14,64%, trong khi đó sản lượng xi măng sản xuất lại giảm 8,05%, do mức tiêu thụ giảm so cùng kỳ năm trước.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 7/2013 đạt 217 tỷ đồng, tăng 18,81% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 121 tỷ đồng (+ 17,58%); ngân sách cấp huyện đạt 95 tỷ đồng (+ 20,62%); và vốn ngân sách cấp xã đạt 1,9 tỷ đồng (+ 9,41%). Nhiều công trình trọng điểm có giá trị thực hiện trong tháng cao, cụ thể: công trình đường 786 từ ngã tư Quốc tế-UBND Bến Cầu ước đạt 19,5 tỷ đồng (+ 34%); công trình thuộc huyện Tân Châu ước đạt 5,6 tỷ đồng (gấp 2,62 lần); công trình thuộc huyện Châu Thành ước đạt 17,8 tỷ đồng (+ 33%); công trình thuộc huyện Bến Cầu ước đạt 4,42 tỷ đồng, cũng tăng 5% so tháng 6/2013; … .
.Cộng dồn 7 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.065 tỷ đồng, đạt 63,44% kế hoạch năm, tăng 22,27% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 595 tỷ đồng, tăng 20,73%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 463 tỷ đồng, tăng 22,41%; ngân sách cấp xã đạt 7 tỷ đồng, vượt 17,95% kế hoạch năm 2013 (cùng kỳ năm trước chưa phân khai vốn nên đến cuối tháng 7/2012 vẫn chưa có giá trị thực hiện).
4. Giao thông vận tải:
Vận tải hành khách tháng 7/2013 ước tính đạt 1.195 nghìn lượt khách, tăng 0,15% và 82.004 nghìn lượt khách.km, cũng tăng 0,15% so tháng trước. Khối lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển trong tháng 7 tăng nhẹ do nhu cầu đi lại của người dân tăng trong các kỳ thi đại học, cao đẳng vào đầu tháng 7. Bảy tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 9.373 nghìn lượt khách, tăng 5,08%, vận chuyển hàng khách tăng khá do có thêm năng lực mới phục vụ khách trong dịp tết Quý Tỵ 2013, đó là Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cho đi vào hoạt động thêm hệ thống cáp treo mới theo công nghệ Châu Âu nên thu hút được một khối lượng lớn hành khách tham gia; tuy vậy, do cự ly vận chuyển khách bằng cáp treo, máng trượt ngắn (khoảng 1 km) nên mức đóng góp vào luân chuyển hành khách là không đáng kể, do đó khối lượng hành khách luân chuyển 7T/2013 đạt 569.571 nghìn lượt khách.km, chỉ tăng 0,52% so cùng kỳ năm trước. Nếu xét theo ngành vận tải thì sản lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển đường bộ chỉ tăng 1-2%; riêng sản lượng đường thủy tăng mạnh (vận chuyển tăng 151,02% và luân chuyển tăng 142,54%), do HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông – Bến Cầu mới bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa năm 2012.
Vận tải hàng hóa trong tháng tiếp tục phát triển; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 910 nghìn tấn, tăng 3,76% và luân chuyển được 55.913 nghìn tấn.km, tăng 3,11% so tháng trước; sản lượng vận tải hàng hóa trong tháng tăng khá chủ yếu do sản lượng mì thu hoạch trong tháng 7 tăng. Bảy tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 5.905 nghìn tấn, tăng 6,38% và luân chuyển 373.827 nghìn tấn.km, tăng 1,11%. Có thể thấy vận tải hàng hóa của tỉnh hoàn toàn do khu vực ngoài nhà nước đảm nhận và chủ yếu tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.860 nghìn tấn, tăng 6,59%, luân chuyển 364.746 nghìn tấn.km, cũng tăng 1,61%; ngược lại, vận tải hàng hóa đường sông trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, với khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển 7 tháng đầu năm nay đều giảm 15,51% so cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 7/2013 đạt 4.197 tỷ đồng, tăng 2,87% so tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 363 tỷ đồng, tăng 7,41%; kinh tế ngoài nhà nước 3.828 tỷ đồng, tăng 2,4%. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 2,58%; khách sạn, nhà hàng đạt 476 tỷ đồng, tăng 3,43%; du lịch lữ hành đạt 3 tỷ, tăng 2,51%; và ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 459 tỷ đồng, tăng 4,33% so tháng trước (do số kỳ phát hành vé số trong tháng 7 tăng).
