Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/08/2021-14:21:00 PM
Các địa phương thống nhất cao các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Chính phủ
(MPI) - Tham gia ý kiến tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 các địa phương bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ xác định rõ 6 quan điểm, 13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%,…

Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ kiến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng và bảo đảm năng lực tiêm phòng nhanh vắc-xin COVID-19 cho người dân; áp dụng, tích hợp và vận hành thông suốt các nền tảng công nghệ số trong phòng, chống dịch. Triển khai khẩn trương, có hiệu quả các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân; tiếp tục có chương trình tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển, kích thích kinh tế tổng thể,…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức lãnh thổ, thể chế quản trị vùng, liên vùng để bù đắp những giới hạn của quản trị địa phương nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần phân vùng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ ngành, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, gắn với trách nhiệm, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực. Áp dụng một số giải pháp, cơ chế đặc thù, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động trong công tác quản lý về quy hoạch, tài chính, đầu tư đất đai đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình mẫu có hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Ký cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư và thu ngân sách và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, xem xét đánh giá về khả năng thu ngân sách của năm tiếp theo để xác định thời kỳ ổn định ngân sách mới, đảm bảo tỷ lệ điều tiết phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho các địa phương phát triển.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong 13 nhóm giải pháp chủ yếu thì có rất nhiều nội dung, biện pháp cụ thể đối với từng ngành, từng địa phương, nhưng cũng có những nhiệm vụ mà không phải bộ, ngành, địa phương nào cũng có thể cụ thể hóa được bằng các Chương trình, Kế hoạch thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết. Do đó, trong phần các nhiệm vụ, giải pháp thì cần chú thích rất rõ trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này của các bộ, ngành và các địa phương nào. Đồng thời, đề xuất trong 13 giải pháp cần nhấn mạnh giải pháp tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả giữa các bộ ngành địa phương, khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn trong nền kinh tế và khôi phục các nguồn nhân lực cho phát triển.

Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, kịch bản tăng trưởng kinh tế Thành phố sẽ liên tục được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, Thành phố xác định vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn với 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, Thành phố sẽ tập trung, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tập trung rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về thể chế; tập trung giải quyết các điểm nghẽn kìm hãm phát triển nhất là hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính là một yêu cầu thiết yếu nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường sự chủ động cho các địa phương, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí thời gian cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ phiên họp, Chính phủ cũng họp trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 798
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)