Cộng dồn 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 27.631 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức tăng 0,75%, điều này cho thấy sức mua của người dân trong những tháng đầu năm nay tăng chậm, thấp hơn nhiều so với sức mua của năm trước (7T/2012 tăng 4,63%). Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 21.289 tỷ đồng, tăng 8,96%; doanh thu thương nghiệp tăng ở các nhóm hàng chủ yếu sau: lương thực, thực phẩm tăng 8,31%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,48%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,05%; xăng, dầu các loại tăng 5,89%; phương tiện đi lại tăng 6,18%; .... Ngành khách sạn,nhà hàng đạt 3.098 tỷ đồng, tăng 8,09%; du lịch lữ hành đạt 13 tỷ đồng, tăng 8,87%; và dịch vụ đạt 3.231 tỷ đồng, cũng tăng 5,1% so 7T/2012.
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2013 đạt 151 triệu USD, tăng 2,26% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 113 triệu USD, tăng 1,97%; kinh tế tư nhân đạt 35 triệu USD, tăng 3,17%; kinh tế nhà nước tăng 2,95% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: hàng dệt may đạt 49 triệu USD (+ 1,25%), giày dép các loại đạt 29 triệu USD (+ 2,24%), cao su vào vụ thu hoạch nên có kim ngạch xuất khẩu trong tháng khá cao, ước đạt 20 triệu USD, tăng 2,91%, hạt điều đạt 7 triệu USD, cũng tăng 4,41% so với tháng trước.
Cộng dồn 7 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 947 triệu USD, tăng 14,7% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 709 triệu USD, tăng 23,67%; riêng mặt hàng dệt may của khu vực này đạt 307 triệu USD (+ 34,64%), giày dép các loại đạt 174 triệu USD (+ 91,91%), sản phẩm bằng plastic đạt 40 triệu USD (+ 88,87%); ngược lại, kinh tế nhà nước đạt 17 triệu USD, giảm 4,39%; kinh tế tư nhân đạt 219 triệu USD, giảm 4,55%, chủ yếu do giảm xuất khẩu mặt hàng cao su (giá xuất khẩu giảm khi lượng cung cũng như lượng dự trữ cao su của hầu hết các quốc gia đều tăng cao và tiến tới vượt mức tiêu thụ trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới như hiện nay), do đó cao su xuất khẩu của cả tỉnh ước 7 tháng đầu năm nay đạt 41 nghìn tấn (+ 10,55%), trong khi đó kim ngạch chỉ đạt 108 triệu USD, giảm 13,61% so cùng kỳ năm trước.
+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 90 triệu USD, tăng 4,17% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN nhập 76 triệu USD, tăng 4,03%; kinh tế tư nhân với 13 triệu USD, cũng tăng 4,98% so tháng 6/2013.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 553 triệu USD, tăng 16,78% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN luôn là khu vực nhập khẩu chủ yếu của tỉnh, đạt 447 triệu USD, chiếm tỷ trọng 81%, tăng 15,07%; khu vực này chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, do đó kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của cả tỉnh cũng tăng khá, cụ thể: vải may mặc đạt 120 triệu USD, tăng 49,79%; chất dẻo nguyên liệu đạt 25 triệu USD, tăng 19,03%; phụ liệu giày dép đạt 39 triệu USD, tăng 86,66%; kim loại thường đạt 10 triệu USD, tăng 126,13%; … . Kinh tế tư nhân cũng có kim ngạch nhập khẩu khá cao, ước đạt 99 triệu USD, tăng 24,57%; riêng nhóm hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu của khu vực này mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn có trị giá nhập khẩu tăng khá, với 45 triệu USD, gấp 3,15 lần so cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá tiêu dùng:
Trong thời gian qua (ngày 28/6/2013) giá xăng dầu các loại được điều chỉnh tăng từ 300 đồng/lít - 370 đồng/lít tùy từng loại, đây là mặt hàng thiết yếu tham gia vào hầu hết quá trình sản xuất và kinh doanh nên việc tăng giá xăng dầu ít nhiều cũng đã ảnh hưởng làm cho giá cả một số hàng hóa, dich vụ tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 5,1% so với tháng 12 năm trước và tăng 9,03% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7/2013 tăng 0,39%, trong đó nhóm bột mì và ngũ cốc tăng 7,2%, chủ yếu do các mặt hàng như ngô tăng 1,77%, khoai lang tươi tăng 8,95% so với tháng trước; giá gạo các loại tháng này tương đối ổn định, giá một số mặt hàng gạo có chiều hướng tăng nhẹ do tình hình xuất khẩu và giá xuất khẩu thời gian qua đã được cải thiện sau một thời gian dài giảm giá liên tục, tuy vậy hiện giá xuất khẩu vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này tăng 0,75%, trong đó nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 1,98%, do nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; cụ thể: nhóm thịt heo (lợn) tăng 2,51%, riêng thịt lợn mông sấn (heo đùi) tăng 1,74%, thịt heo nạc thăn tăng 3,09%, thịt heo ba rọi (ba chỉ) tăng 2,33%, sườn heo (sườn cọng loại 1) tăng 3,23%; nhóm thịt bò các loại cũng tăng 0,28% so với tháng trước; ngược lại, nhóm gia cầm tươi sống giảm 1,41%, trứng các loại mặc dù có giá giảm 1,32% so với tháng trước nhưng hiện giá bán vẫn ở mức cao so với bình thường do giá mặt hàng này đã tăng khá cao trong tháng 5 và tháng 6/2013; nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,11%, chủ yếu do các mặt hàng tôm biển tăng 1,72% và tôm đồng tăng 9,91% so với tháng trước. Nhóm rau tươi các loại tháng này tăng 1,03%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số giá tăng, cụ thể như: cà chua tăng 6,12%, rau muống tăng 6,78%, hành lá tươi tăng 11,18%, … , nguyên nhân do trong tháng thời tiết tuy khá mát mẻ nhưng thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa to kéo dài trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của các vườn rau nên đã làm cho giá rau tươi các loại tháng này tăng lên. Nhóm quả tươi các loại tăng 0,95% so với tháng trước do tính chất mùa vụ.
Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,17%, trong đó, giá gas đun tháng này tăng 1,66%, giá dầu hỏa tăng 0,85%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; nhóm giao thông tăng 1,33%, trong đó giá nhiên liệu xăng dầu các loại tăng 2,39% so với tháng trước; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,71%, riêng nhóm đồ trang sức giảm 9,62% theo sự giảm giá của vàng. Các nhóm còn lại tương đối ổn định.
Giá vàng và đôla Mỹ: giá vàng bình quân tháng 7/2013 là 3.873.000 đ/chỉ, giảm 240.000 đ/chỉ (- 5,84%); giá đôla Mỹ tháng này là 21.960 đ/USD, tăng 20 đ/USD (+ 0,09%) so với tháng 6/2013.
7. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 7/2013 đạt 400 tỷ đồng, cộng dồn 7 tháng 2.866 tỷ đồng, đạt 55,12% dự toán năm, tăng 15,53% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 1.762 tỷ đồng, đạt 49,41% dự toán, tăng 7,92% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong những tháng đầu năm nay các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu, nộp ngân sách nhà nước; ngoài ra, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; thể hiện rõ qua các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 316 tỷ đồng, chỉ đạt 37,4% dự toán, giảm 25,25% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 92 tỷ đồng, giảm 12,32%; thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 718 tỷ đồng, mặc dù tăng 27,22% so cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 46,33% dự toán năm; lệ phí trước bạ cũng chỉ đạt 53,81% dự toán. Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu đạt khá cao như: thu từ DN có vốn ĐTNN đạt 97 tỷ đồng, đạt 60,56% dự toán, tăng 34,08%; thuế thu nhập cá nhân 213 tỷ đồng, đạt 60,74% dự toán, tăng 4,91%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 64 tỷ đồng, đạt 91,28% dự toán, tăng 62% so cùng kỳ. Các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN đạt 905 tỷ đồng; riêng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 786 tỷ đồng, đạt 78,58% dự toán, tăng 33,54% so cùng kỳ năm 2012.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 7/2013 đạt 476 tỷ đồng, nâng mức chi 7 tháng đầu năm đạt 3.027 tỷ đồng, đạt 54,1% dự toán, tăng 45,39% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 43,14%; chi đầu tư phát triển 356 tỷ đồng, giảm nhẹ (- 4,76%), nhưng bù lại thì chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 629 tỷ đồng, tăng đến 122,9% so cùng kỳ năm trước.
8. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 7/2013 đạt 24.210 tỷ đồng, tăng 1,1% so đầu tháng và tăng 7,56% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 19.758 tỷ đồng, tăng 0,42% so đầu tháng và tăng 6,62% so cùng kỳ.
Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 7 đạt 18.405 tỷ đồng, tăng 1,24% so tháng trước và tăng 17,92% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 152 tỷ đồng, giảm 7,82% so đầu tháng và giảm 41,04% so tháng 7/2012.
9. Tình hình văn xã:
a) Lao động, giải quyết việc làm:
Trong tháng 7/2013 ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.071 lao động. Lũy kế giải quyết được 14.068 lao động, đạt 70,34% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 12.588 lao động; xét duyệt 115 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 12.132,5 triệu đồng, tạo việc làm cho 1.311 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 50 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: trong tháng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công với 1.924 lao động tham gia. Lũy kế, xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 10 công ty với 13.883 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 3.655 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 07 vụ tại 07 công ty với 10.228 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, chủ yếu là sự thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, thông qua vai trò trung gian hướng dẫn, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn cấp tỉnh, huyện, hạn chế được tổn thất trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Hoạt động y tế:
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 ca sốt Dengue/sốt xuất huyết; thủy đậu có 21 ca; tay chân miệng 176 ca, tăng 77,27% so tháng trước, trong đó huyện có số ca mắc mới cao là Châu Thành 25 ca, Tân Châu 35 ca và có 01 người tử vong; sốt rét 06 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong.
Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 29 ca HIV, 32 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.155 ca HIV (nữ 902 ca), trong đó 2.171 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 564 ca) và có 1.133 người tử vong do AIDS.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: trong kỳ, đã tiến hành kiểm tra 368 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 281 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 76,35%). Ngộ độc thực phẩm không xảy ra.
c) An toàn giao thông:
Trong tháng 7/2013 (từ ngày 16/6/2013-15/7/2013) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người và bị thương 09 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 33%, số người chết tăng 33%, và số người bị thương gấp 3 lần. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
d) Hoạt động văn hoá:
Trong tháng 7/2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Ngày Báo chí Việt Nam (21/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), kỷ niệm 8 năm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, Tháng hành động phòng, chống ma túy, phòng chống tham nhũng; phòng cháy, chữa cháy; Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình mục tiêu 04 giảm của tỉnh; Năm An toàn giao thông; tuyên truyền góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ quyền Biển - Đảo Việt Nam; … . Kết quả, Ngành đã thực hiện 446 lượt băng ron, 36 buổi xe loa, 56 panô, 1290 cờ các loại, 4 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh thực hiện thực hiện trưng bày triển lãm tại chỗ với chuyên đề “Một số hình ảnh, bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và đã đón được 214 lượt người tham quan học tập; tổ chức triển lãm lưu động phục vụ được 3.200 lượt người tại Trường Cao đẳng sư phạm, Trường Trung học Kinh tế-Kỹ thuật Tây Ninh và xã Bàu Năng.
Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong tháng. Thư viện tỉnh phục vụ 10.426 lượt bạn đọc với 41.289 lượt sách, báo, tạp chí; thư viện huyện, thị phục vụ được 30.530 lượt bạn đọc với 90.729 lượt sách, báo được phục vụ.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 185 cuộc với 350 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: ban hành 09 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 94,75 triệu đồng.
e) Thiệt hại do thiên tai:
Từ ngày 16/6/2013 đến 15/7/2013, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra ba đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy tại các huyện Gò Dầu (02 đợt) và huyện Trảng Bàng (01 đợt). Theo báo cáo sơ bộ, lốc xoáy đã làm sập 04 căn nhà, và tốc mái 69 ngôi nhà, ước giá trị thiệt hại khoảng 192 triệu đồng. Ngay sau khi cơn lốc xoáy xảy ra, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, ban chỉ huy PCLB-TKCN, Ủy ban nhân dân xã cùng lực lượng dân quân, xã đội, công an đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống.
f) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:
Trong tháng 7/2013 (từ ngày 16/6/2013 đến 15/7/2013), cháy nổ không xảy ra.
Vi phạm về môi trường: trong tháng đã phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường tại huyện Châu Thành và đã xử lý 02 vụ với số tiền phạt là 212 triệu đồng; nguyên nhân do xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường./.
|